Lập rào chắn cấm người dân tắm ở Hồ Tây: Sao phải cấm?
(Dân trí) - Độc giả thắc mắc, sao phải cấm tắm ở Hồ Tây? Tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm với mạng sống của mình cơ mà. Cơ quan chức năng chỉ nên đặt biển cảnh báo nguy hiểm...
Từ rất nhiều năm, như một thông lệ cứ mỗi đợt nắng nóng tại Hà Nội diễn ra, rất nhiều người dân lại tìm tới các bãi tắm tự phát khu vực ven Hồ Tây (thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ) để tắm hạ nhiệt. Trước mối lo ngại về nguy hiểm khi bãi tắm tự phát, lực lượng chức năng phường Quảng An đã có những biện pháp quyết liệt, không để người dân tiếp tục tụ tập tắm tại khu vực này.
Cụ thể như cắm biển cấm tắm, bơi lội, dựng barie cứng để ngăn người dân xuống tắm. Quyết liệt và triệt để hơn, chiều 27/6/2022, lực lượng chức năng đã phát loa, yêu cầu người dân dừng mọi hoạt động dưới nước và di chuyển lên bờ, rời khỏi bãi tắm. Rất nhiều người dân dù chấp hành nhưng trong suy nghĩ cả lý và tình vẫn còn hoài nghi, không phục các hành động này từ phía cơ quan chức năng.
"Sao phải cấm cơ chứ? Tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm với mạng sống của mình cơ mà. Theo ý kiến của tôi, chỉ nên đặt biển cảnh báo nguy hiểm, còn dám làm dám chịu!", bạn đọc Minh Hải
"Như vậy thì các làng quê có ao làng, chính quyền thôn/xã cũng ra thông báo cấm thì trẻ tập bơi ở đâu? Không cho trẻ tập bơi sao chúng biết bơi được? Có phải ai cũng có nhiều tiền để vào bể bơi hàng ngày đâu, mà đâu phải nơi nào cũng có bể bơi để người dân đến tắm?", bạn đọc Lý Biện.
Nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn được duy trì hoạt động tắm, sinh hoạt vui chơi cộng đồng tại Hồ Tây và mong muốn UBND phường Quảng An có giải pháp đáp ứng chứ không ngăn cấm người dân. Bạn đọc Kế Thiện thắc mắc: "Căn cứ vào điều luật nào mà UBND phường Quảng An cấm người dân bơi tại đây? Nếu cấm thì khi người dân vi phạm sẽ căn cứ vào điều khoản nào để phạt? Mức phạt ra sao?".
Trước tâm tư này của độc giả, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị cho rằng, việc UBND phường Quảng An lấy lý do là lo ngại về nguy hiểm khi bãi tắm tự phát mà cơ quan chức năng cấm người dân tắm là việc làm chưa thấu đáo, chưa triệt để.
Hiến pháp năm 2013 quy định rằng: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên thiên nhiên khác … là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý (điều 53). Nhà nước quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật như ghi nhận tại điều 8 Hiến pháp năm 2013: Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.
Theo Luật sư, đúng là trên thực tế việc tắm Hồ Tây của người dân là có nguy hiểm nhưng nguy hiểm ở góc độ người dân tắm không sử dụng thiết bị bảo hộ chứ không phải đơn thuần là việc tắm ở Hồ Tây gây nguy hiểm.
"Trong trường hợp này, UBND phường Quảng An cần vận động tuyên truyền ý thức an toàn, thay biển báo cấm tắm bằng biển cấm tắm khi không mang theo thiết bị bảo hộ thì sẽ hợp lý và mang tính vì người dân hơn. Hiện nay không gian công cộng, phúc lợi công tại Hà Nội chưa tương xứng với kỳ vọng của nhân dân, trong khi đó Hồ Tây là một không gian công cộng, mang lại phúc lợi công một cách tự nhiên cho người dân" luật sư Lực chia sẻ.
Quyền được hưởng thụ, sử dụng khai thác tài nguyên thiên nhiên là quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Cơ quan chức năng cần có định hướng, đảm bảo quyền này của người dân phù hợp với quy định pháp luật chứ không nên đơn thuần ngăn cấm.
Ý kiến của bạn về vấn đề này thế nào? Hãy gửi vào khung bình luận bên dưới nhé!