Đắk Nông:
Lạ đời doanh nghiệp nhận tiền tỷ để trồng rừng phòng hộ bằng cây ngắn ngày
(Dân trí) - Theo ngành Nông nghiệp Đắk Nông, cây keo lai là cây ngắn ngày. Tuy nhiên, sau khi được vay gần 17 tỷ đồng, 4 doanh nghiệp lại đi trồng keo lai để trồng thay thế rừng phòng hộ.
Theo đó, năm 2016, Quỹ Đầu tư và Phát triển tỉnh Đắk Nông cho 4 doanh nghiệp vay gần 17 tỷ đồng để trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sang các dự án thủy điện. 4 doanh nghiệp này bao gồm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo Lâm; Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp Khải Vy, Doanh nghiệp Tư nhân Cây kiểng Đức Minh, và Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai.
Tuy nhiên, sau 4 năm, nhiều diện tích được giải ngân cho vay đã không thành rừng, còn diện tích thành rừng thì sắp được… khai thác. Nguyên nhân là bởi các diện tích này được trồng cây keo lai- cây ngắn ngày, nguyên liệu của ngành công nghiệp giấy.
Tháng 8/2016, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo Lâm được phê duyệt dự án đầu tư trồng rừng thay thế trên diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sang xây dựng công trình thủy điện, tổng diện tích thiết kế hơn 300ha. Loại cây trồng là keo lai, phương thức trồng thuần loài, mật độ gần 1.700 cây/ha.
Tổng mức đầu tư của dự án được xác định là gần 23 tỷ đồng, trong đó, vốn vay từ nguồn vốn đầu tư trồng rừng thay thế hơn 9 tỷ đồng, chiếm 40% tổng dự toán. Thời gian cho vay là 7 năm, lãi suất ưu đãi 0% (không tính lãi suất) trong suốt thời gian vay.
Năm 2016 và 2017, Quỹ Đầu tư Phát triển Đắk Nông giải ngân cho Công ty TNHH Bảo Lâm hơn 7,1 tỷ đồng. Đến tháng 8/2018, đoàn công tác liên ngành do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông chủ trì đã tiến hành kiểm tra, đánh giá số lượng, chất lượng rừng trồng Công ty TNHH Bảo Lâm.
Kết quả kiểm tra cả số lượng, chất lượng rừng đều thấp một cách bất thường. Dù thiết kế ban đầu là 300ha, song thực tế đơn vị này chỉ trồng hơn 237ha rừng năm 2016. Thời điểm kiểm tra, Công ty TNHH Bảo Lâm chỉ còn hơn 106ha keo lai (đạt gần 45% diện tích đã được giải ngân cho vay), hơn 55% diện tích giải ngân đã mất.
Tương tự từ tháng 9 – 11/2016, Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp Khải Vy, Doanh nghiệp Tư nhân Cây kiểng Đức Minh, và Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai cũng được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt dự án trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sang xây dựng các công trình thủy điện.
Loại cây trồng là keo lai, phương thức trồng thuần loài. Tổng diện tích được phê duyệt gần 340 ha và tổng số tiền đã được giải ngân cho vay hơn 9,5 tỷ đồng. Đoàn công tác liên ngành do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông cũng xác định số tiền giải ngân vượt diện tích rừng đã trồng đối với 3 doanh nghiệp trên là gần 1 tỷ đồng.
Ông Trịnh Anh, Phó Giám đốc Quỹ Đầu tư Phát triển Đắk Nông cho biết, đơn vị này đang tiến hành thu hồi số tiền gần 4 tỷ đồng đã giải ngân cho Công ty Bảo Lâm do không còn diện tích trên thực tế. Tuy nhiên, dù nhiều lần có văn bản đôn đốc, Công ty Bảo Lâm chỉ hứa hẹn cân đối, hoàn trả nợ nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông, kinh phí để triển khai trồng rừng thay thế từ năm 2020 trở đi là rất lớn. Do đó, cần sớm thu hồi số tiền đã giải ngân đối với diện tích không còn rừng tại dự án của Công ty TNHH Bảo Lâm để bố trí cho các đơn vị khác.
Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông cho biết, keo lai là cây ngắn ngày, không phù hợp để trồng rừng thay thế rừng phòng hộ, đặc dụng đã chuyển đổi sang các dự án thủy điện.
Từ năm 2017 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông chỉ phê duyệt các dự án trồng rừng thay thế bằng các loại cây dài ngày, cây bản địa như sao, dầu, thông, gáo…
Dương Phong