Tuyệt chiêu thoát khỏi "mớ bòng bong" thời đại dịch Covid-19

Trà My

(Dân trí) - Sau biết bao căng thẳng, hỗn độn trong những ngày giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, tôi đã bình tâm lại để biến khó khăn thành cơ hội rèn con những kỹ năng sống hữu ích.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, vợ chồng tôi gặp không ít khó khăn khi thu nhập giảm sút, cả nhà phải cách ly tại gia tới 3 lần do liên quan tới vùng dịch. Những ngày tháng vừa phải làm việc online tại nhà, vừa phải quán xuyến việc nhà và chăm lo cho con cái đã khiến tôi thường xuyên cáu bẳn với chồng con.

Nhưng càng bấn loạn, tôi càng nhận thấy cuộc sống gia đình tôi "rối như tơ vò", các con càng thêm nổi loạn, vợ chồng câu trước câu sau là khẩu chiến. Chưa kể, lúc nào tâm trạng tôi cũng ám ảnh về việc nhìn đâu cũng thấy Covid, kể cả khi các con chỉ hắt hơi, sổ mũi là tôi cũng nghĩ ngay đến nguy cơ bị mắc Covid-19. Sau đó, tôi đã cân bằng lại cảm xúc để giữ lửa cho tổ ấm thân yêu vì tôi nhận ra rằng khi trong lòng không bình an thì ắt nhìn đâu cũng thấy vướng mắc.

Tôi đã mạnh dạn chia sẻ, nhận sai với chồng về những cơn nóng giận của mình là do thiếu bình tĩnh, thiếu kế hoạch quy củ cho công việc hàng ngày nên bị xáo trộn. Tôi bắt tay vào thay đổi, chấn chỉnh bản thân và rèn con những kỹ năng sống cần thiết.

Thay vì ra rả nhắc các con làm việc này việc kia, tôi bảo ban các con tự lên kế hoạch sinh hoạt và học tập cho bản thân hàng ngày. Cuối ngày, tôi dành ít phút để cùng con tổng kết, giúp con đúc rút ra những bài học, kinh nghiệm, những hoạt động nên duy trì và những thói quen không tốt nên bỏ.

Tôi còn đặt thêm vài thử thách nhỏ để con thực hiện, chẳng hạn như đọc xong một cuốn sách và kể lại cho bố mẹ nghe. Khi hoàn thành, các con sẽ được hoa điểm tốt. Sau một tuần, bố mẹ tổng kết số hoa điểm tốt để quy ra phần thưởng khích lệ nên các con rất hào hứng.

Tuyệt chiêu thoát khỏi mớ bòng bong thời đại dịch Covid-19 - 1

Nuôi dạy con thời đại dịch: Cái khó ló cái khôn (Ảnh minh họa).

Các con tự hẹn đồng hồ giờ thức dậy buổi sáng và buổi chiều và chủ động lên thực đơn hàng ngày dưới sự góp ý của mẹ để mẹ tiện chuẩn bị nguyên liệu. Dần dần mọi việc đi vào nền nếp, các con bớt dần xem tivi, máy tính và hứng thú hơn với việc đọc sách, giúp mẹ nhiều việc như lau nhà, rửa bát, nấu ăn. Bạn lớn năm nay 11 tuổi đã có thể tự nấu một số món như trứng cuộn phô mai và gà sốt mật ong, sườn sốt chua ngọt.

Có hôm các con thích ăn nem, nhưng mẹ bận không làm được mà chỉ hướng dẫn và rồi hai anh em tự thực hiện. Kết quả là, các con đã làm được 30 chiếc nem khá ngon. Bạn nhỏ 9 tuổi, đã biết pha nước chấm theo công thức mà bố truyền đạt.

Khi các hàng quán phải đóng cửa vì giãn cách xã hội, các con muốn ăn món nọ món kia như pizza, mỳ ý… Trước kia tôi thường đưa thẳng các con ra quán thì giờ tôi chỉ cho con cách làm. Các con cũng tự xem video trên mạng để học hỏi thêm.

Khi chung tay "giải cứu" nông sản như dưa hấu, ổi… tôi cũng truyền cảm hứng cho các con về việc giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn. Các con tích cực ăn hoa quả hơn để ủng hộ bà con mùa dịch và để tăng sức đề kháng. Chúng còn tự tay làm một số món nước ép bổ dưỡng.

Những ngày ở nhà cách ly, tôi luôn chú trọng nhắc nhở các con về việc tập thể dục đều đặn như tập xà, nhảy dây. Khi có thời gian, hai vợ chồng tôi cùng tập với các con, lập ra hai đội thi đấu khiến chúng hứng khởi hơn. Hàng ngày tôi cũng dành thời gian để dạy các con một số phương pháp tự chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh đơn giản như xoa bóp, bấm huyệt mà tôi đã được học. Chẳng hạn, sáng dậy thì các con làm các động tác mát xa như thế nào, hay khi bị ho, nghẹt mũi, mỏi mắt thì cần làm gì.

Với vấn đề Covid-19, tôi bình tĩnh hơn chứ không hoang mang như trước đó. Tôi trò chuyện với con về cách thức lây lan Covid-19, các triệu chứng, đề cập đến cách phòng bệnh. Tôi hướng dẫn các con tiếp nhận những thông tin có chọn lọc, biết phân biệt đâu là những thông tin cần thiết, thông tin giả trên mạng xã hội. Tôi cũng cho các con xem các hình ảnh, thông tin về cả cộng đồng đang nỗ lực hết mình chống dịch như thế nào, những bạn còn bé xíu đã phải đi cách ly, thậm chí cả những hình ảnh tang thương về Covid-19 ở nhiều nước trên thế giới để các con thấy mình còn may mắn hơn họ rất nhiều.

Tôi cũng dạy con về việc sẵn sàng thích nghi với mọi tình huống có thể xảy ra như khi bố mẹ phải đi cách ly và các con ở nhà có thể tự chăm sóc bản thân hay khi các con cách ly tập trung thì phải như thế nào.

Mỗi ngày, hai vợ chồng tôi không quên dành nhiều thời gian nhất có thể bên con. Đó là khoảng thời gian chúng tôi tạm gác bỏ công việc, các thiết bị điện tử để toàn tâm toàn ý bên chúng, thay vì là vừa bên cạnh con vừa lướt web hay đầu óc vẫn vấn vương nghĩ suy về bộn bề cuộc sống. Sau những giờ phút như thế, tình cảm gia đình trở nên gắn bó hơn, sợi dây kết nối với các con bền chặt hơn để bố mẹ có thể đồng hành cùng con tốt hơn.

Những tháng ngày Covid-19 này thực sự là những trải nghiệm đáng nhớ và đầy ý nghĩa với tôi, đó bài học thấm thía về sự bình tĩnh để vượt qua khó khăn để biến "nguy" thành "cơ", vì nếu trong lòng bạn đầy rẫy sự xáo trộn, bất an thì cuộc sống của bạn sẽ luôn là một mớ bòng bong!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm