Sóc Trăng:

Lò đốt rác tiền tỉ đang từng ngày phun… chất độc ra ngoài môi trường!

(Dân trí) - Thời gian qua, nhiều người dân sống cạnh các lò đốt rác ở huyện Châu Thành, huyện Long Phú và thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) hết sức lo ngại khi lò đốt rác chưa thật sự đảm bảo yêu cầu xử lý rác, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho người dân.

Theo số liệu từ cơ quan chức năng, hiện nay, mỗi ngày lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trên 100 tấn, trong đó tỉ lệ thu gom ở khu vực nông thôn mới đạt hơn 60%, từ đó dẫn đến tình trạng tồn đọng một khối lượng lớn rác thải sinh hoạt trong các cụm, tuyến dân cư,...

Để giải quyết tình trạng này, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư trên 7,5 tỉ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường để lắp đặt và đưa vào vận hành 3 thiết bị đốt rác thải rắn sinh hoạt tại xã Thuận Hòa (huyện Châu Thành), xã Tân Thạnh (huyện Long Phú) và thị xã Ngã Năm, với tổng công xuất xử lý gần 30 tấn/ngày.

Theo đánh giá của ngành Tài nguyên - Môi trường địa phương, việc đầu tư xây dựng các lò đốt rác này đã giúp cho các địa phương xử lý được lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày và giải quyết tình trạng ùn ứ rác ở bãi rác tạm, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, không khí, nâng tỉ lệ thu gom rác thải ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Cụ thể, tháng 10/2014, lò đốt rác ở xã Thuận Hòa (huyện Châu Thành) được xây dựng xong, đưa vào hoạt động với công suất thiết kế đốt 500 kg rác/giờ (tương đương 10 tấn/ngày). Tổng kinh phí đầu tư trên 3,3 tỉ đồng. Cũng trong thời gian này, lò đốt rác huyện Long Phú cũng được xây dựng và đưa vào hoạt động có công suất 300-400 kg/giờ (tương đương khoảng 6-8 tấn/ngày), với vốn đầu tư gần 1 tỉ đồng. Đến tháng 8/2015, lò đốt rác thị xã Ngã Năm được xây dựng tương đương lò đốt rác huyện Châu Thành.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian đưa vào sử dụng, các lò đốt rác này đang hằng ngày phun ra môi trường bên ngoài… chất độc gây ung thư rất nguy hiểm là Dioxin/furan với mức cao hơn hàng chục lần quy chuẩn cho phép.

Lò đốt rác gây ô nhiễm tại huyện Châu Thành.
Lò đốt rác gây ô nhiễm tại huyện Châu Thành.

Theo Báo cáo số 1471 ngày 25/10/2016 của Sở TN-MT tỉnh Sóc Trăng do Phó Giám đốc Trần Văn Thanh ký gửi UBND tỉnh Sóc Trăng, thể hiện: Lò đốt rác huyện Châu Thành có ống khói cao 15m là thấp hơn so với QCVN 61-MT:2016/BTNMT quy định là 20m tính từ mặt đất; nhiệt độ buồng đốt thứ cấp chế độ định mức là >850°C, thấp hơn so với QCVN 61-MT:2016/BTNMT là ≥ 950°C. Khi đốt, lò này có 2 thông số vượt quy chuẩn cho phép là thông số bụi vượt 2,49 lần và tổng số Dioxin/furan vượt 16,41 lần so với quy chuẩn cho phép.

Còn lò đốt rác huyện Long Phú có ống khói cao 8 m là thấp hơn so với QCVN 61-MT:2016/BTNMT quy định là 20 m tính từ mặt đất; nhiệt độ buồng đốt thứ cấp chế độ định mức là >850°C, thấp hơn so với QCVN 61-MT:2016/BTNMT là ≥ 950°C. Khi đốt, lò này có 2 thông số vượt quy chuẩn cho phép là thông số CO vượt 6,2 lần và tổng số Dioxin/furan vượt 10,57 lần so với quy chuẩn cho phép.

Riêng lò ở thị xã Ngã Năm, khi Sở TN-MT tỉnh Sóc Trăng mời cơ quan khoa học đánh giá các thông số ô nhiễm trong khí thải của 2 lò đốt rác ở huyện Châu Thành và Long Phú đã được xây dựng và đưa vào hoạt động trước, thấy có nhiều chất độc nguy hiểm được phun ra nên… không mời đánh giá tiếp các thông số của lò đốt rác thị xã Ngã Năm.

Tuy nhiên, theo Sở TN-MT tỉnh Sóc Trăng, lò đốt rác thị xã Ngã Năm được xây dựng “theo mô hình của lò đốt rác sinh hoạt tại Châu Thành có cùng quy mô công suất”, nên suy diễn thì có thể dự đoán mức độ gây hại cho môi trường cũng tương đương như lò đốt rác huyện Châu Thành, tức là thông số bụi cũng sẽ ở mức vượt 2,49 lần và phun ra chất độc Dioxin/furan vượt 16,41 lần quy chuẩn cho phép.

Đúng quy định thì ống khói lò đốt rác phải cao 20 m tính từ mặt đất, nhưng ống khói lò đốt rác ở huyện Long Phú chỉ cao 8 m.
Đúng quy định thì ống khói lò đốt rác phải cao 20 m tính từ mặt đất, nhưng ống khói lò đốt rác ở huyện Long Phú chỉ cao 8 m.

Đáng nói hơn, 3 lò đốt rác này đều ở gần khu dân cư, gần chợ nên mức độ gây ảnh hưởng rất lớn. Ống khói của các lò đốt rác nêu trên chỉ cao từ 8-15 m, theo các chuyên gia là có thể xả khói bụi rộng ra bán kính 1.000 m, nếu gặp gió lớn còn rộng hơn.

Mặt khác, hiệu quả vận hành của 3 lò lại khá thấp. Cụ thể, lò đốt rác ở huyện Long Phú chỉ đốt khoảng 500 kg/ngày so với thiết kế 6-8 tấn/ngày. Lò đốt rác ở huyện Châu Thành đạt công suất thiết kế nhưng ngoài gây thêm ô nhiễm chất Dioxin/furan cực kỳ nghiêm trọng, lò đốt rác này còn gây ô nhiễm rác thải rất nặng nề.

Trong Báo cáo số 1471, Sở TN-MT tỉnh Sóc Trăng cho rằng, vài thông số về môi trường chưa đạt là do sự thay đổi quy chuẩn của Bộ TN-MT: “Do khi triển khai đầu tư mô hình thì Bộ TN-MT chưa ban hành QCVN 61-MT:2016/BTNMT-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt- nên có một số thông số chưa đạt”.

Tuy nhiên, lời giải thích trên chưa thể hiện đúng bản chất vấn đề, bởi so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước đó, QCVN 30:2012/BTNMT, thì các lò đốt rác nói trên cũng không đạt yêu cầu. Cụ thể, phun ra chất độc Dioxin/furan, lò đốt rác ở huyện Châu Thành vượt 8,2 lần; lò đốt rác ở huyện Long Phú vượt 3,3 lần quy chuẩn cho phép.

Toàn cảnh lò đốt rác huyện Long Phú.
Toàn cảnh lò đốt rác huyện Long Phú.

Các chuyên gia về môi trường phân tích, lò đốt rác thải sinh hoạt phun ra chất độc Dioxin/furan thường có nguyên nhân chính là nhiệt độ đốt thấp, không đạt yêu cầu. Điều này được Sở TN-MT tỉnh Sóc Trăng xác nhận nhiệt độ buồng đốt của các lò chỉ đạt chừng 8500C, trong khi yêu cầu phải lớn hơn 9500C. Ống khói của các lò cũng rất thấp, chỉ cao 8-15 m, trong khi yêu cầu phải cao 20 m. Rõ ràng, những tiêu chuẩn kỹ thuật căn bản không đạt, nên các lò đốt rác hoạt động không hiệu quả. Trong khi số tiền đầu tư có thừa để đạt được những tiêu chuẩn kỹ thuật cơ bản. Ngoài đầu tư đắt đỏ, mỗi tháng, một lò đốt rác nói trên cũng “đốt” chi phí vận hành từ 20-30 triệu đồng.

Trước những hạn chế của các lò đốt rác, trong Báo cáo số 1471, Sở TN-MT tỉnh Sóc Trăng kiến nghị UBND tỉnh Sóc Trăng xem xét, chấp thuận giao cho Sở này liên hệ, phối hợp đơn vị cung cấp lò đốt rác để cải tạo, khắc phục hạn chế của 3 lò đốt rác trên với tổng kinh phí 1 tỉ đồng và đề nghị này được UBND tỉnh Sóc Trăng chấp thuận.

Cho đến nay, chưa có đánh giá khoa học để khẳng định việc cải tạo, khắc phục 3 lò đốt rác đạt yêu cầu hay không, nên nhiều người cho rằng lò đốt rác đang… đốt tiền từ ngân sách.

Đáng nói hơn, ngày 28/6 vừa qua, trong chuyến làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng về tình hình kinh tế - xã hội; tập trung vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản và bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông nhận xét: Mấy lò đốt rác của Sóc Trăng mua là hàng không đạt yêu cầu kỹ thuật và giá đắt.

Bụi bay mù mịt tại lò đốt rác huyện Long Phú.
Bụi bay mù mịt tại lò đốt rác huyện Long Phú.

Đến lò đốt rác ở xã Tân Thạnh (huyện Long Phú), chúng tôi được ông Lê Ngọc Vạn (người đang vận hành lò) cho biết: “Ở đây cha con tôi đốt rác chủ yếu bằng lá dừa. Cái nào cháy thành tro thì để ra một bên, cái nào không cháy được thì chôn xuống dưới đất ở phía sau lò rồi đổ tro của những thứ đã cháy phủ lên trên”.

Quan sát khi lò vận hành, chúng tôi thấy ống khói của lò quá thấp nên khói bay là là mặt đất chứ không bay lên trên cao. Hơn nữa, hiện nay ống khói đã bị hư mục nên khói không bay lên cao mà càng tỏa ra ở tầm thấp, gây ô nhiễm nghiêm trọng hơn. Nhà chứa rác cũng trong tình trạng bị ô nhiễm bởi rác xử lý theo kiểu đốt bằng lá dừa như vậy thì không thể nào nhanh được. Một số hạng mục của khu lò đốt rác này như nhà ở, nhà vệ sinh, giếng khoan cho công nhân vận hành cũng bị bỏ hoang, dẫn tới hư hỏng nghiêm trọng, gần như không sử dụng được.

Dư luận người dân đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng và các cơ quan chức năng sớm có giải pháp xử lý tình trạng lò đốt rác không đảm bảo kỹ thuật, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe của nhân dân ở địa phương. Đặc biệt, cần làm rõ có hay không việc đầu tư tiền tỉ nhưng cơ quan có thẩm quyền lại mua hàng không đạt yêu cầu kỹ thuật với giá cao.

Bạch Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm