Bài 3:

Lời kể sự thật của nữ lao động kêu cứu từ Ả Rập Xê Út!

(Dân trí) - Sau khi Báo Dân trí vào cuộc thông tin lời kêu cứu khẩn thiết của một nữ lao động tại Ả Rập Xê Út, nạn nhân đã được trở về Việt Nam vào rạng sáng ngày 29/1 (Mồng 2 Tết) trong nỗi khiếp sợ. Thế nhưng, những sự lạ thường phía sau hợp đồng được gọi là xuất khẩu lao động này đã hé lộ.

Ngày 23/1, Báo Dân trí đăng bài báo “Nữ lao động tố bị đưa “bánh vẽ” khi xuất khẩu lao động sang Ả Rập Xê Út”. Theo đó, chị Trần Thị T (quê Lạng Giang - Bắc Giang) ký hợp đồng xuất khẩu lao động với Công ty Petromanning để đi làm lao động giúp việc tại Ả Rập Xê Út kêu cứu vì bị chủ sàm sỡ, đánh đập dã man, nhốt vào phòng kín, bỏ đói, bắt phải nộp 3000USD tiền phạt hợp đồng để được đưa về nước đã khiến dư luận phẫn nộ.

Ngay sau khi Báo Dân trí đưa thông tin sự việc, chiều ngày 25/1, Sở Lao động và Thương binh - Xã hội tỉnh Bắc Giang đã cử cán bộ đến làm việc trực tiếp với gia đình chị Trần Thị T. Thời điểm này chị T còn đang ở Ả Rập Xê Út.


Hợp đồng lao động với những điều khoản tốt đẹp được Công ty Petromanning ký với chị Trần Thị T.

Hợp đồng lao động với những điều khoản tốt đẹp được Công ty Petromanning ký với chị Trần Thị T.


Giấy nhận 3000USD của người môi giới đưa chị T đi xuất khẩu lao động với lý nộp phạt để được về nước.

Giấy nhận 3000USD của người môi giới đưa chị T đi xuất khẩu lao động với lý nộp phạt để được về nước.

Tại biên bản làm việc, chị Trần Thị M (em gái ruột chị T) cho biết chị T ký hợp đồng lao động xuất khẩu với Công ty cổ phần phát triển nguồn lực và dịch vụ dầu khí Việt Nam (Petromanning) thông qua một người môi giới tại Bắc Giang hướng dẫn làm các thủ tục.

Ngày 1/9/2016, chị T đến đến Công ty Petromanning làm các thủ tục nhập học và ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc có thời hạn tại Ả Rập Xê Út.

Theo biên bản làm việc với Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Giang, chị M cho biết ngày 21/9/2016, chị T nhanh chóng được xuất cảnh đưa sang lao động tại Ả Rập Xê Út. Theo lời kể của chị T, chị T không những không bị Công ty Petromanning bắt đóng bất kỳ một khoản tiền chi phí nào mà sau khi chị T xuất cảnh sang Ả Rập, chị M còn được người môi giới đại diện cho Công ty Petromanning đến đưa thêm tiền hỗ trợ cho gia đình 14 triệu đồng.

Và bi kịch xuất hiện ngay sau đó, chị M cho biết, sau khi chị T sang làm việc tại Ả Rập Xê Út được 2 tháng bắt đầu gọi điện về kêu cứu cho biết bị chủ nhà sàm sỡ. Khi chị T phản ứng thì bị đánh đập dã man, nhốt vào phòng kín, bỏ đói. Tinh thần và thể trạng suy kiệt luôn trong trạng thái hoảng loạn.

“Sau khi nhận được thông tin từ chị gái tôi, gia đình tôi đã liên hệ với Công ty Petromanning theo địa chỉ trên hợp đồng nhưng không tìm thấy địa chỉ trên. Sau đó gia đình tôi có liên lạc và trao đổi với ông Trương Đình T - người đã đưa chị gái tôi đi thì ông T nói sẽ giúp gia đình đưa chị gái tôi về nhưng phải bồi thường hợp đồng với số tiền 3000 USD.

Ngày 5/1/2017, gia đình tôi đến gặp ông T và nộp cho ông T 3000 USD như yêu cầu của ông T. Ông T viết giấy nhận tiền với nội dung nộp tiền phạt hợp đồng cho chị Trần Thị T đi lao động tại Ả Rập Xê Út về nước.


Bộ LĐTB&XH vào cuộc vụ nữ lao động khẩn thiết kêu cứu tại Ả Rập Xê Út.

Bộ LĐTB&XH vào cuộc vụ nữ lao động khẩn thiết kêu cứu tại Ả Rập Xê Út.

Như vậy, chị tôi bị đưa đi hành hạ tại Ả Rập Xê Út. Gia đình được nhận 14 triệu đồng. Nhưng số tiền 3000 USD phải nộp phạt còn gấp cả mấy lần số tiền đó. Tiền mất tật mang”, chị M xót xa.

Tại buổi làm việc giữa gia đình chị T với Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Giang, đại diện sở này đã đề nghị gia đình chị T làm đơn chính thức gửi Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Giang để làm căn cứ vào cuộc giải quyết.

Trao đổi với PV Dân trí, ông T, người môi giới đưa chị T sang Ả Rập Xê Út cho biết: "Việc yêu cầu gia đình chị T nộp 3000USD tiền phạt để về nước là do tôi thực hiện theo chỉ đạo của Công ty Petromanning. Đồng thời, tôi cũng đã nộp toàn bộ số tiền này cho công ty. Ngay sau khi tiếp nhận kêu cứu của chị T và gia đình, tôi đã tích cực hết sức phối hợp đưa chị T về nước".

Sự phối hợp sốt sắng và trách nhiệm của ông T để đưa chị T từ Ả Rập Xê Út về nước cũng được gia đình chị T xác nhận.

Trở lại diễn tiến sự việc, tiếp xúc với PV Dân trí ngay khi được về nhà, chị T cho biết chị và gia đình vô cùng cảm kích và gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến Báo Dân trí khi đã thông tin sự việc kịp thời, giúp giải cứu chị khỏi tình trạng nguy kịch cả về tinh thần và tính mạng.

Chị T một lần nữa khẳng định việc mình bị đánh đập dã man, bỏ đói, nhốt vào phòng kín sàm sỡ, quỵt lương và bị bắt ép gọi về gia đình tại Việt Nam nộp 3000 USD tiền phạt như những gì chị đã cung cấp và kêu cứu tới Báo Dân trí là đúng sự thật.

Tuy nhiên, chị T vô cùng bức xúc cho biết, sau khi Báo Dân trí thông tin sự việc, văn phòng đại diện của Công ty Petromanning tại Ả Rập Xê Út đã đưa chị rời khỏi gia đình hành hạ chị về lưu trú tại văn phòng.

“Tại văn phòng này, tôi bị nhiều người uy hiếp, đe doạ thậm chí dùng cả vũ lực bắt ép tôi phải viết nội dung rằng tôi đã cung cấp thông tin sai sự thật cho báo Dân trí, ép tôi viết rằng tôi không hề bị đáp đập, sàm sỡ, quỵt lương mà tự ý phá vỡ hợp đồng để đòi về nước. Họ đe doạ tôi nếu không viết như vậy sẽ không cho tôi về nước. Tôi đã viết theo yêu cầu của họ trong sự căm phẫn. Sau đó, họ tước đoạt chiếc điện thoại Iphone 5S của tôi. Đến nỗi khi tôi về đến sân bay Nội Bài trong đêm cũng không thể liên hệ về gia đình.

Bây giờ đã thoát khỏi “hang hùm miệng sói”, tôi khẳng định những lời kêu cứu của mình là đúng sự thật. Tôi cũng sẵn sàng đối chất trực tiếp với Công ty Petromanning với sự tham gia của đại diện Bộ LĐTB&XH cùng cơ quan công an. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm với những thông tin mình kêu cứu trước pháp luật”, chị T phẫn nộ.

Đồng thời, chị T cho biết sẽ lập tức gửi đơn đến các cơ quan chức năng và cơ quan công an đề nghị vào cuộc làm rõ sự việc, đặc biệt là số tiền 3000 USD gia đình bị phải nộp cho Công ty Petromanning.

Liên quan đến vụ việc nữ lao động đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út qua công ty Petromanning, theo thông tin từ chị T, quy trình và thủ tục có rất nhiều điểm lạ thường.

Trước đó, từ lời kêu cứu của chị T, PV Dân trí đã đến trực tiếp Trụ sở của Công ty Petromamning.

Dù địa chỉ ký hợp đồng với lao động xuất khẩu ghi rõ trụ sở Công ty Petromanning tại tầng 10 Maple Tower, Lô C2L, Cụm sản xuất TTCN và CN nhỏ phường Dịch Vọng Hậu - Cầu Giấy (Hà Nội) nhưng theo thông tin trên Website của công ty này và theo chỉ dẫn của chị T, PV Dân trí đã đến liên hệ với công ty này tại Tầng 16 toà nhà Intracom2 đường Phúc Diễn - Cầu Diễn - Bắc Từ Liêm (Hà Nội).


Nhân viên Công ty Petromanning (phải) ghi nhận những nội dung đề nghị cung cấp thông tin của PV Dân trí về trường hợp lao động Trần Thị T.

Nhân viên Công ty Petromanning (phải) ghi nhận những nội dung đề nghị cung cấp thông tin của PV Dân trí về trường hợp lao động Trần Thị T.

Tại đây, sau khi tiếp nhận, in sao lại Thẻ nhà báo của PV Dân trí, nhân viên Công ty Petromanning ghi nhận nội dung đề nghị cung cấp thông tin gồm: Lao động Trần Thị T kêu cứu bị đánh đập, sàm sỡ, quỵt lương, đã nộp 3000USD phạt nhưng chưa được đưa về Việt Nam và quá trình giải quyết hiện tại ra sao?. Nhân viên Công ty Petromanning cho biết lãnh đạo bận họp sẽ liên hệ thông tin sau. Tuy nhiên, đã nhiều ngày trôi qua vẫn chưa có hồi âm từ Công ty Petromanning.

Báo Dân trí kính đề nghị Bộ LĐTB&XH; Bộ Công an, Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Giang vào cuộc làm rõ sự việc, bảo vệ quyền lợi người lao động và sự nghiêm minh, thượng tôn của pháp luật.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế