Kỳ án 194 phố Huế:
Kỳ án 194 phố Huế: Phiên toà xét xử Trịnh Ngọc Chung được hoãn bao nhiêu lần?
(Dân trí) - Phiên toà xét xử bị cáo Trịnh Ngọc Chung phạm tội “Ra quyết định trái pháp luật” trong kỳ án 194 phố Huế vừa được TAND Tối cao tạm hoãn lần thứ 3. Luật sư Trương Quốc Hoè cho biết nếu vận dụng hết các lí do để hoãn toà, HĐXX có thể hoãn xét xử đến 17 lần. Tuy nhiên, cũng có thể phải dẫn giải người làm chứng đến toà.
Liên quan đến vụ án “Ra quyết định trái pháp luật” của bị cáo Trịnh Ngọc Chung vừa được TAND Tối cao hoãn xử lần thứ 3, PV Dân trí đã có trao đổi với luật sư Trương Quốc Hoè - Trưởng VP luật sư Interla dưới góc độ pháp lý.
Thưa luật sư Trương Quốc Hoè, xin luật sư cho biết các trường hợp hoãn phiên tòa hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật?
Luật sư Trương Quốc Hoè: Theo quy định tại Điều 245 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, các trường hợp hoãn phiên tòa hình sự phúc thẩm bao gồm:
“Điều 245. Những người tham gia phiên tòa phúc thẩm
1. Tại phiên tòa phúc thẩm, sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp là bắt buộc, nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa.
2. Người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị được triệu tập tham gia phiên tòa. Nếu có người vắng mặt mà có lý do chính đáng thì Hội đồng xét xử có thể vẫn tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho bị cáo hoặc đương sự vắng mặt. Trong các trường hợp khác thì phải hoãn phiên tòa.
Thời hạn hoãn phiên tòa theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này hoặc tại các điều 45, 46, và 47 của Bộ luật này không được quá ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.
3. Sự tham gia phiên tòa của những người khác do Tòa án cấp phúc thẩm quyết định, nếu xét thấy sự có mặt của họ là cần thiết.”
Như vậy, tại phiên tòa phúc thẩm, những trường hợp được hoãn phiên tòa gồm:
1. Thay đổi Kiểm sát viên theo quy định tại Điều 45 Bộ luật Tố tụng Hình sự: “Trong trường hợp phải thay đổi Kiểm sát viên tại phiên toà thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên toà.”
2. Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên tòa theo quy định tại Điều 46 - BLTTHS: “Trong trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên toà, thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên toà.”
3. Thay đổi Thư ký Tòa án tại phiên tòa theo quy định tại Điều 47 – BLTTHS: “Trong trường hợp phải thay đổi Thư ký Toà án tại phiên toà, thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên toà”
4. Bị cáo vắng mặt tại phiên tòa với lý do chính đáng theo quy định tại Khoản 1 Điều 187 - BLTTHS: “Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án; nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì bị áp giải theo thủ tục quy định tại Điều 130 của Bộ luật này; nếu bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa”
5. Những trường hợp khác mà Điều 245 - BLTTHS quy định như: “Người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị được triệu tập tham gia phiên tòa”, trong một số trường hợp xét thấy việc có mặt của họ tại phiên toà là cần thiết thì nếu họ vắng mặt có lý do chính đáng, HĐXX cũng sẽ ra Quyết định hoãn phiên toà.
Tại phiên xử vụ 194 phố Huế, VKSND TP Hà Nội đề nghị mức án 5 - 6 năm tù giam đối với bị cáo Trịnh Ngọc Chung, nhưng HĐXX chỉ tuyên phạt bị cáo này 30 tháng tù treo. Theo bạn mức án nào là hợp lý? Mức án tù giam VKSND TP Hà Nội đề nghị Mức án treo HĐXX đã tuyên
PV: Vậy thưa luật sư, phiên toà hình sự phúc thẩm xét xử bị cáo Trịnh Ngọc Chung phạm tội “Ra quyết định trái pháp luật” đã được HĐXX hoãn đến ba lần, vậy phiên toà này sẽ được hoãn tối đa đến bao nhiêu lần theo quy định của pháp luật?
Luật sư Trương Quốc Hoè: Theo quy định pháp luật, đối với các trường hợp sau thì bắt buộc HĐXX sẽ phải ra Quyết định hoãn phiên toà:
- Thay đổi Kiểm sát viên;
- Kiếm sát viên vắng mặt mà không có kiểm sát viên dự khuyết;
- Thay đổi Thẩm phán (ba người);
- Thay đổi thư ký;
- Bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng;
Như vậy, sẽ có bảy lần HĐXX ra quyết định hoãn phiên toà, đối với những trường hợp pháp luật quy định bắt buộc phải hoãn phiên toà nêu trên.
Ngoài ra, một số trường hợp sau HĐXX cũng có thể ra Quyết dịnh hoãn phiên toà, nếu xét thấy cần thiết phải có mặt những người này tại phiên toà để đảm bảo sự vô tư, khách quan cũng như bảo vệ tốt nhất quyền lợi ích hợp pháp của các bên liên quan trong quá trình xét xử:
- Người bào chữa cho bị cáo Trịnh Ngọc Chung có đơn xin hoãn phiên toà với lý do chính đáng;
- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là: Gia đình 194 Phố Huế, bao gồm anh Hoàng Ngọc Minh, anh Hoàng Đình Mạnh, chị Hoàng Thị Thu Hằng, bà Nguyễn Thị Thu Hồng, cháu Hoàng Hồng Mẫn Nhi, cháu Hoàng Đình Sang (bà Hồng là người đại diện cho 2 con là Hoàng Hồng Mẫn Nhi và Hoàng Đình Sang); Đại diện Chi Cục THADS quận Hai Bà Trưng; Đại diện Cục THDS TP Hà Nội; Đại diện Công ty bán đấu giá; Đại diện Ngân hàng chi nhánh Nam Thăng Long; Đại diện công ty Bắc Sơn… vắng mặt do chưa nhận được thông báo triệu tập/mời dự phiên toà hoặc có đơn xin hoãn phiên toà (có lý do chính đáng) mà HĐXX thấy sự có mặt của họ tại phiên toà là cần thiết.
Theo quy định tại Điều 245 BLTTHS và các điều luật liên quan thì rất có thể phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử bị cáo Trịnh Ngọc Chung phạm tội “Ra quyết định trái pháp luật” sẽ được hoãn tối đa tới… 17 lần.
PV: Tại phiên toà xét xử phúc thẩm bị cáo Trịnh Ngọc Chung lần thứ 2 và lần thứ 3, HĐXX phải quyết định hoãn phiên toà do thiếu một số nhân chứng quan trọng của vụ án. Vậy pháp luật có chế tài nào với các nhân chứng này trong trường hợp cố tình không có mặt dự toà hay không?
Luật sư Trương Quốc Hoè: Pháp luật đã có chế tài đầy đủ trong trường hợp này. Nhân chứng cố tình không tham dự phiên toà có thể sẽ bị dẫn giải đến toà. Điều 55 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:
4. Người làm chứng có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; trong trường hợp cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;
b) Khai trung thực tất cả những tình tiết mà mình biết về vụ án.
Người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 của Bộ luật hình sự; khai báo gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 307 của Bộ luật hình sự.
Theo đó, bị cáo Trịnh Ngọc Chung bị TAND Tối cao đưa ra xét xử do phạm tội “Ra quyết định trái pháp luật”. Tại phiên tòa sơ thẩm, dù bị cáo Chung bị đề nghị mức án 5 - 6 năm tù giam nhưng TAND TP Hà Nội tuyên bản án 30 tháng tù treo khiến dư luận bức xúc cho rằng đây là mức án quá nhẹ so với hành vi phạm tội mà bị cáo gây ra.
Kỳ án 194 phố Huế với việc bị cáo Trịnh Ngọc Chung - Nguyên Chi cục trưởng chi cục thi hành án quận Hai Bà Trưng phạm tội "Ra quyết định trái pháp luật" đã khiến dư luận bức xúc trong suốt một thời gian dài. Liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án trái pháp luật với ngôi nhà 194 phố Huế, Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ra Quyết định khởi tố bị can Trịnh Ngọc Chung về tội: “Ra quyết định trái pháp luật” quy định tại Điều 296 Bộ luật hình sự.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, dù bị cáo Chung kiên quyết chối tội và các luật sư của bị cáo gồm: Luật sư Ngô Ngọc Thủy, luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, luật sư Bùi Quang Hưng đưa ra quan điểm bào chữa cho bị cáo nhưng đại diện Viện kiểm sát khẳng định đủ căn cứ truy tố xử lý bị cáo Trịnh Ngọc Chung ra trước vành móng ngựa để xét xử theo đúng qui định pháp luật với những dấu hiệu phạm tội đã được làm rõ.
Đại diện VKSND TP Hà Nội nhận định bị cáo Chung đã cố ý phạm tội đến cùng nên cần phải cách ly để giáo dục bởi tính chất vụ án là nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ảnh hưởng cho xã hội. Theo đó, căn cứ khoản 3, Điều 296 của Bộ Luật hình sự, đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trịnh Ngọc Chung mức án từ 5-6 năm tù. Đồng thời bị cáo Chung phải bồi thường số tiền hơn 6,6 tỷ đồng cho phía bị hại là gia đình 194 phố Huế.
Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, thẩm phán Ngô Tiến Phong đã thay mặt cho HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trịnh Ngọc Chung mức án 30 tháng tù treo, mức án thấp hơn rất nhiều so với đề nghị của đại diện Viện kiểm sát. Sau phiên tòa sơ thẩm, sự bức xúc và phẫn nộ của dư luận cũng như sự bất bình của công luận với mức án được cho là quá "bèo" với Trịnh Ngọc Chung còn nóng bỏng trong một thời gian dài.
Cùng với nhiều cơ quan thông tấn báo chí thông tin sự việc, Báo Nhân dân đã có bài viết khẳng định "Một bản án thiếu sức thuyết phục" cho rằng "lý do làm cho dư luận bất bình là vì, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Trịnh Ngọc Chung mức án quá nhẹ so với hành vi phạm tội mà bị cáo này đã gây ra đối với hoạt động tư pháp và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân".
Anh Thế (thực hiện)