Bạn đọc viết:

Lấy ý kiến người dân qua mạng xã hội là cách làm hay, hiệu quả

PV

(Dân trí) - Có thể nói đây là lần đầu tiên một tổ chức chính trị - xã hội chính thức công khai lấy ý kiến của đối tượng điều chỉnh để sử dụng làm căn cứ, phục vụ cho việc công việc chuyên môn, nhiệm vụ của mình.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa lấy ý kiến các Bộ, ngành về việc cho phép người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhất trí với đề xuất này, sau khi lấy ý kiến qua mạng xã hội đối với 3.590 cán bộ công đoàn và người lao động.

Theo đó, có 3.129 lượt bình chọn hoán đổi (87%), tức thống nhất với ý kiến đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 302 lượt bình chọn phương án không hoán đổi (8%), còn lại là các đề xuất khác.

Mặc dù, các cơ quan chức năng từng sử dụng mạng xã hội để thăm dò, lấy ý kiến người dân trong một số vấn đề, tuy nhiên có thể nói đây là lần đầu tiên một tổ chức chính trị - xã hội chính thức công khai lấy ý kiến của đối tượng điều chỉnh để sử dụng làm căn cứ, phục vụ cho việc công việc chuyên môn, nhiệm vụ của mình.

Lấy ý kiến người dân qua mạng xã hội là cách làm hay, hiệu quả - 1

Nhiều người lao động mong ngóng có thông báo chính thức dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 (Ảnh minh họa: HQ).

Cách làm này của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam được dư luận rất đồng tình, ủng hộ cao - đây có thể tạo ra tiền đề, cơ sở để các cơ quan hành chính nhà nước khác học hỏi, áp dụng và nhân rộng cách làm này về sau. Bởi các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đông đảo người dân nên hỏi người dân, để người dân có ý kiến, lựa chọn, ít ra thì ý kiến của họ để tham khảo, xem xét làm cơ sở trước khi quyết định.

Với ưu thế vượt trội của mạng xã hội là rất nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện với độ tin cậy, chính xác cao thì lấy ý kiến người dân, tổng hợp xử lý ý kiến của người dân cũng rất dễ dàng, thuận lợi. Điều quan trọng là gần như không tốn kém thời gian, công sức vì kết quả thống kê trực tiếp hiển thị ngay lập tức sau khi người dân nhấn nút bình chọn.

Hiệu ứng phản ánh chính sách, thể hiện quan điểm của dư luận cũng rất nhanh chóng, kịp thời.

Do đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhất là các cơ quan xây dựng và quyết định chính sách liên quan trực tiếp đến đại bộ phận quần chúng nhân dân cần quan tâm việc lấy ý kiến người dân thông qua mạng xã hội. Trước mắt, có thể tổ chức lấy ý kiến công dân, tổ chức thông qua các diễn đàn chính thức như cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, cơ quan báo chí, truyền thông chính thống được nhà nước cấp phép hoạt động.

Đồng thời, các đối tượng lấy ý kiến phải xác định được tính chính danh nhằm đúng đối tượng, hạn chế tình trạng lợi dụng mạng xã hội để đưa ra ý kiến, thông tin không mang tính xây dựng, tiêu cực làm sai lệch dư luận chung.

Việc lấy ý kiến, tham khảo quan điểm của người dân qua mạng xã hội là rất cần thiết, quan trọng. Điều này không chỉ đáp ứng được tâm tư nguyện vọng người dân trong việc ban hành, thực thi các chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến họ mà còn giúp các chính sách được khả thi, sát đúng với thực tiễn, yêu cầu cuộc sống một cách nhanh chóng, chính xác. Đặc biệt là rất hiệu quả, chính xác nhưng ít tốn kém thời gian, công sức.

                                                            Luật gia Phạm Văn Chung