Làm gì khi đã ly hôn mà chồng không chịu giao con theo bản án?

Hải Hà

(Dân trí) - Tôi và chồng đã ly hôn, do con dưới 36 tháng tuổi nên tôi được quyền nuôi con. Tuy nhiên khi tôi nói chuyện với chồng cũ và gia đình chồng thì họ dứt khoát không chịu giao con cho tôi.

Vậy tôi cần phải làm gì trong tình huống này để được nhận con và trực tiếp nuôi dưỡng?

Trả lời:

Luật sư Quách Thành Lực, Công ty luật Pháp trị - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, sau khi Bản án quyết định bạn được quyền nuôi con thì bạn có quyền yêu cầu cha đứa trẻ, gia đình chồng giao con cho bạn nuôi dưỡng.

Trường hợp những người đang trực tiếp nuôi dưỡng không chịu giao con, thì bạn cần phải đề nghị Chi cục thi hành án dân sự nơi Bản án sơ thẩm tuyên bạn được quyền nuôi con tổ chức thực thi bản. Trường hợp của bạn là thi hành án theo yêu cầu, nên Chi cục thi hành án chỉ vào cuộc khi bạn có đơn yêu cầu thi hành án.

Khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án của bạn, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đơn, Chi cục trưởng chi cục thi hành án sẽ ra quyết định thi hành án. Quyết định thi hành án yêu cầu người phải thi hành án tự nguyện thi hành.

Quyết định thi hành án được gửi cho cá nhân phải thi hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, UBND cấp xã nơi người thi hành án hiện cư trú. Thời gian tự nguyện thi hành án là 10 ngày kể từ ngày người phải thi hành án nhận được Quyết định thi hành án.

Sau đó trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành, thì Chấp hành viên được phân công phụ trách việc thi hành án sẽ thực hiện xác minh: lập biên bản có đủ các thông tin về địa chỉ, nơi cư trú của người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng; khả năng và điều kiện thực hiện nghĩa vụ thi hành án.

Hết thời hạn tự nguyện thi hành án, người phải thi hành án có đủ điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành sẽ bị cưỡng chế thi hành án. Trước khi thực hiện cưỡng chế, chấp hành viên sẽ phối hợp với chính quyền địa phương thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án.

Trường hợp người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền. Ấn định thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người phải thi hành án giao người chưa thành niên cho người được quyền nuôi dưỡng.

Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện, thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế, buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.

Khi bạn nắm được trình tự, cơ quan thi hành án thực hiện đúng theo quy trình trên thì người phải thi hành án sẽ phải chấp hành thi hành án, nếu không họ sẽ phải đối mặt với cáo buộc hình sự, có khả năng gánh chịu hậu quả pháp lý nặng nề. Trước hậu quả pháp lý đó thì người phải thi hành án sẽ phải giao con cho bạn.

Luật sư Lực đặc biệt lưu ý, người phải thi hành án trong trường hợp này thường có tâm lý kéo dài thời hạn thi hành án để trẻ em vượt qua mốc 36 tháng tuổi, sau đó đề nghị Tòa án thay đổi quyền nuôi dưỡng từ người mẹ sang cha.

Do vậy khi đảm bảo việc thi hành án theo đúng quy trình luật định, chi cục thi hành án thực hiện việc xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự thì cơ hội để thay đổi quyền nuôi con của người phải thi hành án sẽ khó có thể thực hiện được.

Mong rằng những giải đáp trên thực sự hữu ích với vụ việc của bạn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm