Vụ Công ty dệt nhuộm gây “bê bối” ô nhiễm tại Quảng Trị:
Lo ngại nước thải “hủy diệt” môi trường, người dân đề nghị không cho doanh nghiệp xả thải
(Dân trí) - Người dân sinh sống trong khu vực chịu ảnh hưởng của nguồn nước thải từ Công ty TNHH dệt may Vinatex Quốc tế Toms (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đều bày tỏ ý kiến yêu cầu phía Công ty không được xả thải ra môi trường do lo ngại về nguy cơ xảy ra ô nhiễm sẽ tiếp diễn trong tương lai.
Việc nhiều người dân lên tiếng phản đối việc xả thải xuất phát từ thực tế Công ty TNHH dệt may Vinatex Quốc tế Toms là đơn vị từng bị cơ quan chức năng phát hiện và lập biên bản về hành vi xả nước thải ra môi trường, dù chưa được cấp phép xả thải.
Lo ngại nước thải sẽ “hủy diệt” môi trường, ảnh hưởng cuộc sống
Ngày 25/9, tại cuộc đối thoại giữa người dân các xã Hải Thọ, Hải Hòa, thị trấn Hải Lăng (huyện Hải Lăng) với cơ quan chức năng liên quan đến việc xả thải của Công ty TNHH dệt may Vinatex Quốc tế Toms, lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) nói rằng, Công ty này đã được UBND tỉnh Quảng Trị cấp giấy xác nhận đã hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án Cụm liên hợp Dệt – Nhuộm – May Hải Lăng, từ ngày 28/8.
Vụ Công ty dệt nhuộm gây “bê bối” ô nhiễm tại Quảng Trị
Buổi đối thoại do Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị phối hợp với UBND huyện Hải Lăng tổ chức để thông tin về việc xử lý và xả thải dự án Cụm liên hợp dệt - nhuộm - may Hải Lăng – Công ty TNHH dệt may Vinatex Quốc tế Toms. Buổi đối thoại được tổ chức tại Hợp tác xã Thọ Nam (xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng).
Ông Nguyễn Trường Khoa - Giám đốc Sở TN-MT tỉnh cho biết, kết quả quan trắc và lấy các mẫu phân tích về nước thải sau xử lý của Công ty Vinatex Quốc tế Toms đạt quy chuẩn cột A theo QCVN 13-MT:2015/BTNMT do Bộ TN-MT ban hành, đã hoàn thành việc kết nối hệ thống quan trắc tự động.
Ông Khoa còn cung cấp một số hình ảnh camera ghi nhận lại quá trình xử lý nước thải tại Công ty dệt nhuộm và nói rằng toàn bộ các số liệu về xử lý nước thải được báo từng phút, từng giờ nhờ hệ thống quan trắc tự động.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến của người dân tại buổi đối thoại đều lo ngại về nguy cơ xảy ra ô nhiễm từ việc xả thải của Công ty này sẽ tiếp diễn trong tương lai.
Ông Nguyễn Sắc (thôn 4, xã Hải Thọ) đề xuất rằng, nếu nước đã đảm bảo thì dùng nước đó tưới ở cánh đồng Hải Thọ để thí nghiệm. Nhưng nếu lúa chết, giảm năng suất, thất thu thì ai chịu trách nhiệm?
Còn anh Hồ Ngọc Khai (khóm 1, thị trấn Hải Lăng) nói rằng, hiện cá ở tầng đáy của hồ Khe Chè bị ghẻ, tróc vảy, vì vậy yêu cầu không xả thải về hồ Khe Chè.
Nhiều ý kiến người dân đề xuất tại buổi đối thoại đều phản đối việc công ty xả thải ra môi trường.
Lãnh đạo Sở TN-MT cam kết trước người dân về việc xả thải
Tại buổi đối thoại, ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho rằng, những ý kiến đề xuất của người dân đều rất thẳng thắn. Các ngành chức năng sẽ tổng hợp lại và trình lên UBND tỉnh xem xét, sau đó trả lời bằng văn bản cho người dân.
Ông Vinh đánh giá ý kiến đề xuất nhà máy tái tạo lại nguồn nước thải để phục vụ sản xuất là hợp lý. “Huyện sẽ cùng đồng hành với người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường”, ông Vinh khẳng định.
Ông Hoàng Đức Thắng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị tiếp thu ý kiến của người dân và nhấn mạnh: “Việc đầu tư phát triển công nghiệp có mâu thuẫn với vấn đề môi trường nên phải đảm bảo môi trường, nếu không thì việc đầu tư trở thành vô nghĩa”.
Ông Hoàng Đức Thắng thẳng thắn, về Công ty TNHH dệt may Vinatex Quốc tế Toms xả thải, Sở TN-MT phải có trách nhiệm trả lời trước dân về công nghệ xử lý nước thải của Công ty này đi vào vận hành đã sạch chưa, có dám chắc chắn quản lý, kiểm soát được không? Trách nhiệm của địa phương, ngành chức năng mà trước hết là Sở TN-MT phải phối hợp chặt chẽ với địa phương và các ngành liên quan.
Từ đó, ông Thắng yêu cầu phía Công ty TNHH dệt may Vinatex Quốc tế Toms trong quá trình phát triển phải đảm bảo hài hòa lợi ích, đảm bảo môi trường bền vững. Những gì phía Công ty đã cam kết phải có trách nhiệm thực hiện vì cuộc sống của nhân dân, cũng vì sự phát triển của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Trường Khoa, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Quảng Trị khẳng định: Trong quá trình làm việc chúng tôi đã nghiên cứu và nghe ý kiến của dân rồi, chúng tôi hiểu tâm tư nguyện vọng của bà con rằng làm hôm nay nhưng đừng ảnh hưởng đến tương lai. Chúng tôi làm việc này là vì dân.
“Tôi cam đoan nhà máy này không gây ô nhiễm cho bà con. Chúng tôi đang kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước thải từ nhà máy. Lượng nước thải ra bao nhiêu, chất lượng nước thế nào, chúng tôi kiểm soát hàng giờ, hàng phút. Tôi cam kết rằng, đã giám sát chất lượng nước thải từ nhà máy thuộc loại A thì có thể đổ vào bất cứ nguồn tiếp nhận nào”, ông Khoa nói.
Đăng Đức