3 phút luật sư:

Lễ Tết thuê người yêu đi chơi coi chừng vi phạm pháp luật!

Nguyễn Quang Thư Quỳnh

(Dân trí) - Thuê người yêu có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự nếu phát sinh các vấn đề biến tướng.

Việc thuê người yêu đi chơi vào những dịp lễ Tết có vi phạm pháp luật không thưa luật sư?

L.s Nguyễn Đức Hoàng: Về góc độ pháp lý, dịch vụ cho thuê người yêu là giao dịch dân sự, là một hình thức hợp đồng dịch vụ. Cụ thể, theo điều 513 của Bộ luật dân sự thì đây là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ. 

Cũng theo quy định tại điều 514 Bộ luật dân sự, thì đối tượng của loại Hợp đồng dịch vụ này là toàn bộ các công việc có thể thực hiện được mà không vi phạm điều cấm của luật hoặc trái với đạo đức xã hội.

Đến thời điểm hiện tại, pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định dịch vụ "cho thuê người yêu" thuộc trong các ngành nghề cấm kinh doanh hoặc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đồng thời cũng chưa có bất cứ một quy tắc cụ thể nà xác định thế nào là trái với đạo đức xã hội.

Dịch vụ cho thuê người yêu liệu có vi phạm pháp luật

Sẽ thế nào nếu việc thuê người yêu không đơn thuần chỉ đi chơi mà còn phát sinh nhiều vấn đề và biến tướng sang mối quan hệ khác thưa luật sư?

L.s Nguyễn Đức Hoàng: Bản chất của dịch vụ "cho thuê người yêu đi chơi", xét về mặt tích cực, là một loại quan hệ pháp luật dân sự, một bên nhằm đáp ứng nhu cầu về tinh thần, một bên nhằm mục đích tài sản. Chính vì vậy, quan hệ này phát sinh theo nhu cầu của một bộ phận cá nhân trong cộng đồng, xét về bản chất là không trái quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, khi xem xét về mặt tiêu cực, dịch vụ này dó chưa được pháp luật điều chỉnh cụ thể, do đó sẽ có nhiều yếu tố làm thay đổi bản chất dịch vụ và gây ảnh hưởng xấu đến người cung cấp dịch vụ hoặc người lao động của các dịch vụ này.

Lễ Tết thuê người yêu đi chơi coi chừng vi phạm pháp luật! - 1

Luật sư Nguyễn Đức Hoàng trao đổi cùng PV Dân Trí.

Đơn cử, các dịch vụ này hoàn toàn có thể bị biến tướng hoặc bị kẻ xấu lợi dụng để cung cấp các dịch vụ vi phạm pháp luật như mua bán dâm, các dịch vụ có liên quan đến mua bán dâm hoặc hành vi lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mua bán dâm.

Đây là các hoạt động vi phạm điều cấm của pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính từ mức tối thiểu là 500.000đ đến mức phạt tối đa là 30.000.000đ (theo nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình).

Trường hợp nghiêm trọng hơn thì các dịch vụ biến tướng này có thể bị xử lý hình sự vì tội môi giới mại dâm theo điều 328 Bộ luật hình sự 2015 với mức phạt tù từ 06 tháng đến 15 năm tù tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi, đồng thời bị phạt tiền tối đa lên đến 50.000.000đ.

Những biến tướng từ dịch vụ cho thuê người yêu

Thưa luật sư, nếu xảy ra tranh chấp, đương sự trong giao dịch thuê người yêu có quyền yêu cầu bồi thường và giải quyết trước pháp luật không?

L.s Nguyễn Đức Hoàng: Trong trường hợp giữ bên thuê dịch vụ và bên cung ứng dịch vụ có xảy ra tranh chấp pháp luật đã có điều chỉnh về tranh chấp hợp đồng dân sựu, khi đó một trong các bên nếu cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm sẽ có quyền khởi kiện ra cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết tranh chấp đó.

Với góc độ cá nhân, luật sư nhận xét gì về dịch vụ thuê người yêu?

L.s Nguyễn Đức Hoàng: Tôi cho rằng dịch vụ này cũng hay, vì đáp ứng được nhu cầu tinh thần. Khi xã hội phát triển, đôi khi chúng ta quá bận rộn để tìm hiểu một mối quan hệ nào đấy. Dịch vụ này có thể giải quyết lập tức được nhu cầu tinh thần trong một khoảng thời gian nhất định, như dịp lễ Tết.

Tuy nhiên, vẫn nên lưu ý vì có khả năng dịch vụ này bị biến tướng hoặc che giấu cho một hoạt động trá hình, trái pháp luật.