Bài 23:

Kỳ án oan khuất của gia đình mẹ liệt sỹ: Tòa tuyên Bản án "trên trời", trách nhiệm thuộc về ai?

(Dân trí) - Trải qua hơn một thập kỷ với 06 phiên xét xử, 04 Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm, 04 Quyết định Giám đốc thẩm nhưng đến nay vụ kiện vẫn chưa đi đến hồi kết khiến cho các dồng thừa kế của mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão vô cùng hoang mang.


Như thông tin Báo Điện tử Dân trí đã đưa, vụ án hy hữu tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội bắt đầu từ năm 2002, khi cụ Triệu Thị Mão biết việc con trai út là ông Nguyễn Văn Tạo tự ý chia tách khu đất rộng 1.020m2 ra làm 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên mình, sổ còn lại tự ý viết tên anh họ Nguyễn Văn Chung. Trải qua hơn một thập kỷ với 06 phiên xét xử, 04 Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm, 04 Quyết định Giám đốc thẩm nhưng đến nay vụ kiện vẫn chưa đi đến hồi kết khiến cho các dồng thừa kế của cụ Mão vô cùng hoang mang. Rõ ràng, đây là một vụ án đơn giản với đầy đủ chứng cứ, tài liệu cho một yêu cầu huỷ "sổ đỏ" cấp trái pháp luật, nhưng khi ban hành ra bản án Tòa lại không căn cứ vào yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, vào hồ sơ vụ án, vào dữ liệu thực tế mà cho ra đời một "bản án giấy" không thể thi hành trên thực tế.

Theo các tài liệu trong hồ sơ vụ án cho thấy, thửa đất số 142 tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội thuộc quyền sử dụng của vợ chồng cụ Nguyễn Văn Kế và cụ Triệu Thị Mão, do được thừa kế hợp pháp từ bố mẹ là cố Nguyễn Văn Sụn và Nguyễn Thị Nghĩa. Sự việc tranh chấp bắt đầu từ năm 1993, khi ông Nguyễn Văn Tạo - con trai của cụ Kế và cụ Mão tự ý đi kê khai tách thửa đất 142 thành 02 thửa bằng nhau với diện tích 510m2. Ông Tạo đứng tên 510m2, phần diện tích 510mcòn lại tự viết tên em họ Nguyễn Văn Chung (bị tâm thần từ nhỏ) đứng tên vì nghe đồn ai làm "sổ đỏ" có nhiều đất sẽ bị thu hẹp hoặc đóng thuế cao hơn. Tất cả giấy tờ liên quan đến việc cấp "sổ đỏ" đều do ông Tạo tự kê khai và nộp lên xã Đông Mỹ, cụ Mão cùng với những người con khác của cụ (bà Nguyễn Thị Nhung và bà Lê Thị Vui) không hề hay biết. UBND xã Đông Mỹ cũng không cho người đi đo đạc, cắm mốc giới theo đúng quy định của Nhà nước mà lại cấp GCNQSDĐ đối với hai thửa đất nói trên.

Kỳ án oan khuất của gia đình mẹ liệt sỹ: Tòa tuyên Bản án trên trời, trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 2.

Phòng TNMT huyện Thanh Trì khẳng định việc cấp "sổ đỏ" cho ông Nguyễn Văn Chung có sai sót và không đúng trình tự.

Đầu năm 2002, bà Nguyễn Thị Bình - chị gái ruột đồng thời là người giám hộ của ông Nguyễn Văn Chung, bất ngờ mang "sổ đỏ" trở lại quê đòi chia đôi khuôn viên nhà cụ Triệu Thị Mão đang ở. Quá ngạc nhiên trước sự việc này, ngày 09/9/2002 cụ Triệu Thị Mão làm đơn khởi kiện tới TAND huyện Thanh Trì yêu cầu tuyên huỷ 02 cuốn "sổ đỏ" cấp trái pháp luật trên thửa đất số 142, tờ bản đồ số 03, diện tích 1.020m2 của cụ.

Từ năm 2003 tới nay, đã trải qua hơn 13 năm với rất nhiều Bản án sơ thẩm, phúc thẩm, Kháng nghị Giám đốc thẩm, Quyết định Giám đốc thẩm nhưng vụ án vẫn còn nhiều điểm chưa được làm sáng rõ khiến quá trình đi tìm công lý của gia đình cụ Mão thêm phần gian truân.

Ngày 26/8/2013, TAND TP Hà Nội ra Bản án dân sự phúc thẩm số 206/2013/DS-PT bác yêu cầu khởi kiện của cụ Triệu Thị Mão (nay là các đồng thừa kế của cụ) mà lại thừa nhận tính hợp pháp của 02 GCNQSDĐ cấp trái pháp luật do ông Tạo và ông Chung đứng tên. Không chỉ vậy, Bản án số 206/2013 còn có rất nhiều điểm đặc biệt khi vi phạm về cả nội dung lẫn trình tự tố tụng và có những sai số về diện tích thửa đất 142 khiến cho bản án này chỉ là "bản án giấy" không thể thi hành trên thực tế.

Theo trích lục sơ đồ thửa đất hiện được lưu trữ tại xã Đông Mỹ thì thửa đất 142 có diện tích là 1.020m2, ngoài ra trong lời khai của các đương sự tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm cũng như toàn bộ các bút lục, các bản án có trong hồ sơ vụ án đều công nhận thửa đất 142 có diện tích là 1.020m2 . Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà Bản án số 206/2013 lại tuyên và có sơ đồ đính kèm thể hiện thửa đất trên có diện tích là 1.022,7m2 , sai số lớn hơn so với số liệu thống nhất từ trước đến nay là 2,7m2, sự chênh lệch này đã khiến cho đông đảo những người quan tâm đến vụ án đều hết sức kinh ngạc.

Bức xúc trước bản án tuyên trái pháp luật, ngày 12/9/2013, bà Nguyễn Thị Nhung (con gái cụ Triệu Thị Mão) đã mời Công ty TNHH một thành viên địa chính Hà Nội đo đạc lại toàn bộ diện tích thửa đất 142 thì kết quả vô cùng bất ngờ khi diện tích chỉ còn là 983,7m2, thiếu 36,3m2. Như vậy, diện tích thửa đất trong bản án không đúng với số liệu đo đạc được trong thực tế, điều này cho thấy vào năm 1994, khi làm GCNQSDĐ, cơ quan địa chính UBND xã Đông Mỹ và UBND huyện Thanh Trì đã không tiến hành khảo sát, đo đạc thực tế mà chỉ xem xét qua loa và quyết định cấp GCNQSDĐ cho anh Tạo và anh Chung trên lý thuyết, giấy tờ mà thôi. Hơn 20 năm sau, thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân lại sáng tạo hơn khi đưa ra một số liệu hoàn toàn mới là 1.022,7m2 khiến cho bản án này trở lên vô nghĩa, không thể thi hành được trên thực tế.

Kỳ án oan khuất của gia đình mẹ liệt sỹ: Tòa tuyên Bản án trên trời, trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 3.

Phần đất mà thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân đã tuyên cho mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão được hưởng do "công sức duy trì, tôn tạo và phát triển tài sản" đối với chính phần tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của cụ Mão trong suốt hơn nửa thập kỷ qua không có lối đi.

Cũng tại Bản án số 206/2013, thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân tuyên "Anh Tạo, chị Nhung đại diện cho các thừa kế của bà Mão và chị Bình đại diện cho anh Chung tự mở lối đi trên phần đất của mình". Sau khi nhận được bản án này, những người đồng thừa kế của cụ Mão không hiểu sẽ phải mở lối đi như thế nào nếu căn cứ vào thực tế diện tích đất đã được Tòa "chia". Bởi theo sơ đồ phân chia nhà đất đang tranh chấp do thẩm phán Tân đã ký kèm theo Bản án số 206/2013 thì những người thừa kế của bà Mão chỉ còn cách mở lối đi trên không mà thôi, khi mà ba bề bốn bên đều bị bịt kín bởi: kênh thoát nước, nhà hàng xóm và "phần đất" anh Nguyễn Văn Chung được Tòa "chia". Theo bà Nhung – người thừa kế của cụ Mão thì: " Bản án số 206/2013 đang đẩy gia đình tôi vào ngõ cụt, rõ ràng chúng tôi không thể mở lối đi qua nhà hàng xóm được vì nhà họ đã xây bịt kín rồi, chẳng nhẽ lại bảo họ đục tường, phá một phần nhà ra để lấy lối qua lại cho chúng tôi; cũng không thể nào làm cầu qua kênh thoát nước được bởi vì việc làm cầu là của cơ quan Nhà nước, chúng tôi đâu có phận sự; còn việc thương lượng "xin đi qua phần đất nhà ông Chung để ra ngoài đường, sau khi hai bên đã kiện tụng nhau hơn một thập kỷ liệu rằng có khả thi? Chúng tôi không hiểu vị thẩm phán này có thực sự công tâm không khi cố tình đi ngược lại những bản án trước, cố tình đẩy chúng tôi lún sâu vào vòng tròn kiện tụng luẩn quẩn".

Hơn một thập kỷ vướng vào vòng kiện tụng tốn thời gian, tiền bạc, công sức nhưng quyền và lợi ích của gia đình mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão vẫn không được đảm bảo khiến mẹ ra đi trong oan khuất còn những thành viên trong gia đình thì thêm phần mệt mỏi, bức xúc.

Bài 20: “Thi hành đến cùng một bản án sai phạm là vi phạm pháp luật”

Theo quy định tại Điều 382 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 (nay là Điều 486 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015) về giải thích bản án, quyết định của Toà án thì:

"1. Người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án và cơ quan thi hành án có quyền yêu cầu bằng văn bản Tòa án đã ra bản án, quyết định, giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định để thi hành.

2. Thẩm phán đã ra quyết định hoặc Thẩm phán là chủ tọa phiên tòa có trách nhiệm giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp họ không còn là Thẩm phán của Tòa án thì Chánh án Tòa án đó có trách nhiệm giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của Tòa án" 

Theo đó các đồng thừa kế của cụ Mão có quyền đề nghị TAND TP. Hà Nội ra văn bản giải thích rõ nội dung Bản án số 206/2013. Do vậy ngày 08/7/2016, bà Nhung đã gửi Đơn đề nghị TAND TP. Hà Nội có văn bản giải thích về sự khác biệt của diện tích thửa đất số 142 và thửa đất số 209 tại thôn 5, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội trong Bản án số 206/2013. Thế nhưng cho đến nay, đã hơn 01 tháng trôi qua bà Nhung vẫn không nhận được bất cứ văn bản trả lời nào của Tòa án. Vì vậy, ngày 08/8/2016 bà Nhung lại tiếp tục làm Đơn đề nghị giải thích bản án lần 02 gửi lên TAND TP. Hà Nội nhưng đến nay chưa nhận được câu trả lời của cơ quan này.

Kỳ án oan khuất của gia đình mẹ liệt sỹ: Tòa tuyên Bản án trên trời, trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 5.

Mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão theo kiện đến khi đã qua đời nhiều năm chưa tìm được công lý.

Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội cho rằng: "Có thể thấy, đây là một vụ án hết sức đơn giản, chứng cứ đầy đủ rõ ràng nhưng sau hơn  một thập kỷ xét xử, Hội đồng xét xử phúc thẩm của TAND TP Hà Nội do thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân làm chủ toạ đã tuyên một "bản án giấy" với rất nhiều sai phạm khiến cho bản án không thể được thực thi trên thực tế. Đâu là diện tích thực tế mỗi bên đương sự sẽ nhận được khi diện tích trên bản án và diện tích trên thực tế chênh lệch nhau rất lớn? Một bản án tuyên các đương sự "tự mở lối đi" nhưng lại vẽ ra một sơ đồ bịt kín ba bề bốn bên khiến người được Toà "chia đất" cho cũng không thể hình dung được mình sẽ mở lối đi như thế nào. Ngoài ra còn rất nhiều điểm bất thường tro ng bản án số 206/2013 như: Yêu cầu của nguyên đơn - cụ Mão là Huỷ "sổ đỏ" cấp trái pháp luật, nay "bỗng dưng" trở thành yêu cầu chia thừa kế dù cụ chưa bao giờ thay đổi yêu cầu khởi kiện của mình; Hai cuốn "sổ đỏ" đã bị chính những cơ quan ban hành ra nó là UBND xã Đông Mỹ và UBND huyện Thanh Trì có kết luận sai phạm nhưng lại được HĐXX phúc thẩm tuyên hợp pháp…".

Bà Nhung bức xúc phản ánh: "Trách nhiệm của ngành Tòa án đặt ở đâu khi để diễn ra một phiên toàn cần rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức của các đương sự để rồi ban hành cho họ một Bản án không thể thi hành. Và ai sẽ là người bồi thường cho những tổn thất tinh thầncũng như vật chất  các đương sự trong suốt hơn một thập kỷ qua, ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho uy tín của Đảng và Nhà nước khi những người thay mặt Đảng và Nhà nước thực thi nhiệm vụ, công lý lại cho ra đời những bản án vô lý như vậy. Cơ quan tư pháp còn làm sai thì những người dân biết "gõ cửa" ở đâu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Thử hỏi sự minh bạch, công khai của pháp luật đang nằm ở đâu?"

Đây có thể coi là các "hạt sạn" của bản án 206/2013 không? Và việc nhặt sạn đó tất nhiên thuộc về trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền là Viện kiểm sát và Toà án cấp trên. Tuy nhiên việc thực thi trách nhiệm này của các cơ quan có thẩm quyền lại đã đang đặt những người trong cuộc một lần nữa lâm vào ngõ cụt.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế