Làm sao đánh giá giáo viên cho chuẩn xác!
Đọc một bài viết trên báo mạng có đầu đề: “Đánh giá giáo viên THPT: Điểm yếu nhiều gấp đôi điểm mạnh” của tác giả Bảo Anh khiến chúng tôi giật mình về tình trạng xuống cấp của đội ngũ GV THPT.
Tuy nhiên, khi đọc nội dung bài viết, chúng tôi mới thấy sự thực không hẳn như vậy và nhân đây muốn đóng góp ý kiến về cuộc điều tra đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên, vì đó là bài báo nói về kết quả của một hội nghị tổng kết của Bộ GD-ĐT về chủ trương thí điểm vận dụng chuẩn nghề nghiệp giáo viên THPT ở một số trường của 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Tĩnh, Sơn La, Trà Vinh, Đắc Lắc với sự tham gia của 3.500 GV.
Kết quả dựa vào sự đánh giá của tổ chuyên môn và do GV tự đánh giá theo các tiêu chuẩn do Bộ GD-ĐT đưa ra chứ không phải dựa trên một cuộc khảo sát, điều tra độc lập, khách quan và chi tiết.
Điều đáng nói là về tỷ lệ “Điểm yếu nhiều gấp đôi điểm mạnh” được tác giả diễn giải như sau:
“GV THPT hiện nay có 7 điểm mạnh về những mặt như: Phẩm chất chính trị; đạo đức nghề nghiệp; ứng xử với đồng nghiệp; năng lực phát triển nghề nghiệp, có ý thức phấn đấu về chuyên môn (tự học, tự rèn luyện); chuyên môn giỏi; năng lực đánh giá HS; khả năng tìm tòi, sáng tạo trong công việc.
Tuy nhiên, những điểm yếu được đưa ra lại nhiều gấp đôi số điểm mạnh trên với 14 điểm. Cụ thể được thống kê là: Sử dụng các phương tiện dạy học, CNTT; tham gia hoạt động chính trị, xã hội; phối hợp với các gia đình HS và cộng đồng; xử lý tình huống sư phạm; tìm hiểu đối tượng và môi trường GD; xây dựng môi trường học tập; GD qua các hoạt động khác và các hoạt động trong cộng đồng; vận dụng các phương pháp dạy học.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Chưa nói đến thực chất của quá trình đánh giá và tự đánh giá nói trên, ngay cả sự diễn giải trên đã chứa đựng nhiều mâu thuẫn: GV đã có “điểm mạnh” là “chuyên môn giỏi; năng lực đánh giá HS; khả năng tìm tòi, sáng tạo trong công việc” nhưng đồng thời lại có luôn điểm yếu là “Sử dụng các phương tiện dạy học, xử lý tình huống sư phạm, xây dựng môi trường học tập, vận dụng các phương pháp dạy học”.
Ai cũng biết đã là GV “chuyên môn giỏi” và “khả năng tìm tòi, sáng tạo trong công việc” thì dĩ nhiên phải biết “sử dụng các phương tiện dạy học, xử lý tình huống sư phạm, xây dựng môi trường học tập, vận dụng các phương pháp dạy học”. Còn nếu có điểm yếu về các yếu tố vừa nêu thì không thể gọi là “GV giỏi” được. Và GV đã có “điểm mạnh” là “có ý thức phấn đấu về chuyên môn” thì không thể đồng thời lại có điểm yếu “(thiếu) lòng say mê nghề nghiệp được”. Như vậy, việc xây dựng các tiêu chí đánh giá và cách đánh giá, tổng hợp còn nhiều mâu thuẫn, phi lô gích.
Theo chúng tôi, đáng lý ra, để đi tới kết luận như nhan đề, bài báo phải nêu rõ tỷ lệ các GV có “điểm mạnh, điểm yếu” theo các tiêu chí trên cụ thể là bao nhiêu % (ở đây là theo 21 tiêu chí). Ví dụ, bao nhiêu % GV có điểm mạnh là “chuyên môn giỏi”, bao nhiêu % GV có “điểm yếu” về “xử lý tình huống sư phạm”…Còn việc nêu ra một cách chung chung “điểm yếu gấp đôi điểm mạnh” là rất mơ hồ, mâu thuẫn.
Tỷ lệ tương quan “điểm yếu”/ “điểm mạnh” (trên 3.500 GV được đánh giá) là 14/7 dễ gây ngộ nhận về một “thảm trạng” của chất lượng GV THPT. Nhưng thực chất không phải như vậy, bởi vì khi xây dựng tiêu chí đánh giá, cần phải xác định đâu là tiêu chí chính, cơ bản, đâu là tiêu chí không cơ bản. Ví dụ như xem xét một cầu thủ bóng đá thì tiêu chuẩn về kĩ thuật, thể lực là hàng đầu, còn về hình thức là thứ yếu; còn thi hoa hậu thì đầu tiên phải xét tiêu chí hình thức, nhan sắc…
Rõ ràng, qua tổng kết của Bộ GD-ĐT mà tác giả bài báo đã phản ánh thì 7 “điểm mạnh” của GV THPT thuộc về những yêu cầu cơ bản, hàng đầu của người GV, và đó là một tín hiệu rất đáng mừng cho nền GD nước nhà: “Phẩm chất chính trị; đạo đức nghề nghiệp; ứng xử với đồng nghiệp; năng lực phát triển nghề nghiệp, có ý thức phấn đấu về chuyên môn (tự học, tự rèn luyện); chuyên môn giỏi; năng lực đánh giá HS; khả năng tìm tòi, sáng tạo trong công việc”.
Đành rằng những “điểm yếu” mà hội nghị tổng kết đã chỉ ra cũng rất đáng quan tâm và cần có những giải pháp kịp thời để khắc phục (trong đó có một số “điểm yếu” rất mơ hồ là “khả năng tự phê bình và phê bình” hay “quản lý hồ sơ dạy học”…), song cái ưu điểm vẫn là cơ bản, cần động viên các GV phát huy mạnh mẽ và chúng ta vẫn có đầy đủ niềm tin vào đội ngũ GV THPT của đất nước. Như vậy, rõ ràng nhan đề bài báo đã mâu thuẫn với nội dung, cũng có thể do tác giả là người thiếu những hiểu biết chuyên sâu về giáo dục.
Việc đánh giá toàn diện đội ngũ GV THPT ( và toàn thể GV các cấp) là hết sức quan trọng và cần thiết để có những giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ và hoạch định chiến lược giáo dục. Song để có một kết quả đáng tin cậy cần dựa trên những hoạt động khảo sát, điều tra, đánh giá có tính độc lập, khách quan và trên diện rộng trong một thời gian nhất định chứ không thể dựa vào kết quả đánh giá của tổ chuyên môn và do các GV tự đánh giá, lại thực hiện ở một phạm vi rất nhỏ (chỉ 3.500 GV/ hơn 1 triệu GV các cấp). Có ý kiến băn khoăn về tỷ lệ GV tự đánh giá năng lực trung bình chiếm tỷ lệ đến 20,9%, nhưng đây là một con số không nói lên một điều gì cả, vì có những GV giỏi nhưng do khiêm tốn họ chỉ tự đánh giá là trung bình và có những GV thực chất trung bình nhưng lại mắc “bệnh thành tích” nên đã tự đánh giá mình là giỏi, là xuất sắc.
Không nên dựa vào một thống kê ở phạm vi hẹp rồi vội vàng lên tiếng “báo động” về chất lượng GV.
Trần Quang Đại
Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
LTS Dân trí - Đánh giá đúng thực chất đội ngũ giáo viên là một công việc hệ trọng và cần thiết để có kế hoạch xây dựng và nâng cao chất lượng Người Thầy, là yếu tố quan trọng hàng đầu có ý nghĩa quyết định việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên để làm được công việc đó một cách chuẩn xác, trước hết phải xây dựng hệ thống tiêu chí phản ảnh đúng năng lực chuyên môn cũng như phẩm chất cần có của Người Thầy. Mặt khác, độ chính xác của kết quả điều tra còn phụ thuộc vào phương pháp tiến hành và số lượng đối tượng được khảo sát phải đủ lớn để cho kết quả đáng tin cậy.
Ý kiến đóng góp của tác giả bài viết trên đây đã nêu ra những mâu thuẫn trong việc phản ảnh kết quả đánh giá cũng như cách thức điều tra còn thiếu khách quan và số lượng giáo viên được điều tra chưa đủ lớn để cho kết quả đáng tin cậy.
Đấy là những ý kiến đóng góp đáng lưu ý trong quá trình tiến hành điều tra cũng như tổng kết và phản ảnh kết quả đánh gía chất lượng đội ngũ giáo viên sao cho khách quan và chuẩn xác.