Cư dân chung cư 229 phố Vọng kêu cứu - Bài 24:
Kỳ lạ cụm nhà chung cư 10 năm đưa vào sử dụng vẫn chưa có phòng sinh hoạt cộng đồng!
(Dân trí) - Theo thông tin do các cư dân cụm nhà chung cư 229 phố Vọng cung cấp thì khi đưa vào sử dụng từ năm 2008 cho đến nay, cụm nhà chung cư vẫn chưa có phòng sinh hoạt cộng đồng. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động sinh hoạt tập thể của các cư dân tại cụm nhà chung cư, khiến các cư dân vô cùng bức xúc.
Cũng theo thông tin các cư dân cụm nhà chung cư cung cấp thì trong thời gian tới đây, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành sửa chữa nhà cấp 4 phía ngoài cụm nhà chung cư để làm nhà sinh hoạt cộng đồng chung cho các cư dân cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng cùng với một số tổ dân phố khác. Tuy nhiên, chủ trương này không nhận được sự đồng ý từ phía các cư dân cụm nhà chung cư bởi lẽ việc sửa nhà cấp 4 thành nhà sinh hoạt cộng đồng chưa lấy ý kiến từ phía cư dân. Việc sửa chữa này cũng hoàn toàn không phù hợp với quy hoạch của dự án đã được phê duyệt.
Thêm vào đó, việc bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng phía ngoài cụm nhà chung cư để sử dụng chung cho các tổ dân phố và cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng cũng là không phù hợp với các quy định pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cư dân cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nhâm Mạnh Hà - Luật sư Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội nhận định: Việc chủ đầu tư không bố trí phòng sinh hoạt cộng đồng cho các cư dân cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cư dân cụm nhà chung cư bởi lẽ:
Căn cứ theo quy định tại khoản 10 Điều 80 Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 hướng dẫn Luật nhà ở năm 2014 thì:
“…10. Kể từ ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành, các nhà chung cư (bao gồm cả nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và sử dụng vào các mục đích khác) được xây dựng phải bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định.
Đối với nhà chung cư đã được xây dựng từ trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành mà có thiết kế diện tích làm nhà sinh hoạt cộng đồng thì chủ đầu tư phải bố trí diện tích để làm nhà sinh hoạt cộng đồng theo thiết kế đã được phê duyệt; trường hợp không có thiết kế diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng mà có diện tích nhà dành để kinh doanh thì chủ đầu tư và các chủ sở hữu nhà chung cư có thể thỏa thuận để các chủ sở hữu mua hoặc thuê lại một phần diện tích nhà này để làm nhà sinh hoạt cộng đồng”.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 26 Quyết định 01/2013/QĐ-UBND ngày 04/01/2013 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội thì:
“…4) Trường hợp chủ đầu tư tại thời điểm thiết kế và triển khai xây dựng dự án không bố trí nơi sinh hoạt cộng đồng cho cư dân thì yêu cầu chủ đầu tư dành một phần diện tích giữ lại thuộc phần sở hữu riêng để sử dụng làm phòng sinh hoạt cộng đồng với tiêu chuẩn tối thiểu 0,8m2 nhân với số căn hộ nhưng không nhỏ hơn 36m2 …”
Đối chiếu với các quy định nêu trên thấy rằng, pháp luật quy định chủ đầu tư có nghĩa vụ bố trí phòng sinh hoạt cộng đồng để phục vụ cho các hoạt động tập thể của cư dân trong nhà chung cư. Hơn nữa, phòng sinh hoạt cộng đồng phải được bố trí trong nhà chung cư cho các cư dân theo đúng thiết kế đã được phê duyệt hoặc thuộc phần sở hữu riêng của chủ đầu tư chứ không phải bố trí bên ngoài nhà chung cư.
Thế nhưng khi bàn giao cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng để đưa vào sử dụng từ năm 2008 cho đến nay, đã gần 10 năm chủ đầu tư vẫn chưa xây dựng và bàn giao phòng sinh hoạt cộng đồng cho cư dân là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp các cư dân cụm nhà chung cư.
Cũng cần phải lưu ý thêm rằng, nếu bố trí phòng sinh hoạt cộng đồng cho cư dân cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng tại nhà 1 tầng cấp 4 giáp cổng (theo nội dung Thông báo số 238/TB-VPTU của Văn phòng thành ủy ngày 7/8/2017) cũng là không phù hợp với các quy định pháp luật bởi như đã phân tích ở trên, phòng sinh hoạt cộng đồng phải được bố trí trong nhà chung cư cho các cư dân theo đúng thiết kế đã được phê duyệt hoặc thuộc phần sở hữu riêng của chủ đầu tư.
Luật sư Nhâm Mạnh Hà nhấn mạnh: Đối với các sai phạm trong công tác quản lý, vận hành cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng nói chung và sai phạm trong việc không bố trí phòng sinh hoạt cộng đồng cho các cư dân cụm nhà chung cư nói riêng, căn cứ theo quy định tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2018) thì chủ đầu tư cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng có thể bị xử phạt hành chính lên tới hơn 500 triệu đồng, với các sai phạm và mức phạt cụ thể được quy định tại Điều 66 Nghị định 139/2017/NĐ-CP như sau:
- Đối với hành vi sử dụng phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung vào sử dụng riêng, chủ đầu tư có thể bị xử phạt với mức từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (khoản 2 Điều 66).
- Đối với hành vi không bàn giao hoặc bàn giao không đúng thời hạn hồ sơ nhà chung cư cho Ban quản trị nhà chung cư theo quy định, chủ đầu tư có thể bị xử phạt với mức từ 80.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng (khoản 6 Điều 66).
- Đối với hành vi không bàn giao, bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ hoặc bàn giao không đúng đối tượng nhận kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo quy định, chủ đầu tư có thể bị xử phạt với mức phạt từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng (khoản 7 Điều 66).
Văn phòng Chính phủ chuyển công văn vụ cư dân 229 phố Vọng khẩn thiết kêu cứu.
- Đối với hành vi không bố trí diện tích để làm nhà sinh hoạt cộng đồng theo quy định và hành vi quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung không đúng quy định, chủ đầu tư có thể bị xử phạt với mức phạt đối với mỗi hành vi vi phạm từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 (khoản 8 Điều 66)….
Ngoài việc bị xử phạt tiền, chủ đầu tư sẽ buộc phải khắc phục các sai phạm của mình theo đúng quy định tại khoản 10 Điều 66 như sau:
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi sử dụng phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung vào sử dụng riêng.
- Buộc hoàn trả phần kinh phí bảo trì sử dụng không đúng quy định và bồi thường thiệt hại (nếu có).
- Buộc bàn giao ngay toàn bộ kinh phí bảo trì theo quy định cho Ban quản trị nhà chung cư đối với hành vi không bàn giao kinh phí bảo trì.
- Buộc bố trí diện tích để làm nhà sinh hoạt cộng đồng theo đúng quy định…
Liên quan đến việc không có phòng sinh hoạt cộng đồng trong cụm nhà chung cư, các cư dân cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng bức xúc cho biết: “Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa chính thức có phòng sinh hoạt cộng đồng tại cụm nhà chung cư. Mỗi khi có các hoạt động tập thể thì cư dân phải họp ở khuôn viên bên ngoài nhà chung cư làm ảnh hưởng đến hiệu quả của cuộc họp. Kể từ khi về đây sinh sống, cư dân tại cụm nhà chung cư rất mong muốn có nhà sinh hoạt cộng đồng để phục vụ cho cộng đồng cư dân theo quy định của pháp luật. Đây là nhu cầu cấp bách và mong muốn chính đáng của cư dân cần được đáp ứng. Việc chủ đầu tư không bố trí phòng sinh hoạt cộng đồng tại cụm nhà chung cư và bàn giao cho Ban quản trị là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cư dân cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải kiên quyết xử phạt nghiêm minh và buộc chủ đầu tư phải làm đúng pháp luật, không thể chây ỳ mãi thế được”.
Trước thực trạng này, Ban quản trị cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng cũng liên tục có các văn bản gửi đến UBND phường Đồng Tâm, UBND quận Hai Bà Trưng, Sở Xây dựng, UBND TP Hà Nội, Văn phòng Thành ủy Hà Nội phản ánh về sai phạm này của chủ đầu tư và đề nghị đảm bảo quyền lợi của các cư dân theo đúng quy định pháp luật.
Ngày 16/6/2017 UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 5583/VP-ĐT về việc xác định diện tích sở hữu riêng, sở hữu chung nhà chung cư và thực hiện đầu tư, quản lý, sử dụng nhà chung cư theo quy định pháp luật. UBND thành phố Hà Nội đã đồng ý với đề xuất của Sở Xây dựng trong việc giao cho UBND quận Hai Bà Trưng chủ trì phối hợp các bên liên quan xem xét đề nghị của Ban quản trị về việc xin bố trí phòng sinh hoạt cộng đồng cho cụm nhà chung cư. Tuy nhiên, đến nay phòng sinh hoạt cộng đồng tại cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng vẫn chưa được bố trí và bàn giao cho Ban quản trị theo đúng quy định pháp luật.
Có thể thấy, vụ việc tại cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng là một vụ việc khiến các cư dân cụm nhà chung cư và dư luận xã hội rất bức xúc trước thái độ vô trách nhiệm của chủ đầu tư đối với các sai phạm của mình trong công tác quản lý, vận hành cụm nhà chung cư kéo dài từ năm 2008 đến nay. Cho đến thời điểm hiện tại, đã gần 2 năm kể từ khi Ban quản trị cụm nhà chung cư được thành lập nhưng các hồ sơ pháp lý của cụm nhà chung cư vẫn chưa được bàn giao đầy đủ khiến cho Ban quản trị không thể hoàn thiện quá trình quản lý, vận hành cụm nhà chung cư. Phần sở hữu chung tại tầng một cụm nhà chung cư vẫn tiếp tục bị chiếm dụng trái pháp luật. Công tác phòng cháy, chữa cháy tại cụm nhà chung cư vẫn còn tồn tại nhiều sai phạm….
Vậy các cơ quan Nhà nước sẽ vào cuộc như thế nào để các vấn đề còn tồn đọng tại cụm nhà chung cư được khắc phục triệt để và cho đến khi nào các cư dân mới có phòng sinh hoạt cộng đồng theo đúng quy định pháp luật?
Trên thực tế, năm 2017 là một năm “bùng nổ” của các tranh chấp liên quan đến quá trình quản lý, vận hành nhà chung cư. Nếu như các cơ quan có thẩm quyền không quyết liệt xử lý các sai phạm của các chủ đầu tư trong quá trình xây dựng, quản lý, vận hành nhà chung cư nói chung và sai phạm của chủ đầu tư tại cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng nói riêng thì liệu rằng các tranh chấp nhà chung cư có thể “hạ nhiệt” trong năm 2018 này hay không?
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!
Anh Thế (thực hiện)