Kỳ án 194 phố Huế: “Bản án chưa thoả đáng còn quyền đề nghị giám đốc thẩm”

(Dân trí) - Liên quan đến bản án 30 tháng tù treo với bị cáo Trịnh Ngọc Chung khiến dư luận bức xúc, TS.Từ Văn Nhũ - Nguyên Phó chánh án TAND Tối cao cho rằng nếu bản án chưa thoả đáng, quyền đề nghị Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét giám đốc thẩm vẫn còn nguyên. Trong khi đó, đại diện VKSND Tối cao đã chỉ ra vi phạm trong bản án sơ thẩm.

“Vụ án 194 phố Huế phải được giải quyết nhanh, dứt điểm, thoả đáng và minh bạch”

Bản án 30 tháng tù treo với bị cáo Trịnh Ngọc Chung trong kỳ án 194 phố Huế thực sự đã tạo ra “cơn địa chấn” bức xúc và phẫn nộ của dư luận trước tính nghiêm minh của pháp luật. Để rộng đường dư luận, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ - Luật sư Từ Văn Nhũ - Nguyên Phó chánh án TAND Tối cao về sự việc.


Tiến sĩ - Luật sư Từ Văn Nhũ - Nguyên Phó chánh án TAND Tối cao (bìa trái) trao đổi với PV Dân trí về vụ án 194 phố Huế.

Tiến sĩ - Luật sư Từ Văn Nhũ - Nguyên Phó chánh án TAND Tối cao (bìa trái) trao đổi với PV Dân trí về vụ án 194 phố Huế.

TS Từ Văn Nhũ khẳng định: “Vụ 194 phố Huế là vụ án kéo dài, dư luận xã hội quan tâm rất nhiều liên quan đến cán bộ thi hành án. Việc thi hành án phải đúng pháp luật, không được bừa bãi. Nhưng phải khẳng định rằng Quyết định thi hành án nhà 194 phố Huế do Trịnh Ngọc Chung ký là một quyết định không đúng luật, thậm chí cố tình thi hành trái pháp luật. Vì vậy cần phải xử lý một cách nghiêm minh trước pháp luật”.

Theo TS. Nhũ, một số cá nhân có nhiệm vụ thực thi pháp luật nhưng lại có hành vi vi phạm pháp luật, cấu thành tội phạm thì phải coi đây là những trường hợp đặc biệt. Và những trường hợp phạm tội đặc biệt này phải cần những cơ quan điều tra đặc biệt là Cục điều tra tội phạm của VKSND Tối cao. Đây chính là một quan điểm quyết liệt đấu tranh với tội phạm của Đảng và Nhà nước khi xây dựng pháp luật. Như vậy, phải coi trường hợp phạm tội của Trịnh Ngọc Chung là một trường hợp đặc biệt.

“Những vụ án nghiêm trọng và phức tạp như vụ 194 phố Huế phải được giải quyết càng nhanh, càng dứt điểm càng tốt nhưng phải thoả đáng, minh bạch, nghiêm minh thì người dân mới đồng tình. Không minh bạch, không nghiêm minh, người dân sẽ phản ứng. Thế nào là minh bạch? Có nghĩa là để tất cả mọi người đều biết, công khai và đúng quy định pháp luật. Đó là những gì người dân yêu cầu. Và không chỉ người dân mà đó còn là những điều Đảng, Nhà nước cũng yêu cầu”, TS.Nhũ khẳng định.


Mức án 30 tháng tù treo với Trịnh Ngọc Chung khiến dư luận phẫn nộ.

Mức án 30 tháng tù treo với Trịnh Ngọc Chung khiến dư luận phẫn nộ.


TS Từ Văn Nhũ khẳng định: “Trong vụ án 194 phố Huế, bản án chưa thoả đáng còn nguyên quyền đề nghị giám đốc thẩm”.

TS Từ Văn Nhũ khẳng định: “Trong vụ án 194 phố Huế, bản án chưa thoả đáng còn nguyên quyền đề nghị giám đốc thẩm”.

PV Dân trí: “Trường hợp phạm tội của bị cáo Trịnh Ngọc Chung là đặc biệt nghiêm trọng đã bị VKSND TP Hà Nội đề nghị mức án 5-6 năm tù giam, nhưng bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội và bản án phúc thẩm của TAND Tối cao chỉ tuyên bị cáo mức án 30 tháng tù treo, quan điểm của TS.Từ Văn Nhũ - Nguyên phó chánh án TAND Tối cao như thế nào?

TS Từ Văn Nhũ: Vụ án này đã kéo dài rồi, qua xét xử sơ thẩm và qua phiên toà phúc thẩm của Toà án cấp cao. Tuy nhiên, bất kỳ một cá nhân nào từ người dân bình thường đến những người liên quan trong vụ án, cũng như bất kỳ một tổ chức xã hội, tổ chức chính trị nào cũng có quyền đề nghị cấp có thẩm quyền, cụ thể là Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét tiến hành theo thủ tục giám đốc thẩm nếu như thấy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm xét xử chưa thoả đáng. Bản thân tôi cũng được nghe nhiều nhà báo, phóng viên và dư luận bức xúc.

Theo tôi, chúng ta hãy thực hiện quyền theo đúng quy định pháp luật là đề nghị Chánh án TAND Tối cao và VKSND Tối cao xem xét vụ án này theo trình tự giám đốc thẩm. Chánh án hoặc Viện trưởng VKSND Tối cao giải quyết như thế nào, xử lý như thế nào thuộc về thẩm quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của họ. Đồng thời, hai ông này phải có trách nhiệm thông tin lại, trả lời những người có yêu cầu. Trong đề nghị, chúng ta cũng có thể nêu lên một số lý do ví dụ như một số người liên quan chưa được các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tiến hành tố tụng đưa vào tham gia tố tụng, hoặc những tình tiết nào trong vụ án được xác định là rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nhưng việc áp dụng chưa chuẩn, chưa chính xác…coi như đây là căn cứ để kháng nghị.

Người dân cũng có quyền đề nghị đại biểu quốc hội chất vấn lãnh đạo các cơ quan pháp luật từ Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao về những nội dung chưa đồng tình với kết quả vụ án.

VKND Tối cao phát hiện bản án sơ thẩm và nghị án khác nhau về định khung hình phạt

Tại phiên toà sơ thẩm, trước tính chất nghiêm trọng trong hành vi phạm tội của Trịnh Ngọc Chung, đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trịnh Ngọc Chung mức án từ 5-6 năm tù.

Kiểm sát viên cao cấp Lê Tư Quỳnh - Viện phó VKSND Tối cao khẳng định bị cáo Trịnh Ngọc Chung là tội phạm "Ra quyết định trái pháp luật".

Mặc dù tại phiên tòa bị cáo Trịnh Ngọc Chung chưa một lần nhận tội, thậm chí còn lớn tiếng tranh cãi với công tố viên về việc mình vô tội, nhưng sau đó thẩm phán Ngô Tiến Phong thay mặt HĐXX đã đọc bản án tuyên: Áp dụng điểm p, điểm s Khoản 1 Điều 46, Điều 60 Bộ luật Hình sự để làm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Trong khi đó điểm p Khoản 1 Điều 46 quy định: “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; điểm s Khoản 1 Điều 46: “Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác. Do vậy, mặc dù bị cáo Trịnh Ngọc Chung chỉ bị tuyên phạt 30 tháng tù, cho hưởng án treo.

Tuy nhiên, tại phiên toà xét xử phúc thẩm, trong vai trò kiểm sát toàn bộ quá trình giải quyết vụ án, kiểm sát viên cáo cấp Lê Tư Quỳnh - Viện phó VKSND Tối cao đại diện VKSND Tối cao đã thông tin công khai về vi phạm trong bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội.


Đại diện VKSND Tối cao công bố thông tin phát hiện bản án sơ thẩm và nghị án khác nhau về định khung hình phạ tại phiên toà xét xử phúc thẩm bị cáo Trịnh Ngọc Chung.

Đại diện VKSND Tối cao công bố thông tin phát hiện bản án sơ thẩm và nghị án khác nhau về định khung hình phạ tại phiên toà xét xử phúc thẩm bị cáo Trịnh Ngọc Chung.

Theo kết luận của vị đại diện VKSND Tối cao, bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội với bị cáo Trịnh Ngọc Chung có khác nhau với biên bản nghị án. Điều này được VKSND Tối cao đánh giá là vi phạm.

Xác nhận với PV Dân trí, kiểm sát viên cao cấp Lê Tư Quỳnh cho biết: “Kiểm sát hồ sơ vụ án, tại Biên bản nghị án (BL.1174) thấy: Khi thảo luận và biểu quyết thiệt hại là 103 triệu đồng nhưng bản án sơ thẩm lại xác định hành vi của bị cáo gây dư luận xấu trên địa bàn thủ đô trong một thời gian dài nên HĐXX xét xử bị cáo theo khoản 2 điều 296 BLHS. Như vậy, về tình tiết định khung hình phạt Gây hậu quả nghiêm trọng giữa bản án và nghị án có khác nhau”.

Ông Quỳnh cũng khẳng định như vậy là vi phạm và VKSND Tối cao sẽ có kiến nghị với Toà cấp sơ thẩm về vấn đề này.

Luật sư Trương Quốc Hoè  - Trưởng Văn phòng luật sư Interla nhận định đây là vi phạm tố tụng của HĐXX cấp sơ thẩm.

“Số tiền thiệt hại cụ thể 103 triệu đồng mà bị cáo Trịnh Ngọc Chung gây ra là một chi tiết quan trọng trong vụ án vì nó vừa là căn cứ để áp khung hình phạt với bị cáo lại vừa là căn cứ để xác định nghĩa vụ bồi thường với bị cáo. Vì vậy, việc “lờ” đi chi tiết này đúng như nhận định của VKSND Tối cao là HĐXX cấp sơ thẩm đã có vi phạm”, luật sư Hoè  phân tích.

TS Từ Văn Nhũ cho rằng: “Biên bản nghị án ghi nội dung và những ý kiến cơ bản, câu chữ đầy đủ phải ở trong bản án. Có thể một nội dung trong biên bản nghị án nhưng khi ra bản án có thể phát triển thành một đoạn. Nguyên tắc là bản án bao giờ cũng phải trung thành với biên bản nghị án. Bản án phải phát triển từ biên bản nghị án nhưng không thể thoát ly khỏi các nội dung của biên bản nghị án”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế