Kỳ án 194 Phố Huế: TAND Tối cao tuyên bị cáo Trịnh Ngọc Chung 30 tháng tù treo

(Dân trí) - Sau gần 80 bài báo điều tra quyết liệt của báo Dân trí, sáng nay 18/9, HĐXX TAND Tối cao đã chính thức tuyên phạt bị cáo Trịnh Ngọc Chung mức án 30 tháng tù treo với tội danh “Ra quyết định trái pháp luật”.

8h55: Thẩm phán Đinh Quang Sơn - Chủ toạ phiên toà thay mặt HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Trịnh Ngọc Chung mức án 30 tháng tù treo, thời gian thử thách 60 tháng, giao bị cáo Chung về cho địa phương giáo dục.

TAND Tối cao tuyên bị cáo Trịnh Ngọc Chung 30 tháng tù treo

Theo bản án của TAND Tối cao, bị cáo Trịnh Ngọc Chung bị tuyên án do phạm tội "Ra quyết định trái pháp luật" theo điều 296 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, HĐXX TAND Tối cao sửa một phần bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội từ khoản 2 điều 296 thành khoản 1 Điều 296.

Cũng tại phiên toà, HĐXX TAND Tối cao đã bác các nội dung kháng cáo của gia đình 194 phố Huế.

Trong phiên toà sơ thẩm xét xử bị cáo Trịnh Ngọc Chung của TAND TP Hà Nội, sau khi HĐXX tuyên mức án 30 tháng tù treo, dư luận bày tỏ sự bức xúc và bất bình gay gắt. Báo Nhân Dân đăng tải bài viết "Một bản án thiếu sức thuyết phục" bày tỏ quan điểm:

"Trong các ngày gần đây, dư luận nhân dân ở Thủ đô Hà Nội hết sức bức xúc về kết quả phiên tòa sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP Hà Nội khi Hội đồng xét xử tuyên phạt Trịnh Ngọc Chung, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, Hà Nội về tội: "Ra quyết định trái pháp luật" với mức án 30 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.

Lý do làm cho dư luận bất bình là vì, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Trịnh Ngọc Chung mức án quá nhẹ so với hành vi phạm tội mà bị cáo này đã gây ra đối với hoạt động tư pháp và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân...

Những ai quan tâm đến vụ án này tưởng rằng Tòa án nhân dân TP Hà Nội sẽ sớm đưa vụ án ra xét xử để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật. Thế nhưng, quá thời hạn pháp luật quy định, vụ án vẫn chìm trong im lặng. Nhiều bạn đọc đã gửi đơn đề nghị và gia đình bị hại đã gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến Báo Nhân Dân cũng như nhiều cơ quan báo chí khác với mong muốn Báo tiếp tục lên tiếng để vụ án được đưa ra xét xử. Thể theo yêu cầu chính đáng nói trên của bạn đọc, ngày 30-5-2014, Báo Nhân Dân đã đăng bài: Vì sao vụ án "Ra quyết định trái pháp luật" ở Hà Nội chậm đưa ra xét xử? Và sau đó, mãi đến ngày 7 và 8-7-2014, vụ án mới được đưa ra xét xử. Ðiều khiến dư luận và nhiều người trực tiếp dự phiên tòa hết sức bất bình là Hội đồng xét xử chỉ tuyên phạt bị cáo Trịnh Ngọc Chung 30 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thấp hơn rất nhiều so với đề nghị của đại diện VKSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa là từ năm đến sáu năm tù.

Hội đồng xét xử cũng đã thừa nhận, mặc dù bị cáo Chung quanh co chối tội, nhưng có đủ căn cứ để khẳng định Trịnh Ngọc Chung đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới sửa chữa, làm sai lệch hồ sơ thi hành án, biết rõ việc ban hành văn bản thi hành án là sai luật, nhưng vẫn cố tình thực hiện, gây thiệt hại lớn cho người dân. Ðồng thời, việc Hội đồng xét xử viện dẫn tình tiết giảm nhẹ để áp dụng Khoản 2, Ðiều 296 Bộ luật Hình sự: "Mặc dù quá trình thẩm vấn tại phiên tòa bị cáo Chung quanh co chối tội, nhưng do bị cáo là người trưởng thành trong quân đội, lại có rất nhiều bằng khen của các cấp cơ quan nên Tòa thấy không nhất thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội" là không thuyết phục. Vì Hội đồng xét xử đã thừa nhận Trịnh Ngọc Chung cố ý phạm tội, gây thiệt hại lớn cho người dân, mà thiệt hại ở đây được cáo trạng xác định là hơn 6,6 tỷ đồng, có nghĩa rằng đã ở mức rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy, bị cáo này lại "quanh co chối tội", không có biểu hiện của sự "ăn năn hối cải". Mặt khác, kể từ khi bị khởi tố bị can đến lúc Tòa tuyên án đã gần ba năm, nhưng bị cáo Chung vẫn không hề có động thái tích cực nào để ngăn ngừa, giảm bớt tác hại do hành vi phạm tội của mình gây ra cho người dân và cũng chưa hề có hành vi nào khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Nội còn có sự ưu ái khác đối với Trịnh Ngọc Chung bằng cách không coi gia đình ở số nhà 194 Phố Huế là "bị hại" mà chỉ là "người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan"; đồng thời tách phần bồi thường thiệt hại thành một vụ án khác. Ðiều đó có nghĩa rằng, gia đình này đã bị tước đi quyền kháng cáo đối với bản án Hội đồng xét xử đã tuyên ngày 10-7-2014 và hình phạt đối với bị cáo Chung mà chỉ có quyền kháng cáo bản án về các vấn đề liên quan đến bồi thường thiệt hại dân sự.

Sau khi phiên tòa kết thúc, dư luận nhân dân ở Thủ đô Hà Nội đặt vấn đề: Vì sao bị cáo Trịnh Ngọc Chung lại được Hội đồng xét xử ưu ái như vậy?"

8h50: Bị cáo Trịnh Ngọc Chung đứng trước vành móng ngựa. Đại diện gia đình 194 phố Huế cũng có mặt nghe tuyên án. Đại diện Cục thi hành án TP Hà Nội và Chi cục THA quận Hai Bà Trưng cũng có mặt tại toà.

8h35: Thẩm phán Đinh Quang Sơn tiến hành phần tóm tắt quá trình giải quyết vụ án.


HĐXX đang thực hiện việc tuyên án với bị cáo Trịnh Ngọc Chung.

HĐXX đang thực hiện việc tuyên án với bị cáo Trịnh Ngọc Chung.

8h30: Phiên toà xét xử bị cáo Trịnh Ngọc Chung tiếp tục bắt đầu. Chủ tọạ phiên toà, thẩm phán Đinh Quang Sơn bắt đầu tuyên án. Tuy nhiên, vị chủ toạ yêu cầu cấm quay phim, chụp ảnh, ghi âm tại phiên toà. Các phóng viên thuộc các cơ quan thông tấn báo chí cũng chỉ được ghi chép mặc dù đây là vụ án được xét xử công khai và tuyên án công khai.

Kỳ án 194 phố Huế:TAND Tối cao quyết định nghị án kéo dài vì vụ án phức tạp

14h30 chiều qua, việc tuyên án với bị cáo Trịnh Ngọc Chung đã không được thực hiện theo như lịch của HĐXX đưa ra trong phiên toà ngày 16/9. Chủ toạ phiên toà thông báo tiếp tục quyết định kéo dài thời gian nghị án, chốt lịch tuyên án vào sáng nay 18/9.

Tại phiên toà, bị cáo Trịnh Ngọc Chung cùng một số đối tượng bày tỏ thái độ thách thức, doạ dẫm các cơ quan báo chí, truyền thông khi các phóng viên tác nghiệp.

Trong phiên xét xử ngày 16/9, bị cáo Trịnh Ngọc Chung vẫn một mực chối tội, đưa ra các lý lẽ nguỵ biện. Tuy nhiên, đại diện VKSND Tối cao đã "bóc mẽ" bị cáo ngay tại Toà. Bị cáo Trịnh Ngọc Chung ký Quyết định cưỡng chế 07 và luôn cho rằng đã vận dụng Nghị định 125 để thực hiện là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đại diện VKSND Tối cao hỏi bị cáo Chung rằng khi bị cáo Chung ký Quyết định số 07 đã có Nghị định số 125 hay chưa.


HĐXX TAND Tối cao tuyên phạt Trịnh Ngọc Chung 30 tháng tù treo.

HĐXX TAND Tối cao tuyên phạt Trịnh Ngọc Chung 30 tháng tù treo.

Bị cáo Chung buộc phải thừa nhận Nghị định 125 được ban hành vào năm 2013. Thời điểm bị cáo ký quyết định số 07 Nghị định này chưa hề được ban hành.

Trong khi bị cáo Trịnh Ngọc Chung luôn khẳng định việc kê biên nhà 194 phố Huế là do gia đình 194 phố Huế tự nguyện, anh Hoàng Ngọc Minh khẳng định chưa bao giờ tự nguyện cho cơ quan thi hành án tiến hành kê biên nhà 194 Phố Huế. Anh Minh cũng khẳng định thời điểm anh đang đi công tác nước ngoài và không hề có tài liệu nào thể hiện sự đồng ý của anh.

Cũng tại phiên toà ngày 16/9, bà Đoàn Thị Thu Trang, nguyên nhân viên Chi cục thi hành án quận Hai Bà Trưng khẳng định việc ký giả một số cán bộ, thêm nội dung vào hồ sơ là được trực tiếp ông Trịnh Ngọc Chung chỉ đạo. “Tôi chỉ là cán bộ giúp việc, mới vào nghề. Thủ trưởng cơ quan chỉ đạo thế nào tôi làm thế. Tôi nhận thức được việc làm của tôi là sai phạm”, bà Trang khai.

Kỳ án 194 phố Huế với việc bị cáo Trịnh Ngọc Chung - Nguyên Chi cục trưởng chi cục thi hành án quận Hai Bà Trưng phạm tội "Ra quyết định trái pháp luật" đã khiến dư luận bức xúc trong suốt một thời gian dài. Liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án trái pháp luật với ngôi nhà 194 phố Huế, Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ra Quyết định khởi tố bị can Trịnh Ngọc Chung về tội: “Ra quyết định trái pháp luật” quy định tại Điều 296 Bộ luật hình sự.


Bị cáo Trịnh Ngọc Chung chối tội đến cùng nhưng bị đại diện VKSND Tối cao bóc mẽ tại Toà.

Bị cáo Trịnh Ngọc Chung chối tội đến cùng nhưng bị đại diện VKSND Tối cao bóc mẽ tại Toà.

Hành vi phạm tội của Trịnh Ngọc Chung vừa trắng trợn, vừa tinh vi đã được VKSND Tối cao chỉ rõ: "Việc ông Hoàng Ngọc Minh không sử dụng quyền khởi kiện tranh chấp về bán đấu giá tài sản ra tòa không ảnh hưởng đến việc xác định quyền cưỡng chế giao nhà số 07/QĐTHA ngày 28/6/2011 đúng hay sai. Mặt khác bản thân Trịnh Ngọc Chung đã ký quyết định đình chỉ thi hành án số 32, 33/QĐTHA ngày 14/4/2011 sau khi ký quyết định cưỡng chế giao nhà số 07/QĐTHA.

Vụ cưỡng chế thi hành án ngôi nhà 194 phố Huế vi phạm pháp luật nghiêm trọng đã được báo Dân trí điều tra làm rõ và bóc tách từng sai phạm cụ thể trong suốt hơn 70 kỳ báo.

Hồ sơ vụ án thể hiện rất rõ trước và sau khi đấu giá nhà 194 phố Huế, gia đình ông Minh liên tục có đơn khiếu nại về các hành vi của Trịnh Ngọc Chung. Trong khi cấp thẩm quyền chưa giải quyết đơn khiếu nại của ông Hoàng Ngọc Minh thì ngày 27/4/2011, Trịnh Ngọc Chung đã ký thông báo số 03/TB-THA yêu cầu ông Đặng Văn Thoán là người trúng đấu giá chuyển số tiền 29.956.600.000 đồng vào tài khoản của Công ty CP bán đấu giá Hà Nội.

Nội dung cáo trạng đã thể hiện rõ tại thời điểm Viện kiểm sát nhân dân Tối cao có Kháng nghị giám đốc thẩm và yêu cầu tạm đình chỉ thi hành án với Quyết định 143/QĐST-KDTM, ông Đặng Văn Thoán đã nộp tiền vào tài khoản Công ty CP bán đấu giá Hà Nội nhưng Trịnh Ngọc Chung chưa thi hành án theo nội dung Quyết định 143/QĐST-KDTM, chưa trả số tiền này cho người được thi hành án mà vẫn để nguyên trong tài khoản của Công ty CP bán đấu giá Hà Nội nên Trịnh Ngọc Chung đã làm thủ tục chuyển trả lại số tiền trên 31 tỷ đồng cho ông Đặng Văn Thoán, chỉ giữ lại 5% tiền đặt cọc để bảo lưu kết quả bán đấu giá.


Kỳ án 194 phố Huế thu hút sự theo dõi đặc biệt của dư luận.

Kỳ án 194 phố Huế thu hút sự theo dõi đặc biệt của dư luận.

Theo quy định của pháp luật, sau khi TAND Tối cao có quyết định số 18/2010/KDTM-GĐT ngày 21/12/2010 tuyên hủy Quyết định số 143/QĐST-KDTM của TAND TP Hà Nội, Trịnh Ngọc Chung phải ra quyết định đình chỉ việc thi hành Quyết định 143 nêu trên, chờ kết quả xét xử lại của TAND TP Hà Nội. Nhưng Trịnh Ngọc Chung lại tiếp tục ra quyết định cưỡng chế giao nhà số 07/QĐTHA ngày 28/6/2011.

Như vậy việc cưỡng chế này không phải là thi hành án vì tại thời điểm đó không có bản án, hoặc quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật nào về nhà 194 phố Huế. Đó chỉ là quyết định nhằm thực hiện ý chí chủ quan của của cá nhân Trịnh Ngọc Chung".

Vì vậy, VKSND Tối cao đã từng bác đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự Trịnh Ngọc Cung của Tổng cục Thi hành án. VKSND Tối cao khẳng định Trịnh Ngọc Chung vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, dù bị cáo Chung kiên quyết chối tội và các luật sư của bị cáo gồm: Luật sư Ngô Ngọc Thủy, luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, luật sư Bùi Quang Hưng đưa ra quan điểm bào chữa cho bị cáo nhưng đại diện Viện kiểm sát khẳng định đủ căn cứ truy tố xử lý bị cáo Trịnh Ngọc Chung ra trước vành móng ngựa để xét xử theo đúng qui định pháp luật với những dấu hiệu phạm tội đã được làm rõ sau quá trình điều tra.

Đại diện VKSND TP Hà Nội nhận định bị cáo Chung đã cố ý phạm tội đến cùng nên cần phải cách ly để giáo dục bởi tính chất vụ án là nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ảnh hưởng cho xã hội. Theo đó, căn cứ khoản 3, Điều 296 của Bộ Luật hình sự, đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trịnh Ngọc Chung mức án từ 5-6 năm tù. Đồng thời bị cáo Chung phải bồi thường số tiền hơn 6,6 tỷ đồng cho phía bị hại là gia đình 194 phố Huế.

Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, thẩm phán Ngô Tiến Phong đã thay mặt cho HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trịnh Ngọc Chung mức án 30 tháng tù treo, mức án thấp hơn rất nhiều so với đề nghị của đại diện Viện kiểm sát. Sau phiên tòa sơ thẩm, sự bức xúc và phẫn nộ của dư luận cũng như sự bất bình của công luận với mức án được cho là quá "bèo" với Trịnh Ngọc Chung còn nóng bỏng trong một thời gian dài.

Cùng với nhiều cơ quan thông tấn báo chí thông tin sự việc, Báo Nhân dân đã có bài viết khẳng định "Một bản án thiếu sức thuyết phục" cho rằng "lý do làm cho dư luận bất bình là vì, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Trịnh Ngọc Chung mức án quá nhẹ so với hành vi phạm tội mà bị cáo này đã gây ra đối với hoạt động tư pháp và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân".

Cùng đó, nhiều điểm bất thường trong bản án 30 tháng tù treo với bị cáo Trịnh Ngọc Chung của TAND TP Hà Nội đã được các luật sư phân tích cụ thể.

Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư Interla nhận định: "Mặc dù tại phiên tòa bị cáo Trịnh Ngọc Chung chưa một lần nhận tội, thậm chí còn lớn tiếng tranh cãi với công tố viên về việc mình vô tội, nhưng sau đó HĐXX đã áp dụng điểm p, điểm s Khoản 1 Điều 46, Điều 60 Bộ luật Hình sự để làm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Trong khi đó điểm p Khoản 1 Điều 46 quy định: “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; điểm s Khoản 1 Điều 46: “Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác. Do vậy, mặc dù bị cáo Trịnh Ngọc Chung bị VKSND Tối cao truy tố theo Khoản 3 Điều 296 Bộ luật Hình sự, theo tội danh này thì bị cáo có nguy cơ đối diện với mức án từ 5 đến 10 năm tù, và tại phiên tòa, vị công tố viên đã đề nghị HĐXX tuyên phạt Trịnh Ngọc Chung mức án từ 5 đến 6 năm tù và buộc phải cách ly với xã hội, nhưng cuối cùng HĐXX lại đã tuyên phạt bị cáo có 30 tháng tù, cho hưởng án treo".

Anh Thế