Bài 24:

Kỳ án oan khuất của gia đình mẹ liệt sỹ: Mập mờ trong lời khai, Tòa đã vội tuyên án?

(Dân trí) - Vụ “kỳ án” liên quan đến việc cấp sổ đỏ đã xảy ra tại gia đình mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão đã trải qua hơn một thập kỷ với gần chục bản án xét xử. Các hồ sơ, tài liệu của vụ án đều chứng tỏ việc cấp sổ đỏ là trái pháp luật thậm chí có sự thừa nhận sai sót của chính đơn vị thẩm định hồ sơ cấp nhưng mỗi cấp xét xử lại đưa ra những bản án trái ngược nhau.

Bài 20: “Thi hành đến cùng một bản án sai phạm là vi phạm pháp luật”

Như Dân trí đã đưa tin, một vụ “kỳ án” liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đã xảy ra tại gia đình mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão (xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội).

Theo hồ sơ, tài liệu của vụ án thì việc tranh chấp giữa các bên xoay quanh thửa đất số 142 có diện tích 1.020m2 tại thôn 5, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì. Nguồn gốc thửa đất này là của vợ chồng cố Nguyễn Văn Sụn và cố Nguyễn Thị Nghĩa. Vợ chồng cố sinh được 03 người con là cụ Nguyễn Văn Kế (đã mất năm 1988, là chồng của mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão (đã mất năm 2010) - là nguyên đơn của vụ án); cụ Nguyễn Văn Sáu; cụ Nguyễn Văn Bốn (đã mất năm 1994 và là bố của ông Nguyễn Văn Chung, bà Nguyễn Thị Bình - bị đơn).

Cố Sụn và cố Nghĩa chết trước năm 1945, không để lại di chúc. Tài sản của các cố để lại gồm 4 gian nhà, bể nước trên diện tích 2.036m2 tại thôn 5, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Sau khi cố Sụn, cố Nghĩa chết, vợ chồng vụ Mão quản lý toàn bộ nhà đất nêu trên. Năm 1956, vợ chồng vụ Mão chia cho cụ Sáu 1.016m2 đất và ao, phần còn lại (1.020m2) là của vợ chồng cụ Mão.

Năm 1993, con trai của cụ Mão là ông Nguyễn Văn Tạo tự ý phân chia đất của gia đình thành hai thửa cho ông Tạo và ông Chung nên cụ Mão khởi kiện yêu cầu ông Tạo, ông Chung trả lại đất cho cụ.


Phòng TNMT huyện Thanh Trì khẳng định việc cấp sổ đỏ cho ông Nguyễn Văn Chung có sai sót và không đúng trình tự.

Phòng TNMT huyện Thanh Trì khẳng định việc cấp "sổ đỏ" cho ông Nguyễn Văn Chung có sai sót và không đúng trình tự.

Sau 8 phiên xét xử các cấp sơ cấp thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm kéo dài gần 10 năm, ngày 23/9/2008, TAND TP. Hà Nội ban hành bản án số 58/2008/DSPT với nội dung chấp nhận đơn yêu cầu đòi quyền sử dụng đất của cụ Mão với ông Tạo và ông Chung. Tại các phiên xét xử, HĐXX đều khẳng định 2 quyển sổ đỏ cấp cho ông Tạo và ông Chung là trái pháp luật, cần phải thu hồi.

Bản án đã có hiệu lực thi hành và tháng 1/2009, Cơ quan thi hành án đã tiến hành cắm mốc giới trả lại cho cụ Mão 850 m2 đất và tài sản trên đất, cắm mốc giới cho ông Chung sử dụng 170m2. Trong suốt quá trình thi hành án, Cơ quan thi hành án không nhận được ý kiến phản đối nào từ những người liên quan và cả đơn kháng nghị của TAND Tối cao. Tuy nhiên, sau khi cụ Mão qua đời (tháng 4/2010), thì TAND Tối cao lại kháng nghị và có Quyết định giám đốc thẩm hủy Bản án phúc thẩm số 58/2008/DSPT của TAND TP. Hà Nội.

Lại một vòng xét xử mới: Bản án phúc thẩm - kháng nghị giám đốc thẩm - Quyết định giám đốc thẩm. Ngày 20/04/2016, TAND cấp cao tại Hà Nội ban hành Quyết định Giám đốc thẩm số 13/2016/DS-GĐT không chấp nhận Kháng nghị số 52/2015/KN-DS ngày 28/05/2015 của Viện trưởng VKSNDTC; giữ nguyên Bản án dân sự phúc thẩm số 206/2013/DS-PT ngày 26/08/2013 của TAND thành phố Hà Nội về vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất”, công nhận quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Văn Tạo và Nguyễn Văn Chung đối với thửa đất số 142 và thửa đất số 209 tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

Theo nhận định của ông Nguyễn Ngọc Đạt - người đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị Nhung - là người thừa kế của cụ Mão thì Quyết định giám đốc thẩm do TAND cấp cao ban hành khiến cho hàng chục con người có quyền lợi liên quan rơi vào trạng thái hoang mang lo lắng, bởi trước lúc qua đời cụ Mão đã tiến hành phân chia thừa kế cho các con. Thêm vào đó, Quyết định Giám đốc thẩm trên cũng đi ngược lại kết quả xét xử của các vị thẩm phán trước đó, không căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu vào hồ sơ của vụ án mà lại căn cứ vào những lời trình bày thiếu tính chân thực của các đương sự tại Tòa.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) chỉ ra những mâu thuẫn, sai phạm trong việc giải quyết vụ án:

“Thứ nhất, trước thời điểm phát sinh tranh chấp (năm 2002) thì cụ Mão đủ điều kiện để được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất:

Căn cứ theo quy định tại Luật Đất đai năm 1993 sửa đổi, bổ sung năm 2001 và Nghị định số 04/2000/NĐ-CP thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất.

Theo hồ sơ vụ án thì sau khi cố Sụn, cố Nghĩa chết, vợ chồng vụ Mão quản lý toàn bộ nhà đất do hai cụ để lại trong đó có phần diện tích 1.020m2 đất bị cấp sổ đỏ trái quy định. Do đó, cụ Mão đủ điều kiện để được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất.


Mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão theo kiện đến khi đã qua đời nhiều năm chưa tìm được công lý.

Mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão theo kiện đến khi đã qua đời nhiều năm chưa tìm được công lý.

Thứ hai, việc cấp GCNQSDĐ cho ông Tạo và ông Chung năm 1993 là hoàn toàn trái quy định pháp luật, cụ thể:

Toàn bộ diện tích cấp sổ sai quy định là của cố Sụn và cố Nghĩa để lại thừa kế cho cụ Mão. Trong đơn xin chia tách đất năm 1993, ông Tạo tự viết là không đúng với người sử dụng đất. Đối với đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất của ông Chung thì phần cuối đơn không hề có chữ ký của ai. Hơn nữa, ông Chung bị bệnh tâm thần từ nhỏ do vậy đơn đăng ký mang tên ông Chung cũng là không đúng quy định và việc xác nhận vào đơn đăng ký của ông Chung đề ngày 20/12/1993 của xã Đông Mỹ là vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật.

Mặt khác, khi thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ, UBND xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì không đi đo đạc lập hồ sơ thửa đất.

Căn cứ theo Luật Đất đai 1987 và các văn bản hướng dẫn thì việc thực hiện chia tách quyền sử dụng đất phải có Đơn xin chia tách có chữ ký của người viết đơn; Biên bản chia tách có sự nhất trí và có chữ ký của tất cả các thành viên trong gia đình, phải có xác nhận của UBND xã về việc không có tranh chấp về quyền sử dụng đất trong biên bản; UBND xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì phải tiến hành đo đạc lập hồ sơ thửa đất… mới đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ. Thông tin trong hồ sơ vụ việc cho thấy hồ sơ xin chia tách và cấp GCNQSDĐ cho ông Chung và ông Tạo hoàn toàn không đảm bảo được các quy định này.

Ngày 12/08/2013, Phòng tài nguyên và môi trường huyện Thanh Trì đã có Báo cáo số 404/BC-TN&MT trong đó đã thừa nhận toàn bộ các sai sót trong quá trình cấp GCNQSDĐ cho ông Chung và ông Tạo. Tuy nhiên, tại Bản án dân sự phúc thẩm số 206/2013/DS-PT ngày 26/08/2013 của TAND thành phố Hà Nội và Quyết dịnh giám đốc thẩm số 13/2016/DS-GĐT vẫn công nhận tính hợp pháp của 02 GCNQSDĐ. Việc công nhận tính hợp pháp của 02 GCNQSDĐ đã được chính cơ quan ban hành ra nó thừa nhận là có sai phạm trong quá trình cấp đồng thời nhiều bản án trước đây tuyên hủy do cấp trái pháp luật là một điều hết sức phi lý và đi ngược lại với các quy định pháp luật.

Bài 20: “Thi hành đến cùng một bản án sai phạm là vi phạm pháp luật”

Thứ ba, Quyết định Giám đốc thẩm số 13/2016/DS-GĐT có ghi nhận năm 1968, ba anh em có bàn bạc về việc chia nhà đất của cố Sụn, cố Nghĩa. Cụ Sáu đông con, hoàn cảnh khó khăn nên được chia 1.016m2 , còn lại 1.020m2 cụ Bốn và cụ Kế chia đôi mỗi người một nửa (trang 7 Quyết định). Điều này là hoàn toàn không có cơ sở bởi:

Theo các hồ sơ tài liệu khác trong vụ án, ngoài cụ Gái, bà Bình còn đưa ra 04 người làm chứng nữa nhưng tại thời điểm năm 1968 này có hai người còn rất nhỏ, không thể hiểu và chứng kiến được việc bàn luận của người lớn về việc chia tách đất, và có hai người còn sinh ra sau cả thời điểm này như anh Nguyễn Văn Khải sinh năm 1968 hay chị Nguyễn Thị Mai sinh năm 1971. Như vậy, căn cứ vào đâu để cho rằng những người làm chứng này biết đến chuyện phân định nhà đất của ba anh em cụ Kế? Còn nếu như cho rằng anh Khải, chị Mai đã nghe các cụ già kể lại, thì “lời kể lại” này có được pháp luật thừa nhận là lời chứng xác đáng không và liệu rằng những người “được nghe lại” này có đủ tư cách để pháp luật công nhận là người làm chứng không đó là chưa kể tới người làm chứng đều là những người thân thích của bà Bình?

Đây rõ ràng là một vụ án dân sự đơn giản, các chứng cứ đều chứng tỏ việc cấp 02 sổ đỏ của UBND huyện Thanh trì trái pháp luật. Tuy nhiên, một lần nữa Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội vẫn công nhận 02 sổ đỏ này là đi ngược lại với các quy định pháp luật. Sai phạm này đã dẫn tới việc cơ quan thi hành án phải tiến hành việc thi hành án một lần nữa và không thể tránh khỏi những thiệt hại đáng tiếc cho các con của cụ Mão - những người đã và đang quản lý thửa đất suốt mấy chục năm nay”.

Mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão đã về nơi chín suối từ lâu nhưng di nguyện của mẹ lại một lần nữa vẫn chưa được thực hiện, các con của mẹ vẫn phải miệt mài đấu tranh cho quyền lợi của mình. Liệu công lý có đang bị “đánh võng”?

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế