Bạn đọc viết:

Kỳ thú chuyện người phụ nữ “se duyên” cho mây và gốm

(Dân trí) - Từ trước tới nay, những nghệ nhân vẫn giữ quan niệm truyền thống khi sản phẩm thương hiệu của làng nghề nào thì làng nghề đấy tự sản xuất. Thế nhưng, một nghệ nhân trẻ ở làng nghề Chương Mỹ, Hà Nội đã táo bạo đưa ra ý tưởng kết hợp sản phẩm của hai làng nghề gốm và mây lại với nhau để tạo ra một mẫu mới.

Sau nhiều nỗ lực, lần đầu tiên bình gốm sứ được trang trí bằng mây với cách quấn độc đáo được ra đời. Không lâu sau, sản phẩm này đã được mọi người đón nhận từ trong nước đến thế giới.

"Kết nối tình yêu" mây và gốm

Dọc đất nước có biết bao làng nghề truyền thống tồn tại hàng trăm năm tuổi cùng với những thăng trầm lịch sử. Làng nghề truyền thống mây tre đan thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã giữ được những nét riêng của mình. Trải qua hơn 400 năm tuổi, những nghệ nhân nơi đây đã đã giữ gìn và phát triển cái nghiệp cao quý của cha ông để lại.…

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hân bên những mẫu sản phẩm độc đáo kết hợp giữa gốm và mây.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hân bên những mẫu sản phẩm độc đáo kết hợp giữa gốm và mây.

Về thăm làng nghề Phú Vinh, chúng tôi được chiêm ngưỡng hàng trăm mẫu tác phẩm độc đáo do chính tay các nghệ nhân trong làng chế tác. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh (SN 1967) và vợ Nguyễn Thị Hân (SN 1981) vừa giới thiệu về làng, vừa cho chúng tôi xem các mẫu sản phẩm mới. Với những nghệ nhân tâm huyết nơi đây, mỗi một mẫu sản phẩm là một đứa con tinh thần của họ. Trong khu trưng bày của gia đình anh Hạnh, chúng tôi nhận thấy ba chiếc bình gốm được trang trí bằng mây được đặt nơi trịnh trọng nhất. Qua trò chuyện chúng tôi mới biết, đằng sau những bình gốm quấn mây đó là một câu chuyện thú vị đánh dấu sự trưởng thành của nghề truyền thống nơi đây.

Câu chuyện ý tưởng bắt đầu bằng việc năm 2005, hai vợ chồng anh Hạnh đi thăm quan làng gốm Bát Tràng (Hà Nội). Với cái “máu nghệ thuật”, chị Hân, vợ anh như bị cuốn vào cái đẹp của gốm Bát Tràng từ lúc nào không hay. Ở khu trưng bày gốm, chị say mê ngắm từ sản phẩm này đến sản phẩm khác.

Tại đây, hàng trăm mẫu sản phẩm gốm lớn nhỏ đều được chị Hân ghi chép lại một cách cẩn thận. Thấy vợ mình cứ loay hoay mãi ở gian trưng bày, anh Hạnh đến kéo chị đi tham quan những nơi khác nhưng chị không chịu. Vậy là chuyến đi thăm quan, giải trí của hai vợi chồng trở thành chuyến đi thực địa của vợ. Nhưng rồi “hữu xạ tự nhiên hương”, cũng nhờ vào chuyến đi này mà ý tưởng “se duyên” cho mây và gốm đã được định hình.

Kể lại ý tưởng của mình, nghệ nhân Nguyễn Thị Hân chia sẻ: “Lúc thăm quan ở  lò gốm bát Tràng, tôi đã bị các mẫu gốm ở đây hút hồn. Từ trước tới giờ sản phẩm của làng nghề nào thì làng đó sản xuất. Tuy nhiên, nhìn những chiếc bình gốm đủ các loại kích cỡ được trang trí rất đẹp nên tôi tự hỏi sao mình không kết hợp với sợi mây để trang trí. Tôi muốn kết hợp hai làng nghề truyền thống lại để tạo nên một cái mới trong nghệ thuật trang trí”.

Trắng đêm làm “bà Nguyệt”

Ý tưởng ấy được đánh giá rất hay và độc đáo, nhưng để thực hiện được thì cả một vấn đề lớn. Đối với các nghệ nhân nói chung, điều đầu tiên nghĩ đến là sản phẩm làm ra có thương hiệu để sản xuất ra với số lượng lớn hay không? Không ngại khó, chị Hân thuyết phục chồng để tìm cách thực hiện ý tưởng này. Ngay hôm sau, hai vợ chồng chị cùng trở lại làng gốm Bát Tràng để đặt các mẫu gốm phù hợp. Tuy nhiên, do là hàng mẫu và số lượng ít nên các lò gốm không nhận làm. Lúc này, chị như rơi vào bế tắc không biết phải làm thế nào để có hàng mẫu đem về thực hiện ý tưởng.

Các sản phẩm gốm quấn mây chuẩn bị được xuất khẩu ra nước ngoài.
Các sản phẩm gốm quấn mây chuẩn bị được xuất khẩu ra nước ngoài.

Trong lúc tuyệt vọng nhất thì cơ may đến với chị trong một buổi hội chợ chị gặp một nghệ nhân làm gốm ở Bát Tràng. Sau khi nghe chị Hân nói về ý tưởng tạo nên tác phẩm hòa quyện giữa gốm xứ và mây, nghệ nhân này đã gật đầu chế tác các mẫu bình gốm như chị đặt hàng.

Sau vài ngày, các mẫu sản phẩm gốm do chị đặt đã được chuyển về. Hàng ngày, do có con nhỏ và bận việc gia đình nên chị Hân dành trọn thời gian buổi tối để chế tác. Đây là công đoạn rất khó khăn vì để có thể đan các sợ mây lên những chiếc bình gốm sứ là hết sức khó khăn và đòi hỏi sự tỉ mỉ rất cao. Điều khó nhất là làm sao cho các sợi mây nhỏ có thể gắn chặt được với bình gốm. Suốt những đêm đầu, chị Hân đã thử rất nhiều kiểu đan khác nhau nhưng không thành do các kiểu đan không ăn khớp với gốm nên không có điểm nhấn. Nhiều hôm chị Hân thức trắng đêm để tìm cách đan phù hợp với màu của gốm.

Ban ngày, chị Hân ngồi nghiên cứu lại kích thước và màu sắc của mây và nhận thấy màu song mây rất giống màu của gốm. Sau khi so sánh màu sắc, chị nghĩ ngay đến lối đan quấn song cổ xưa. Đến đêm, chị lại tiếp tục ngồi vào bàn và thử nghệm và thấy cách nay rất ăn khớp với gốm sứ. Cuối cùng sau nhiều đêm miệt mài chị cũng thành công với chiếc bình gốm đầu tiên quấn mây.

“Đêm đầu tiên thức trắng ngồi mày mò cách để đan mây lên gốm sứ khiến tôi học được tính nhẫn nại và trau chuốt của nghề mây tre đan. Cả ngày tất bật chạy đi gom hàng, tối đến ngồi thực hiện ý tưởng của mình nên rất mệt. Thế nhưng, nhìn kết quả tạo ra sau những đêm thức trắng cũng thấy vui và thêm nghị lực để sáng tạo các mẫu sản phẩm tiếp theo”, chị Hân chia sẻ.

Mỗi chiếc bình gốm lại cần có các cách đan quấn song khác nhau nên việc chế tác càng thêm khó khăn. Cuối cùng như dân gian nói “trời cũng không phụ công người”, sau nhiều nổ lực, chị Hân đã hoàn thành ba bình gốm sứ được trang trí bằng mây với các cách quấn mây khác nhau. Đây cũng là lần đầu tiên các bình gốm sứ được trang trí bằng sợi mây ra đời.

Rất nhiều giấy chứng nhận và bằng khen mà hai vợ chồng anh Hạnh, chị Hân đạt được.
Rất nhiều giấy chứng nhận và bằng khen mà hai vợ chồng anh Hạnh, chị Hân đạt được.

Thành quả của tình yêu và sự đam mê...

Sau khi hoàn thành xong tác phẩm của mình chị Hân được các nghệ nhân trong làng đánh giá cao về tính sáng tạo. Để mọi người biết đến sản phẩm của mình hai vợ chồng quyết định mang sản phẩm đi dự thi. Để sản phẩm có thể có “chỗ đứng” ở hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ sản phẩm phải lọt qua vòng ảnh. Tin vui báo về khi sản phẩm gốm quấn mây đã lọt vào tốp hai trăm bức ảnh sản phẩm tiềm năng. Niềm hạnh phúc dâng trào trong anh chị khi tác phẩm gốm quấn mây đã có cơ hội được ra mắt trên thị trường hàng thủ công mỹ nghệ trong năm ấy.

Tại hội chợ làng nghề và thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ tổ chức năm 2005, sản phẩm gốm quấn mây của chị Hân được các chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam đánh giá cao về ý tưởng cũng như tính nghệ thuật. Trong cuộc thi này, sản phẩm gốm quấn mây đã đạt giải nhất do bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tổ chức. Điều đặc biệt hơn đây là bộ sản phẩm đầu tiên chị Hân mang đi dự thi và dành được giải thưởng cao nhất. Tại gian hàng trưng bày của cơ sở mình luôn được mọi người chú ý đến với sản phẩm độc và lạ mắt lần đầu tiên xuất hiện. Không chỉ có các cơ sở trong nước mà ngay cả các cơ sở hàng mỹ nghệ nước ngoài cũng chú ý đến sản phẩm gốm quấn mây của chị.

Ngay sau khi đoạt giải, sản phẩm gốm quấn mây được thị trường trong nước và nước ngoài chú ý. Trong lúc, cơ sở sản xuất mây tre đan của gia đình đang gặp khó khăn về đầu ra của sản phẩm thì sau tiếng vang tại hội chợ, gia đình nhận được đơn đặt hàng 4 container sản phẩm gốm quấn mây xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Để có đủ sản phẩm theo đơn đặt hàng, hai vợ chồng cùng với các thợ thủ công trong cơ sở đã làm cả ngày lẫn đêm để kịp giao hàng đúng thời gian.

Từ những thành công ban đầu, chị Hân tiếp tục tạo ra các sản gốm quấn mây với đủ các kiểu dáng để quảng bá thương hiệu ra nước ngoài. Năm 2007 chị tiếp tục mang các sản phẩm kết hợp giữa gốm và mây đi dự thi và giành giải nhì do Bộ NN&PTNT tổ chức. Không dừng lại ở đó, chị Hân đã tiếp tục sáng tạo thêm các mẫu sản phẩm khác đầy ấn tượng. Với những nỗ lực và cố gắng, năm 2011, chị nguyễn Thị Hân đã được nhà nước tặng danh hiệu nghệ nhân. Cho đến nay, các sản phẩm kết hợp giữa mây và gốm của chị đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới.

Phạm Công