Lão nông 30 năm lên núi tìm nước sạch cho Hòn Sơn

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Đường tìm hang nước trên núi chẳng dễ dàng nên khó có người kiên trì. Thời trẻ ông Năm Luân "săn" được 2 hang nước, đấu nối dây truyền nước xuống chân núi.

Năm này qua năm khác, nước trong hang không ngừng chảy, giúp người dân có nước sạch dùng mà không còn phải gánh nước giếng.

Một sáng đầu năm 2024, tôi ngồi chuyến tàu Superdong xuất phát từ TP Rạch Giá (Kiên Giang) đến Hòn Sơn (xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải). Quãng đường gần 55km, mất khoảng 1,5 giờ đồng hồ, đoàn khách hơn 50 người mới đặt chân lên đất hòn.

9h sáng, nắng sớm kèm gió Xuân se lạnh pha chút mùi mặn mòi của biển cả làm dịu đi cơn say sóng lúc ban nãy.

Vừa đặt hành lý xuống đất chưa lâu, một cuộc điện thoại gọi đến. Trên màn hình điện thoại của tôi hiển thị "Chú Năm Luân", sau đó là một giọng nói trầm ấm cất lên: "Con tới bến tàu chưa, xe chú đầu ở trước, con lội bộ khoảng 100m là thấy…"

Vác balo lên vai, tôi bước thật nhanh đến chỗ người đàn ông đang chờ.

Lão nông 30 năm lên núi tìm nước sạch cho Hòn Sơn - 1

Ông Năm Luân leo lên hang nước quen thuộc được ông tìm thấy hơn chục năm trước (Ảnh: Bảo Kỳ).

Lạc lối trong rừng sâu tìm hang nước ngầm

Ông Năm Luân tên đầy đủ là Huỳnh Văn Luân (66 tuổi, ngụ ấp Bãi Bấc, xã Lại Sơn), một lão nông đặc biệt vì có 30 năm tìm nước sạch trong hang núi dẫn về cho người dân sử dụng. Và bây giờ, ở tuổi lục tuần, ông vẫn miệt mài theo công việc ấy.

Ngồi trên con xe wave, ông Năm Luân bắt đầu kể, trước đây người dân phải sử dụng nước giếng. Mỗi ấp trên hòn có vài giếng nước nhưng do chưa có đường sá và phương tiện giao thông như bây giờ, người dân phải xách thùng đến giếng gánh nước về.

Thấy bất tiện quá nên ông Hai Ngôn (ở cùng ấp) mới quyết định lên núi tìm nước suối cho bà con sử dụng.

Lão nông 30 năm lên núi tìm nước sạch cho Hòn Sơn - 2

Ông Năm Luân leo xuống hang nước sâu khoảng 15m (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Cũng mất mấy tháng, ông Hai Ngôn mới truyền nước được xuống chân núi. Lúc đó tui và có thêm vài người nữa mới đi theo ông ấy, học cách tìm hang nước", ông Năm Luân tâm sự.

Dường như nghề chọn người, không lâu sau ông Năm Luân cũng lĩnh hội được cách tìm hang nước, bắt đầu lấy công việc này làm kế sinh nhai. Sau này, ông Hai Ngôn mất, ông Năm Luân trở thành lớp kế nhiệm truyền nghề cho người sau.

Cất số hành lý ở chỗ nghỉ chân, ông Năm Luân đưa tôi đến một hang nước ngọt ở gần núi Ma Thiên Lãnh (núi có độ cao hơn 400m so với mặt nước biển), ông cho biết, hành nghề hàng chục năm ròng, ông tìm được 2 hang nước, từ 2 hang này ông nối ống dẫn nước về cho bà con trong ấp sử dụng suốt nhiều năm qua.

Đặt xe máy ở chân núi, ông lão mon men theo con đường mòn, trên vách đá vẫn còn ẩm ướt sương mù và nhiều loài thực vật lạ mà trên đất liền ít gặp. Đoạn nào khó đi, ông Năm Luân dùng dao chặt bớt nhánh cây, dây leo quấn chằng chịt. Càng đi sâu vào rừng, tôi nghe càng rõ tiếng kêu của thú rừng.

Leo dốc chừng hơn nửa tiếng, ông Năm Luân dừng lại ở một hốc đá, miệng hang có gần chục hòn đá xếp chồng lên nhau nhưng vẫn tạo được khoảng trống đủ cho một người chui lọt.

Lúc này ông Năm Luân cởi bớt chiếc quần dài, cầm chiếc đèn pin bắt đầu chui xuống hang nước. Hang này không quá sâu, chỉ khoảng 15m nhưng rất ẩm ướt và trơn trượt.

Lão nông 30 năm lên núi tìm nước sạch cho Hòn Sơn - 3

Trong hang nước tối om, ánh sáng duy nhất để lão nông nhìn thấy mọi vật là chiếc đèn pin nhỏ (Ảnh: Bảo Kỳ).

Trong hang tối om, người leo xuống phải bấu chắc vào vách đá, chân lần mò đi về trước, thứ ánh sáng duy nhất chính là chiếc đèn pin nhỏ cầm tay. Khoảng 10 phút sau, tôi và ông Năm Luân mới đặt chân tới mạch nước ngầm dưới hang. Xộc lên người là luồn không khí mát lạnh kèm tiếng nước chảy róc rách cảm giác cực kỳ thư thái.

Lúc này ông Năm Luân tiến lại cầm ống cái (ống nước lớn dẫn trực tiếp mạch nước ngầm) lên kiểm tra. Xung quanh ống này đấu nối khoảng 10 ống nước nhỏ để ông dẫn nước về nhà. Nước không cao quá mắt cá chân, dòng nước trong suốt có thể nhìn thấy lớp cát sỏi bên dưới và ít rêu xanh bám trên các hòn đá.

Theo quan sát, để nước sạch, không lẫn tạp chất, ở mạch nước của hang ông Năm Luân sử dụng thùng phuy che chắn để cát đá, một đầu ống cắm vào mạch nước được ông cẩn thận dùng nhiều lớp vải bọc lại ngăn cát hoặc côn trùng chui vào.

Ông Năm Luân nói: "Chọn mạch nước ngầm phải lựa chỗ có dòng chảy mạnh để dẫn nước lên miệng hang vào kéo về chân núi sử dụng. Dù không có máy bơm nhưng áp suất của nước vẫn đủ khả năng truyền về.

Lão nông 30 năm lên núi tìm nước sạch cho Hòn Sơn - 4

Ống nước cái được đấu nối với ống nhỏ rồi truyền xuống chân núi cho người dân sử dụng (Ảnh: Bảo Kỳ).

Lần lượt kiểm tra hết số ống nước, khi thấy không chỗ nào bị tắt nghẽn hoặc đứt gãy, lão nông rọi đèn đi đến lối ra. Tương tự như lúc chui xuống, quá trình leo lên cũng lắm gian nan. Nhưng đối với một tay nghề "cừ khôi" như ông Năm Luân đây, chuyện một ngày leo xuống hang nước mấy bận là điều không quá khó.

Ông Năm Luân kể, lúc mới bắt đầu tìm hang nước, ông trầy trật rất nhiều lần. Có lần tìm được cửa hàng nhỏ, ông liền ghé tai thật sát để lắng nghe tiếng nước chảy dưới đáy hang. Quá vui mừng, ông lão cố lách mình qua cửa hang để đi xuống.

Địa hình trong hang rất phức tạp với nhiều ngõ ngách, có những đoạn dễ đi, có những đoạn hẹp phải chui hoặc trườn qua khiến ông vô cùng lúng túng.

Vào trong hang, ông vừa phải tập trung lắng nghe tiếng dòng chảy, vừa xác định lối đi. Thế nên, không ít lần ông vấp chân, trượt ngã khiến toàn thân ướt sủng, chiếc đèn pin cũng văng khỏi tay rồi tắt ngóm, bóng đêm bao phủ hang nước, ông Năm Luân cố lần mò tìm lại ánh sáng.

Khó khăn ấy chỉ là một phần vì chốn rừng thiêng nước độc, hàng chục năm theo nghề ông Năm Luân từng đối mặt với côn trùng, vật độc như rắn, rết,… nhưng may mắn ông không gặp nguy hiểm.

Những hang nước mới ông sẽ tự mình tìm lối đi, sau khi xác định nơi đó có mạch nước ngầm ông mới về mua ống nước rồi thuê thêm 2-3 người phụ giúp nối ống.

"Để tạo áp suất dẫn nước ra thì người bên dưới hang sẽ bịt kín một đầu ống, người phía trên sẽ lấy nước mồi vào ống đến đầy. Lúc đó, người giữ đầu ống bên trên sẽ ra hiệu bằng cách giật dây để hai bên cùng lúc thả ống, khi đó dòng nước sẽ được rút từ trong hang dẫn xuống núi", ông Năm Luân tiết lộ cách truyền nước từ hang.

Lão nông 30 năm lên núi tìm nước sạch cho Hòn Sơn - 5

Nước sạch truyền về cho người dân sinh hoạt (Ảnh: Bảo Kỳ).

Tiền lời chẳng bao nhiêu, đêm hôm cũng phải làm nhưng chưa muốn bỏ nghề

Lão nông cho biết, đường dây truyền nước của ông dài tới gần 2.000m kéo từ mạch nước ngầm trên núi. Sau đó ông dẫn về đấu nối vào ống nước nhỏ tải nước cho người dân sử dụng.

"Tui lấy tiền công theo giờ, bà con cần nước thì gọi điện để tôi mang ống nước qua nối vào. Mỗi nhà thường bơm khoảng 3-4 giờ là xong, tiền công tính từ 5.000 đến 8.000 đồng/giờ", ông Năm Luân nói.

Tìm được nguồn nước đã khó khăn, việc dẫn nước về cũng khá vất vả, tốn kém do đường dẫn nước xa hàng cây số. Hơn nữa do các ống nước nằm lộ thiên trên mặt đất nên dễ bị hư hỏng do thời tiết, cây cối đổ ngã làm bể ống hoặc bị các con vật trong rừng gặm nhấm làm hư ống. Thế nên, mỗi khi khách báo nghẹt nước, dù ban ngày hay đêm hôm, ông Năm Luân phải lặn lội lên các hang nước, dò dẫm chỗ nghẹt để khơi thông dòng chảy. Hoặc sau những trận mưa to, đất, cát trên núi thường tràn vào ống gây tắc nghẽn, buộc phải gỡ ra từng đoạn để súc rửa.

"Nghề cực, con cái kêu tui nghỉ hoài nhưng bỏ nghề thì mình buồn lắm. Dẫn nước bao nhiêu năm, mỗi tháng cũng có đồng ra đồng vào, tính luôn tiền lương phó ấp của tui cũng được hai triệu, đủ xoay sở trên đất hòn", ông Năm Luân kể.

Lão nông 30 năm lên núi tìm nước sạch cho Hòn Sơn - 6

Khoảng một năm nay, Hòn Sơn có hồ chứa cho người dân sử dụng, tuy nhiên chưa có công nghệ xử lý lọc nước nên nguồn nước trong hồ chủ yếu để tắm, giặt giũ… (Ảnh: Bảo Kỳ).

Được biết, ông Năm Luân có 6 người con, đều đã lập gia đình. 3 người sống ở Hòn Sơn, còn lại lên thành phố làm việc. Thi thoảng con cái cũng phụ giúp ông kéo ống nhưng không ai rành nghề tìm hang nước như ông.

Khoảng 1 năm nay Hòn Sơn có hồ chứa nước nên người dân thuê ông Năm Luân truyền nước về nhà cũng giảm đáng kể. Tuy vậy do hồ chứa nước không có mái che nên bà con địa phương chủ yếu dùng để tắm gội, giặt giũ, còn nấu ăn vẫn sử dụng nước trong hang.

Anh Lý Thừa Lợi ngụ ấp Bãi Bấc chia sẻ, nhờ có nguồn nước sạch, người dân sinh hoạt dễ dàng hơn. Dọc con đường theo triền núi có thể dễ dàng thấy các ống dây dẫn nước cho bà con sử dụng. Đằng sau nguồn nước trong lành là công sức quý giá của những người đi tìm hang nước như ông Năm Luân.

Ông Nguyễn Văn Định, cán bộ văn hóa xã Lại Sơn cho biết, xã có 4 ấp, các ấp đều có một số người tìm hang nước. Tuy nhiên, ông Năm Luân là một trong những người lớn tuổi ở địa phương còn gắn bó nghề tìm hang nước.

"Quá trình tìm hang nước rất kỳ công, phải tìm tòi, thử dòng chảy rồi đặt ống để truyền nước về xuôi. Chưa kể lúc ống bể, hay nghẽn thì ông Năm Luân phải đi bảo trì, sửa chữa.

Giờ người làm nghề này không còn nhiều nữa vì quá vất vả, mặt khác ở địa phương đã có hồ chứa nước để người dân sinh hoạt nên nhu cầu sử dụng nước từ núi về không còn nhiều như trước", ông Định nói thêm.