Làm từ thiện theo kiểu "ban ơn", người nhận quà liệu có "nuốt" nổi?

Trọng Trinh

(Dân trí) - Hoạt động từ thiện đã giúp đỡ rất nhiều người nghèo bị ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch. Tuy nhiên, một số người khi làm từ thiện lại tỏ thái độ trịnh thượng, giáo huấn soi mói người nhận đồ từ thiện.

 Dịch Covid-19 hoành hành tại nhiều địa phương trên cả nước đã đẩy người dân trong tâm dịch nhất là người nghèo vào đường cùng. Nhiều người  để vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, phải sống nhờ vào những suất ăn từ thiện.

Thành phố Hồ Chí Minh đang là tâm điểm của đợt dịch Covid-19 lần này, mỗi ngày đều đặn có hàng nghìn ca bệnh mắc mới, cuộc sống của người dân ở đây đang trong thời kỳ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Người dân ở nhiều tỉnh thành trên cả nước đã chung tay giúp đỡ TP. HCM với mong muốn thành phố này nhanh chóng vượt qua đại dịch bằng cả sức người lẫn vật chất, tinh thần.

Trong tâm dịch, nhiều hoạt động từ thiện của các nhà hảo liên tục diễn ra với mong muốn giúp đỡ người nghèo bị ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch. Hành động ý nghĩa này đã góp phần to lớn trong việc giúp đỡ người nghèo cầm cự, đợi ngày đại dịch được dập tắt, cuộc sống quay lại bình thường.

Làm từ thiện theo kiểu ban ơn, người nhận quà liệu có nuốt nổi? - 1

Hình ảnh cô gái phát quà từ thiện tỏ vẻ trịnh thượng, giáo huấn hai mẹ con ra nhận quà từ thiện khi cháu bé quên không mang khẩu trang (Ảnh: Cắt từ video).

Tuy nhiên, một số người phát đồ từ thiện đã để lại tai tiếng khi có những hành động, lời nói khiếm nhã, thậm chí còn xúc phạm tới những người nhận hàng từ thiện.

Mới đây, đoạn clip ghi lại cảnh một cô gái trẻ làm từ thiện trên phố nhận được chia sẻ rộng rãi khắp cộng đồng mạng. Theo đó, trong đoạn clip này, thấy cô gái đi xe máy đến phát quà từ thiện, em bé đang ăn cơm cùng mẹ chạy vội ra mà quên không đeo khẩu trang. Sau đó hai mẹ con ngay lập tức phải nhận hàng loạt những lời lẽ mang tính giáo huấn, đầy trịnh thượng của cô gái này.

Trước đó không lâu, mạng xã hội được phen dậy sóng trước loạt video phát cơm từ thiện của chủ nhân một kênh YouTube. Người này gây xôn xao khi dùng lời lẽ khó nghe để xưng hô với một số nhân vật trong clip. Cụ thể, người này khiến dân mạng "nóng mặt" khi bắt bẻ, cho rằng một số người không xứng đáng để đến nhận cơm do sơn móng, là bụi đời, hay nghi ngờ người nhận không có hoàn cảnh khó khăn vì ngoại hình mập mạp...

Làm từ thiện theo kiểu ban ơn, người nhận quà liệu có nuốt nổi? - 2

Hình ảnh người đàn ông phát cơm từ thiện nhưng còn soi mói người nhận đủ thứ (Ảnh: Cắt từ video).

Trước những hành động, lời nói khiếm nhã thậm chí mang tính chất xúc phạm những người nhận quà từ thiện, độc giả đã có những bình luận, quan điểm riêng của mình về cách làm từ thiện của những người này.

Bạn đọc Hà Long bình luận về đoạn video cô cái trẻ chỉ trích người mẹ khi để con mình không đeo khẩu trang chạy ra nhận quà từ thiện: "Trước mặt bé gái mà có thể xối xả nói mẹ bé như vậy được? Của cho không bằng cách cho. Có thể cô gái thấy bé không đeo khẩu trang nên tỏ thái độ nhưng đối với người lớn tuổi vẫn phải tôn trọng chứ, không thể cư xử thô lỗ như vậy được".

"Nhận được gói quà mà bị nói nặng nhẹ đủ điều thế này, còn đâu ý nghĩa của việc từ thiện nữa. Liệu sau khi nhận được món quà đó, hai mẹ con cô bé kia có đủ can đảm để sử dụng chúng không hay lại bỏ đi vì cảm thấy bị lên án một cách quá đáng như vậy", Độc giả Thanh Bùi nêu ý kiến.

Độc giả Quang Minh thốt lên: "Trời ơi coi clip phát cơm từ thiện đó mà nước mắt tuôn trào, ai mà đủ can đảm cầm hộp cơm ăn. Cho cơm mà chửi mắng, xúc phạm, làm tổn thương người nhận cơm quá. Quá khủng khiếp, quá phản cảm vô nhân đạo".

"Chắc tưởng không ai phát cơm từ thiện cả có mỗi anh ta thôi, thích thì cho không thích thì đuổi. Đặt mình vào hoàn cảnh đó đi sẽ hiểu cuộc sống khó khăn đi lấy cơm đã ngại rồi còn bị quay phim nói soi mói như vậy. Con người ai cũng có lòng tự trọng. Người dư giả không ai lại lấy cơm của anh để "được" quay phim còn tặng thêm vài câu nói khó nghe nữa đâu. Anh không làm thì còn những bạn khác tận tâm hơn anh gấp trăm nghìn lần làm", một độc giả khác nêu ý kiến.

Độc giả có tên Trần Tường Vi bình luận: "Làm từ thiện mà còn sân si thì không nên làm. Danh dự con người đừng đem so sánh với hộp cơm. Đừng để mỗi người khi nhận hộp cơm phải rưng rưng nước mắt bởi sự xúc phạm của người cho".

"Đây là những thành phần lợi dụng dịch bệnh, nhân danh từ thiện để trục lợi cá nhân. Đáng tiếc là những thành phần như thế này không bị ai xử lý và còn tồn tại rất nhiều", Nguyễn Cao Huân bóc mẽ.

"Việc đánh đồng qua vẻ ngoài là sai rồi, tôi không làm móng tay, chân, nhưng tôi không nghèo đói. Nếu họ sơn móng tay chân do con cháu họ đang học nghề nail thì sao? Gần chỗ tôi làm việc có bếp cơm từ thiện đúng nghĩa, cô phát cho bất cứ những ai muốn nhận vì theo cô đã chấp nhận đi nhận đồ từ thiện là ít nhiều đã khó khăn rồi", một độc giả nhận xét.

"Từ thiện là phải có tấm lòng đức độ, trong sáng, chứ làm từ thiện mà còn so bì hơn thiệt, đi cho mà còn như ban ơn, bố thí thì cần phải xem lại nhân cách của những người làm từ thiện đó. Trong xã hội có những hoàn cảnh nghèo thực sự họ không có cái ăn, cái mặc, cái ở, nhưng cũng có những người vì lý do nào đó họ gặp tai ương hoạn nạn nhất thời phải ăn cơm từ thiện để vượt qua khó khăn. Tuy vậy, cũng có những người chưa đến nỗi thiếu thốn nhưng nảy sinh lòng tham (số này rất ít). Nhưng một khi đã làm từ thiện thì không nên soi xét, so đo, tính toán, đi cho được nhiều người lòng thanh thản, mới vui. Chứ làm từ thiện mà lại sợ mất của thì làm cái gì? Tâm chưa sáng, đức chưa dày, lòng chưa trong thì đừng đi làm từ thiện", một độc giả góp ý.