Bài 12:

Lời kêu cứu từ Ả rập xê út: Tiếng thở dài của thân phận nữ lao động nghèo!

(Dân trí) - Sau loạt bài điều tra của Báo Dân trí về việc Công ty Petromanning sử dụng địa chỉ trụ sở “ma” trong các bản hợp đồng ký kết đưa người lao động xuất khẩu sang Ả Rập Xê Út, Bộ LĐTB&XH đã chính thức rút giấy phép XKLĐ của công ty này. Trong khi đó, dư âm còn lại là tiếng thở dài của những thân phận nữ lao động nghèo.

Từ tháng 2/2017, Báo Dân trí tiếp nhận Đơn kêu cứu khẩn cấp của hai nữ lao động Trần Thị T (SN 1986, trú tại Lạng Giang - Bắc Giang) và Trương Thị Nhang (SN 1976, trú tại tổ 9, phường Phùng Chí Kiên, TP. Bắc Kạn) trong sự sợ hãi và bất bình tột cùng khi được Công ty cổ phần phát triển nguồn lực và dịch vụ dầu khí Việt Nam (Petromanning) đưa đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên, sau đó để được chấm dứt hợp đồng trở về Việt Nam, hai nữ lao động nghèo này đã phải đóng 3000 USD.


Chị Trương Thị Nhang (SN 1976, trú tại tổ 9, phường Phùng Chí Kiên, TP. Bắc Kạn) đã gửi đơn kêu cứu đến Báo Dân trí về việc được Công ty Petromanning đưa đi lao động tại Ả Rập Xê Út nhưng khi chị kêu cứu cũng bị bắt nộp 3000 USD mới được về nước.

Chị Trương Thị Nhang (SN 1976, trú tại tổ 9, phường Phùng Chí Kiên, TP. Bắc Kạn) đã gửi đơn kêu cứu đến Báo Dân trí về việc được Công ty Petromanning đưa đi lao động tại Ả Rập Xê Út nhưng khi chị kêu cứu cũng bị bắt nộp 3000 USD mới được về nước.

PV Dân trí đã vào cuộc điều tra làm rõ nhiều sự bất thường trong hoạt động của công ty này.

Công ty Petromanning đã dùng địa chỉ “ma” trong các bản hợp đồng đưa người lao động đi xuất khẩu. Cụ thể, tại Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc có thời hạn tại Ả Rập Xê Út số KSA - 352/2016/PTT, Công ty Petromanning ký với người lao động là chị Trương Thị Nhang không hề ghi rõ thời gian ký hợp đồng.

Theo đơn kêu cứu của chị Nhang gửi Báo Dân trí, ngày 21/9/2016, chị được Công ty Petromanning sắp xếp bay sang Ả Rập Xê Út theo hợp đồng đã ký kết trên. Chị Nhang cho biết, hợp đồng đó được ký kết trước khi chị bay khoảng 5 ngày, tức là khoảng ngày 16/6/2016.

Cũng tại bản hợp đồng bỏ trống thời gian này, trụ sở công ty được ghi rõ: Tầng 10 Maple Tower, Lô C2L, Cụm sản xuất TTCN và CN nhỏ phường Dịch Vọng Hậu - Cầu Giấy (Hà Nội).

Tuy nhiên, sáng ngày 23/2, PV Dân trí đã đến trực tiếp địa chỉ Tầng 10 Maple Tower thì không hề có việc nơi đây đang được sửa chữa. Xác nhận và cung cấp thông tin chính thức cho Báo Dân trí, đại diện Công ty cổ phần Hương Giang, chủ sở hữu của toà nhà Maple Tower khẳng định: Công ty Petromanning đã chính thức thanh lý hợp đồng thuê văn phòng tại tầng 10 và rời khỏi toà nhà này vào ngày 1/2/2016.

Đại diện Công ty Hương Giang còn cho biết thêm, đã có nhiều đơn vị đến địa chỉ này tìm Công ty Petromanning, nhất là cơ quan thi hành án nhưng không thấy vì họ đã chấm dứt hợp đồng thuê trụ sở từ lâu.

Theo đó, sau loạt bài của Báo Dân trí, Bộ LĐTB&XH đã kết luận 11 sai phạm cụ thể của công ty này. Trong đó có nội dung Công ty đơn phương thanh lý hợp đồng khi chưa gửi thông báo bằng thư bảo đảm ba lần đến người lao động trong thời gian một trăm tám mươi ngày kể từ ngày người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; Thu tiền của lao động Trương Thị Nhang đi làm việc ở Ả rập - Xê út về nước trước thời hạn số tiền là 3.000 Đô la Mỹ, nhiều hơn mức quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.


Website của Công ty Petromanning với những lời mời chào người lao động đi xuất khẩu tại Ả Rập Xê Út.

Website của Công ty Petromanning với những lời mời chào người lao động đi xuất khẩu tại Ả Rập Xê Út.

Ngày 15/3, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định số 400/QĐ-LĐTBXH do ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng ký về việc thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Công ty cổ phần Phát triển nguồn lực và dịch vụ dầu khí Việt Nam (viết tắt là Cty Petromanning).

Tuy nhiên, kể từ khi bị thu hồi giấy phép XKLĐ, Công ty Petromanning đã “quên” luôn việc trả lại số tiền đã thu quá quy định của nữ lao động nghèo trong số 3000 USD họ đã bị buộc phải đóng để được về nước.

Chị Trương Thị Nhang buồn bã cho biết sau khi có kết luận chính thức của Bộ LĐTB&XH, chị và gia đình đã nhiều lần liên hệ với công ty qua số điện thoại cá nhân của lãnh đạo và số điện thoại bàn nhưng đều báo không liên lạc được hoặc nhân viên lảng tránh. “Có thể với công ty này số tiền mà họ cố tình thu quá quy định chỉ đáng một vài bữa ăn của lãnh đạo công ty nhưng với người lao động nghèo như chúng tôi, ngần ấy tiền có thể mua được cả lợn giống, bò giống và là cả gia sản của chúng tôi. Tôi tha thiết mong muốn, lãnh đạo công ty trước hết hãy tuân thủ pháp luật, tuân thủ kết luận của Bộ LĐTB&XH, rồi sau nữa là vì tình người và lòng trắc ẩn, hãy trả lại cho chúng tôi số tiền chính đáng ấy”, chị Nhang nói.

Chị Trần Thị T cũng chia sẻ: “Trước đây, công ty cũng đã từng mời tôi xuống làm việc về số tiền 3000 USD họ thu của tôi. Thế nhưng, tôi cùng người thân và luật sư đến làm việc thì họ tìm mọi cách để lấp liếm và sự việc không được giải quyết. Sau đó, khi Bộ LĐTB&XH tiến hành thanh tra, họ có 3 lần gửi giấy mời tôi xuống trụ sở nhưng tôi không xuống mà đợi đến khi nào có kết luận từ Bộ. Và kể từ sau khi Bộ LĐTBXH chính thức kết luận sai phạm, tôi không hề nhận được hồi âm nào từ công ty về số tiền 3000 USD của tôi nữa. Tôi mong muốn Bộ LĐTB&XH có sự giám sát để những lao động nghèo như chúng tôi không bị ức hiếp như vậy nữa, được trả lại tiền của mình để ổn định cuộc sống”.

Theo đó, 11 sai phạm của Công ty Petromanning đã được Bộ LĐTB&XH kết luận gồm:

Công ty Petromanning chưa đổi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Chưa báo cáo danh sách người lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước sở tại.

Lời kêu cứu từ Ả rập xê út: Tiếng thở dài của thân phận nữ lao động nghèo! - 3

Quyết định thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Công ty cổ phần Phát triển nguồn lực và dịch vụ dầu khí Việt Nam (viết tắt là Cty Petromanning).

Quyết định thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Công ty cổ phần Phát triển nguồn lực và dịch vụ dầu khí Việt Nam (viết tắt là Cty Petromanning).

Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với người lao động của công ty này có các nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật: Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Đài Loan (Trần Quang Cường, ký ngày 15/01/2017; Khuất Thị Quỳnh, ký ngày 19/01/2017; Huỳnh Thị Xuân Thu, ký ngày 06/10/2015; Phạm Trung Trọng, ký ngày 14/01/2015; Ngô Văn Doanh, ký ngày 22/11/2016) Điều 2 của hợp đồng quy định tiền môi giới người lao động có trách nhiệm tự chi trả cho đối tác nước ngoài khi nhập cảnh; Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Ả rập - Xê út không ghi nội dung người lao động được nghỉ hàng năm 15 ngày theo nội dung hợp đồng cung ứng đã đăng ký với Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Hợp đồng với một số lao động đi làm việc ở Ả rập - Xê út của Công ty Petromanning không đảm bảo ít nhất 05 ngày trước khi người lao động xuất cảnh như: Lao động phạm Thị Thu Hoa, ký hợp đồng ngày 20/12/2016, xuất cảnh ngày 21/12/2016; lao động Đỗ Thị Hà, ký hợp đồng ngày 01/9/2015, xuất cảnh ngày 05/9/2015…

Công ty này thông báo tuyển dụng người lao động đi làm việc tại Đài Loan không ghi số lượng người cần tuyển, nơi làm việc, quyền và nghĩa vụ cơ bản của người lao động trong thời gian làm việc tại nước ngoài; Giáo viên bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài chưa đảm bảo đủ điều kiện theo quy định (11 giáo viên chưa có chứng nhận tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn và sư phạm do Cục Quản lý Lao động ngoài nước tổ chức).

Công ty đơn phương thanh lý hợp đồng khi chưa gửi thông báo bằng thư bảo đảm ba lần đến người lao động trong thời gian một trăm tám mươi ngày kể từ ngày người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; Thu tiền của lao động Trương Thị Nhang đi làm việc ở Ả rập - Xê út về nước trước thời hạn số tiền là 3.000 Đô la Mỹ, nhiều hơn mức quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Công ty Petromanning không thu tiền môi giới của người lao động, người lao động nộp trực tiếp tiền môi giới cho đối tác nước ngoài khi nhập cảnh đi làm việc; Công ty thu tiền dịch vụ của 04 lao động đi làm việc ở Đài Loan (Trần Quang Cường, Huỳnh Thị Xuân Thu, Phạm Trung Trọng, Lê Văn Út) trước khi ký hợp đồng dịch vụ.

Sai phạm thứ 11 theo Kết luận thanh tra là Công ty Petromanning chưa thanh lý hợp đồng với 25 lao động (23 lao động bỏ trốn tại Đài Loan và Nhật Bản; 02 lao động làm việc tại Ả rập - Xê út về nước trước thời hạn).

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế