“Loạn thu, lạm thu” trong trường phổ thông

Cứ “đến hẹn lại lên”, mỗi khi vào bước vào khai giảng năm học mới, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục xuất hiện những bài viết, ý kiến phản ánh về tình trạng “lạm thu, loạn thu” trong các trường phổ thông.

“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”

 

Theo thông tin được công khai tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa V (nhiệm kỳ 2004-2009) diễn ra ngày 11/12/2007 thì học sinh nhiều trường trên địa bàn trong một năm học đã phải “gánh” đến 45 khoản thu do các trường tùy tiện đặt ra với số tiền thu sai hàng tỷ đồng! Báo Tiền phong ngày 30/08/2007 có bài “Tiền học nặng vai người nghèo” với lời tâm sự xót xa của một phụ nữ có con đang học tiểu học: “Cả tuần nay, ngay cả trong giấc mơ tôi cũng lo chuyện kiếm tiền cho hai đứa nhỏ đi học”.        

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Đây là tình trạng phổ biến trên địa bàn cả nước, đã diễn ra nhiều năm, trở nên nhức nhối đến mức đã xẩy ra nhiều vụ khiếu kiện, các cơ quan chức năng phải thành lập các đoàn thanh tra và Sở GD-ĐT nhiều địa phương thường xuyên có công văn nhắc nhở nghiêm cấm các trường tùy tiện thu các khoản tiền sai qui định. Gần đây nhất, ông Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Năm học 2008-2009, tất cả các khoản thu đều thực hiện như năm ngoái. Nếu trường nào thực hiện sai quy định thì sẽ bị xử lý nghiêm” như một sự “cảnh báo” đối với một số trường định rục rịch tăng thêm các khoản thu nhân cơn “bão giá”.                       

 

Thế nhưng, tình hình “lạm thu, loạn thu” vẫn chưa được khắc phục triệt để và ngày càng có nhiều “biến tướng” tinh vi. Bên cạnh một số trường chấp hành nghiêm túc các qui định của pháp luật về thu chi, không ít trường vẫn tự tiện đặt ra các khoản thu, thu vượt mức qui định các khoản được phép, nhập nhèm giữa các khoản thu tự nguyện và bắt buộc, tổ chức các dịch vụ để ăn chênh lệch giá và tiền hoa hồng, lợi dụng tâm lý “qua sông lụy đò”, thiếu hiểu biết của phụ huynh để trục lợi… Nếu vụ việc bị tố giác, lý lẽ mà các BGH đưa ra cũng thật “hồn nhiên”: thực hiện “chủ trương xã hội hóa giáo dục”, “nâng cao đời sống cho giáo viên”, “tăng cường cơ sở vật chất”… Vì vậy, cách xử lý của các cơ quan chức năng cũng thường “đơn giản, gọn nhẹ”, “giơ cao đánh khẽ”, thường không xử lý theo đúng các qui định của pháp luật nên tình trạng “nhờn thuốc” đã xẩy ra khá phổ biến.                                                                

 

Dù được biện hộ với bất cứ lí do gì, tình trạng “lạm thu, loạn thu” trong các trường phổ thông là trái với các nguyên tắc pháp lý và đạo lý, vì vậy cần phải có những biện pháp mạnh mẽ để chấn chỉnh. Theo hiểu biết của chúng tôi, “căn bệnh” này đã có đủ “thuốc” để điều trị dứt điểm, nhưng không hiểu sao “bệnh” vẫn chưa lui, có thể chưa được dùng hoặc dùng chưa đúng “liều”.                                                                                           

 

“Thuốc” về phương diện pháp lý

 

Trường công lập cũng thuộc hệ thống các cơ quan nhà nước, mọi hoạt động phải tuân thủ các qui định của pháp luật. Cho đến nay, chúng ta đã có những cơ sở và chế tài pháp lý đủ mạnh để chống lại tình trạng này. Điều 105 Luật Giáo dục 2005 qui định: “Ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác”. Vì vậy, mọi khoản thu bắt buộc khác trong nhà trường đều là vi phạm pháp luật (hiện một số địa phương vẫn cho phép thu tiền xây dựng trường). Điều 5 Nghị định của Chính phủ số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 “Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí” qui định chỉ có Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Bộ Tài chính là có thẩm quyền qui định mức phí và lệ phí. Thế nhưng hiệu trưởng nhiều trường đã rất “hồn nhiên” khi “lộng quyền” tự đặt ra các khoản thu như: phí giữ xe đạp, phí bảo vệ, phí điện nước… trong khu vực trường. Hành vi phạm pháp và đã được qui định xử lý như sau:                                                    

 

Theo Điều 9, Nghị định 106/2003 của Chính phủ: “Vi phạm quy định về thẩm quyền quy định về phí, lệ phí”: sẽ bị “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không có thẩm quyền mà tự đặt ra quy định về: danh mục phí, lệ phí; mức thu phí, lệ phí; quản lý, sử dụng tiền phí, lệ phí; miễn, giảm phí, lệ phí”. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải bị áp dụng các hình phạt bổ sung, khắc phục hậu quả… Theo chúng tôi, hành vi cố tình “loạn thu, lạm thu” của các trường có thể khép vào các tội danh liên quan đến tham nhũng.                                                                                           

 

Nếu các vị hiệu trưởng đã biết rõ những qui định này thì “có cho kẹo” cũng không dám “nhắm mắt làm liều”. Tuy nhiên, một biện pháp đơn giản và hiệu quả hơn là các Phòng và Sở GD-ĐT lập một đường dây nóng thường trực để tiếp nhận những thông tin chống tiêu cực trong giáo dục, trong đó có cả những vi phạm về thu chi của các trường. Hầu hết các trường hợp vi phạm chỉ cần một cú điện thoại “hỏi thăm sức khỏe” của cơ quan quản lý giáo dục là các vị hiệu trưởng “co vòi” ngay, không cần đến các quyết định đề nghị xử lí của thanh tra. Ai cũng biết các hiệu trưởng có “gen” sợ cấp trên “như sợ cọp”! Vì vậy, vấn đề là ở chỗ các cơ quan quản lý giáo dục có công tâm và kiên quyết hay không mà thôi!            

 

 “Thuốc” về phương diện đạo lý

 

Toàn Đảng, toàn dân đang sôi nổi thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nguyên lý của nền giáo dục chúng ta là nhân đạo, vì thế hệ tương lai của đất nước. Nhiều trường đã treo những câu khẩu hiệu thể hiện điều đó: “Tất cả vì học sinh thân yêu”, “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, “Dân chủ, kỉ cương, tình thương, trách nhiệm” và hiện nay Bộ GD-ĐT đang phát động xây dựng mô hình “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” với hạt nhân là lí tưởng nhân văn vì thế hệ tương lai của dân tộc. Môi trường giáo dục là môi trường văn hóa, nhân văn, hình tượng nhà giáo là mẫu mực về đạo đức, lối sống cho học sinh noi theo.            

 

Vì vậy, việc tổ chức “loạn thu, lạm thu” trong các nhà trường khiến cho mọi lời rao giảng về đạo đức, lẽ công bằng của thầy cô trở nên vô nghĩa, là hành vi hoàn toàn trái với đạo lý. Làm vậy, vô hình trung chúng ta đang tàn phá môi trường giáo dục, cái gốc để giáo dục nhân cách, lối sống cho học sinh và tương lai xã hội sẽ phải trả một giá đắt. Học sinh và nhân dân sẽ mất niềm tin vào nhà trường, thầy cô và những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Liệu tương lai các em sẽ suy nghĩ gì trước cách ứng xử thiếu trung thực, “nói một đàng, làm một nẻo”, vi phạm pháp luật của thầy cô.                                                                       

 

Một số hiệu trưởng cho rằng việc “loạn thu” là do nguồn học phí thấp, mọi chi phí giáo dục đều rút ra từ “cái bánh” học phí là hoàn toàn không hiểu các qui định của pháp luật hoặc cố tình lừa dối dư luận. Điều 101 Luật Giáo dục 2005 qui định rõ: Nguồn chính để đầu tư cho giáo dục là từ ngân sách nhà nước. Còn học phí chỉ là một khoản đóng góp bổ sung của người học hoặc gia đình để góp phần đảm bảo cho các chi phí giáo dục, chứ hoàn toàn không phải là nguồn tài chính duy nhất. Các trường Tiểu học không thu học phí thì nhà giáo hưởng lương từ đâu?                                                            

 

Mặc dù đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn, song không thể vì thế mà nỡ “bán rẻ” những giá trị giáo dục vô giá. Nhà nước đã có những chính sách ưu đãi đối với những giáo viên vùng sâu, vùng xa, các địa phương cũng có nhiều chính sách hỗ trợ giáo viên, thu nhập của giáo viên đã được qui định theo thang bậc lương với mức phụ cấp ưu đãi rõ ràng, được nâng bậc, ngạch lương vượt thời hạn. Nhà giáo được hưởng các chế độ làm thêm giờ, bảo hiểm theo các qui định của nhà nước, những người có khả năng và điều kiện có thể dạy thêm, làm thêm, người có thành tích xuất sắc được khen thưởng…             

 

Ngoài ra, các trường có thể vận động các khoản tài trợ, các khoản đóng góp tự nguyện, thu từ các hoạt động… để cải thiện thu nhập cho giáo viên và tăng cường cơ sở vật chất. Các trường cũng có thể xây dựng các loại quĩ khác… Vấn đề là phải trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, tùy theo điều kiện, mức sống của người dân và tài “ngoại giao” của nhà trường. Lĩnh vực này thì pháp luật không can thiệp và các trường hoàn toàn chủ động.  

 

Như vậy, vấn đề “lạm thu, loạn thu” trong các trường phổ thông đã quá rõ ràng, hi vọng trong năm học 2008-2009 này, tình hình “lạm thu, loạn thu” sẽ không tái diễn làm nhức nhối dư luận.

 

Trọng Nghĩa

 

LTS Dân trí - Đúng là tình hình “lạm thu, loạn thu” năm học nào cũng tái diễn ở không ít các trường phổ thông, gây khó khăn cho nhiều gia đình học sinh và gây bất bình trong dư luận.

 

Năm học này, tình hình kinh tế khó khăn vì lạm phát, nhiều gia đình phải vất vả lắm mới lo được cho con đi học. Cho nên, các khoản thu ở trường phổ thông càng cần được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định, tuyệt đối không được tự tiện đặt ra những khoản thu ngoài quy định. Các cấp quản lý giáo dục có trách nhiệm tăng cường thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định, gây nên tình trạng “lạm thu, loạn thu” vào đầu năm học mới.