Bài 23:
Văn phòng Chính phủ chuyển công văn vụ cư dân 229 phố Vọng khẩn thiết kêu cứu
(Dân trí) - Liên quan đến hàng loạt bức xúc, phản ánh của hàng nghìn cư dân cụm chung cư 229 phố Vọng (Hai Bà Trưng - Hà Nội), Văn phòng Chính phủ đã chuyển công văn của các cư dân đến UBND TP Hà Nội để chỉ đạo xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ có Công văn số 125/PC-VPCP gửi UBND TP Hà Nội cho biết: Văn phòng Chính phủ nhận được Công văn số 01/2018/CV-BQT ngày 15/1/2018 của Ban quản trị cụm chung cư số 229 phố Vọng về giải quyết một số vấn đề tồn đọng tại cụm chung cư 229 phố Vọng.
Từ đó, Văn phòng chính phủ đã chuyển công văn trên đến UBND TP Hà Nội để giải quyết theo thẩm quyền và trả lời cho Ban quản trị cụm chung cư 229 phố Vọng biết.
Được biết, ngày 22/12/2017, Sở Xây dựng đã ban hành Công văn số 12357/SXD-QLN, theo đó khẳng định rõ diện tích nơi để xe tại tầng hầm cụm nhà chung cư thuộc phần sở hữu chung của tòa nhà và phải bàn giao cho Ban quản trị theo quy định. Đây là một “trái ngọt” đầu tiên của các cư dân cụm nhà chung cư sau hàng năm trời đấu tranh đòi quyền lợi không mệt mỏi, với hàng trăm đơn thư kêu cứu, kiến nghị phản ánh quyết liệt đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, tại Công văn số 12357/SXD-QLN ngày 22/12/2017, Sở xây dựng đã căn cứ vào khoản 2 Điều 7 Quyết định 123/2001/QĐ-UB ngày 06/12/2001 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành quy định những nguyên tắc về quản lý đầu tư và xây dựng các khu đô thị mới, cải tạo, sữa chữa nhà ở trên địa bàn TP Hà Nội, Điều 3 Quyết định 65/2004/QĐ-UB ngày 7/5/2004 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành quy định tổ chức dịch vụ quản lý, vận hành khai thác khu đô thị mới, nhà chung cư cao tầng trên địa bàn TP Hà Nội, khoản 3, khoản 5 Điều 7 Quyết định 76/2004/QĐ-UB ngày 19/5/2004 của UBND TP Hà Nội ban hành quy định quản lý thực hiện đầu tư các dự án cải tạo, xây dựng khu nhà ở và khu đô thị trên địa bàn TP Hà Nội và căn cứ vào việc diện tích tầng trệt cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp và phát triển nhà để kết luận rằng diện tích tầng trệt cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng thuộc sở hữu Nhà nước do UBND TP là đại diện chủ sở hữu.
Kết luận này của Sở xây dựng gặp phải sự phản đối gay gắt từ phía các cư dân cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng. Thay mặt các cư dân cụm nhà chung cư, ngày 15/01/2018, Ban quản trị cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng đã có Công văn số 01/2018/CV-BQT gửi Văn phòng Thành ủy Hà Nội đề nghị chỉ đạo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định rõ diện tích chung, riêng tại tầng trệt cũng như phần kinh phí bảo hành, bảo trì cho cụm nhà chung cư từ nguồn thu của việc kinh doanh diện tích tầng trệt của chủ đầu tư, từ đó bàn giao cho cư dân là chủ thực sự của tòa nhà chung cư quản lý, tổ chức diện tích tầng trệt.
Công văn của Ban quản trị cụm nhà nêu những vấn đề cụ thể:
Thứ nhất, liên quan đến quyền sở hữu diện tích tầng trệt cụm nhà chung cư, các cư dân khẳng định quyền sở hữu của mình đối với phần diện tích này dựa trên các cơ sở sau đây:
Nhà nước không đầu tư chi phí vào việc xây dựng tầng trệt tại sao lại được sở hữu, phải chăng vì tầng trệt gắn với đất là sở hữu toàn dân nên tầng trệt thuộc sở hữu nhà nước?
Cư dân đóng chi phí xây dựng tầng trệt và khai thác diện tích tầng trệt chủ yếu để lấy kinh phí bảo trì tòa nhà thì tại sao không phải của cư dân mà lại của nhà nước?
Người dân tại cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng không biết tới khi nào mới được sống trong cụm chung cư không còn tồn tại sai phạm của chủ đầu tư về phòng cháy, chữa cháy.
Luật nhà ở có hiệu lực sau khi chung cư 229 phố Vọng được xây dựng nhưng Luật nhà ở là sự kế thừa những quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước trước đó nếu nó vẫn phù hợp với thực tiễn.
Vì vậy, căn cứ vào Luật nhà ở 2014, Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ hướng dẫn Luật nhà ở 2014, căn cứ vào Điều 3 Thông tư 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 hướng dẫn Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư: “Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà chung cư là chủ sở hữu vốn… để thực hiện đầu tư xây dựng nhà chung cư; Chủ sở hữu nhà chung cư là chủ sở hữu căn hộ và chủ sở hữu diện tích khác không phải là căn hộ trong nhà chung cư”, có thể thấy:
Luật nhà ở đã chỉ rõ chủ đầu tư chỉ là người thực hiện đầu tư, khi đầu tư xong, cụm nhà chung cư thuộc quyền sở hữu của cư dân và việc quản lý phần diện tích chung thuộc về chủ sở hữu nhà chung cư, tại phần b mục 5 điều 7 của Thông tư 02/2016/TT-BXD ghi rõ: “Đối với phần sở hữu chung của khu văn phòng, dịch vụ, thương mại thì do đơn vị quản lý vận hành, nếu nhà chung cư không phải có đơn vị quản lý vận hành thì do chủ sở hữu khu chức năng này thực hiện quản lý”.
Như vậy, cư dân cho rằng phần diện tích tầng trệt là của cư dân do cư dân đầu tư xây dựng, nhằm mục đích khai thác để bảo trì nhà chung cư trước khi Luật nhà ở có hiệu lực, Nhà nước chỉ quản lý về mặt nhà nước đối với loại hình nhà chung cư mà thôi.
Thứ hai, liên quan đến việc xác định mục đích sử dụng tiền thu được từ việc khai thác tầng trệt, các cư dân nêu rõ:
Theo nội dung Điều 2, Điều 3 Quyết định 65/2004/QĐ-UB ngày 7/5/2004 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành quy định tổ chức dịch vụ quản lý, vận hành khai thác khu đô thị mới, nhà chung cư cao tầng trên địa bàn TP Hà Nội thì việc tổ chức quản lý, vận hành, khai thác các khu đô thị mới, nhà chung cư cao tầng thực hiện theo nguyên tắc lấy thu, bù chi và kinh phí đảm bảo cho các dịch vụ quản lý, vận hành, khai thác các khu đô thị mới, nhà chung cư cao tầng được cân đối từ nguồn sau đây:
Khoản tiền thu được từ khai thác các diện tích nhà, đất do thành phố quản lý giao cho các doanh nghiệp tổ chức thực hiện gồm: tầng trệt và tầng hầm (nếu có) nhà chung cư cao tầng; các diện tích đất phục vụ mục đích công cộng như xây dựng chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ, bải đỗ xe, vui chơi giải trí.
Sở xây dựng TP Hà Nội kết luận rằng diện tích tầng trệt cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng thuộc sở hữu Nhà nước do UBND TP là đại diện chủ sở hữu.
Khoản tiền do dân cư tại chung cư đóng.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Quyết định số 76/2004/QĐ-UB ngày 19/5/2004 liên quan đến việc đảm bảo nghĩa vụ của chủ đầu tư đối với thành phố thì chủ đầu tư phải bàn giao tầng trệt nhà cao tầng (không thu tiền) cho Sở Tài nguyên môi trường và nhà đất quản lý. Một tổ chức (doanh nghiệp) bảo đảm việc quản lý vận hành và khai thác nhà chung cư sẽ được giao khai thác để phục vụ cho khu dân cư (theo quy định riêng).
Do đó, số tiền thu được từ việc quản lý, khai thác, kinh doanh từ diện tích tầng trệt cụm nhà chung cư sẽ dùng cho việc quản lý, vận hành, bảo trì nhà chung cư.
Công văn của Ban quản trị cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng cũng phản ánh thực trạng quản lý, vận hành tại cụm nhà chung cư trong hơn 10 năm qua như sau:
Thực tiễn quản lý trong 10 năm qua tại khu chung cư 229 Phố Vọng do chủ đầu tư (Công ty xây lắp và Công ty Sao Mai) quản lý, khai thác cho thấy có nhiều vi phạm:
Không tổ chức đấu thầu quản lý vận hành nhà chung cư, đặc biệt là khu thương mại tại tầng trệt cụm nhà chung cư; Cho doanh nghiệp thứ 3 thuê lại trái với quy định của TP Hà Nội; Không công khai lợi nhuận thu được từ việc tổ chức cho thuê diện tích tầng trệt; Không thực hiện bảo trì cụm nhà chung cư; Diện tích sân dùng cho cư dân vui chơi, giải trí biến thành bãi để xe cho khách hàng đến chơi Game; Không có diện tích cho cư dân dùng làm sinh hoạt cộng đồng…
Trên cơ sở các ý kiến của mình, các cư dân cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng đã kiến nghị Văn phòng Thành ủy chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xác định rõ diện tích chung, riêng tại tầng trệt, giao cho chủ sở hữu (cư dân) là chủ thực sự của tòa nhà chung cư quản lý, tổ chức đấu thầu doanh nghiệp vận hành, quản lý nhà chung cư; Xác định phần kinh phí bảo hành, bảo trì cho 2 tòa nhà, từ việc tổ chức cho thuê kinh doanh tại tầng trệt, tâng hầm cụm nhà chung cư.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!
Anh Thế