Lạm thu: Phụ huynh làm khó phụ huynh

(Dân trí) - Lạm thu có thể không xuất phát từ tín hiệu “bật đèn xanh” của nhà trường mà nhức nhối từ do chính việc phụ huynh làm khó phụ huynh.

Lạm thu: Phụ huynh làm khó phụ huynh - 1
Không phải phụ huynh nào cũng đồng tình với mức đóng góp mà Ban Phụ huynh đưa ra
Đây những những điều chúng tôi ghi nhận được trong quá trình tìm hiểu thông tin về các khoản thu đầu năm học tại các trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Lên án lạm thu tại lớp học của con em, bị chính người nhà phản ứng.

Bức xúc trước tình trạng lạm thu tại lớp học của con mình, một phụ huynh tại trường tiểu học  tại Đà Nẵng đã phản ứng gay gắt với ban đại diện Hội Cha mẹ phụ huynh nhưng chính người nhà của phụ huynh này lại là những người phản ứng ngăn cản việc đấu tranh với lạm thu đến cùng. Anh nói, “Vợ tôi bảo, ai sao mình vậy. Ráng nộp cho xong. Anh phản ứng gay gắt làm gì. Con mình tới trường học làm sao yên ổn được”. Cứ như vậy mà  tôi bị người nhà càu nhàu suốt nhưng vẫn lên tiếng, đã phóng lao thì phải theo lao dù thực trong tâm mình cũng ngại và lo cho con mình lắm."

Phụ huynh này cho biết, chính Ban đại diện Hội phụ huynh của lớp vận động quyên góp mỗi người tối thiểu đến 500.000 đồng để mua ti-vi mới và một số trang thiết bị khác cho lớp học. Khi tất cả các phụ huynh trong lớp chưa quyên góp hết và không phải ai cũng đồng tình với mức thu này thì Ban đại diện Hội phụ huynh đã tự ứng tiền trang bị ngay một ti-vi mới cho lớp ngay khi vừa kết thúc cuộc họp Hội phụ huynh đầu năm. Một vị trong Hội phụ huynh của lớp còn hô hào mọi người đóng góp đầy đủ và đánh động đến lòng tự trọng của các phụ huynh khác khi lên tiếng: “Ai không đủ điều kiện thì cứ liên hệ gặp riêng tôi.”

Tại một trường tiểu học khác, rất nhiều phụ huynh than phiền về việc Ban đại diện Hội phụ huynh học sinh ở lớp vận động quyên góp mua những trang thiết bị mà lớp học đã sẵn có từ những thứ nhỏ nhặt như rèm cửa, ghế ngồi …, trong khi chính những thứ này năm trước, phụ huynh của lớp đã quyên góp  trang bị cho lớp học và vẫn còn dùng tốt. Nhưng khi chúng tôi hỏi có ai phản ứng với sự vô lý nào không thì không có ai phản ứng cả, chỉ than phiền với nhau. Có nhiều phụ huynh hoàn cảnh khó khăn lại có nhiều con em còn đi học nhưng phải miễn cưỡng đóng góp quỹ hội phụ huynh “cho xong chuyện”. Hầu như phụ huynh nào phản ánh tình trạng lạm thu cũng yêu cầu kèm theo “Thôi đừng nêu tên, nêu lớp con tôi làm gì. Ngại lắm!”.

“Muốn đóng góp bao nhiêu cũng được nhưng đừng ép ai cũng như mình”.

Không thể phủ nhận việc xã hội hóa giáo dục với các khoản đóng góp của các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân trên địa bàn, trong đó có cả phụ huynh có con em theo học tại các trường học trên địa bàn có ý nghĩa tích cực trong việc góp phần nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học cũng như trong công tác khuyến học, khuyến tài với các phần học bổng của các nhà hảo tâm đến các em học sinh. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường trong khi điều kiện kinh tế địa phương và nhà trường còn hạn hẹp.

Một vị hiệu trưởng tại một trường THCS vùng ven thành phố Đà Nẵng đã tự hào khoe: “Chính một vị phụ huynh đã tự nguyện quyên góp kinh phí cũng như công thợ sơn quét mới toàn bộ các lớp học và tường rào xung quanh trường đã ẩm mốc, xuống cấp trầm trọng do ảnh hưởng nhiều đợt mưa bão. Nhà trường rất trân trọng, nhất là khi phụ huynh này đề nghị nhà trường không công khai mình.” Vị Hiệu trưởng này nói thêm “Ai có điều kiện, đóng góp cho trường đều trân trọng nhưng trân trọng ở đây là trân trọng tấm lòng chứ không đồng nghĩa với việc ưu ái con em những phụ huynh đóng góp nhiều cho trường hơn các em học sinh khác”.

Chia sẻ với PV Dân trí về tình trạng lạm thu do lạm dụng xã hội hóa trên địa bàn thành phố, ông Vĩ Sách, trưởng Phòng GD- ĐT Quận Thanh Khê đã có những chia sẻ đáng lưu tâm: “Đứng ở góc độ những người quản lý, chúng tôi cũng có cái khó của chúng tôi khi không bao quát hết được nhất là các khoản thu do Ban đại diện Hội Cha mẹ học sinh vận động. Ngay từ rất sớm Phòng GD- ĐT Q. Thanh Khê cũng như các cơ sở trực thuộc ngành khác trên địa bàn thành phố đã quán triệt chỉ đạo của ngành về việc lưu ý các hiệu trưởng không vận động phụ huynh mua sắm các trang thiết bị cho lớp học nhưng rồi Hội phụ huynh họ vẫn tự vận động với nhau. Đóng góp ủng hộ nhà trường và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường từ nền tảng cơ sở vật chất là một trong những mặt tích cực của xã hội hóa gáo dục. Ai muốn đóng góp bao nhiêu cũng được nhưng đừng ép ai cũng như mình. Vì sự đóng góp này hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện. Không phải các phụ huynh học sinh, ai cũng có điều kiện kinh tế ngang nhau”.

Ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD- ĐT TP. Đà Nẵng cho biết: “Ngăn chặn tình trạng lạm thu là một trong những chú trọng của ngành trong năm học mới 2010- 2010 này. Một trong những biện pháp để ngăn chặn tình trạng này là chúng tôi tăng cường chỉ đạo đến lãnh đạo các cơ sở trực thuộc, các trường học trên địa bàn tuyên truyền sâu rộng yêu cầu các Ban đại diện Hội Cha mẹ học sinh không lạm dụng xã hội hóa để lạm thu. UBND TP. cũng rất chú trọng việc này qua việc ban hành quy định mức trần về khoản vận động thu quỹ hoạt động của Hội phụ huynh, yêu cầu khoản thu này được vận động quyên góp hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện. Đồng thời, khuyến khích các bậc phụ huynh phản ánh tình trạng lạm thu tại trường học của con em, có thể phản ánh trực tiếp với Sở GD- ĐT TP. và Hội đồng nhân dân thành phố”.

Xã hội hóa giáo dục cần được thực hiện trên đúng tinh thần tự nguyện và ý nghĩa tích cực của cuộc vận động này. Tình trạng chính phụ huynh lạm dụng xã hội hóa giáo dục vận động, làm khó phụ huynh cũng chính là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho vấn nạn lạm thu cứ nhức nhối vào mỗi đầu năm học. Phụ huynh vẫn cứ “khổ lắm” khi vấn nạn lạm thu đã “nói mãi”.

Khánh Hiền