Kiên Giang: Đất con nuôi có sổ đỏ, cha nuôi ngang nhiên chiếm hết

(Dân trí) - Ngày đứa con nuôi ra riêng, vợ chồng ông Tích đã cho hơn 44.000m2 đất và đến năm 1995, UBND huyện Giồng Riềng cấp sổ đỏ cho đứa con nuôi này. Đến 2012, ông Tích bất ngờ chiếm toàn bộ diện tích đất đã cho đứa con nuôi và còn chặt tràm bán lấy tiền xài…

Cách đây 56 năm, vợ chồng ông Trần Văn Tích (1934) và bà Trần Thị Tốt (SN 1934) - ngụ ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) nhận một bé trai mới 25 ngày tuổi về nuôi và đặt tên là Trần Thanh Nhân (1959). Từ đó về sau, vợ chồng ông Tích không sinh được đứa con nào ngoài đứa con nuôi là ông Nhân.

Ông Nhân được vợ chồng ông Tích nuôi khôn lớn, ông Nhân cùng cha mẹ lao động, tạo lập tài sản. Khi ông Nhân có gia đình, vợ chồng ông Tích cho 57.463m2 đất tại ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Đến 15/10/1995, Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho ông Nhân đứng tên toàn bộ diện tích này.

Từ khi ông Tích chiếm đất đã đẩy gia đình ông Nhân vào cảnh vô cùng khó khăn
Từ khi ông Tích chiếm đất đã đẩy gia đình ông Nhân vào cảnh vô cùng khó khăn

Từ đó, vợ chồng con cái ông Nhân canh tác trên diện tích được cấp sổ đỏ (trồng lúa trên 13.000m2 và diện tích còn lại trồng tràm). Đến 12/2010 vợ chồng ông Nhân chuyển nhượng toàn bộ diện tích trồng lúa cho ông Trần Văn Đầy. Diện tích còn lại (trên 44.000m2) vợ chồng ông Nhân tiếp tục trồng tràm và giao cho đứa con lớn Trần Văn Sanh trực tiếp chăm sóc vườn tràm.

Bất ngờ đến 2012, khi ông Nhân chuẩn bị thu hoạch tràm thì ông Tích vào chiếm đất, ngăn cản khai thác tràm (lúc này vợ ông Tích đã mất được 04 năm - PV). Trong khi chính quyền địa phương đang tích cực hòa giải thì năm 2014, ông Tích cho người vào khai thác toàn bộ số tràm trên mảnh đất của ông Nhân, bán được 350 triệu đồng, bỏ túi tiêu xài. Khi ông Nhân ngăn cản việc ông Tích bán tràm, ông Tích cho con, cháu rượt đánh vợ chồng ông Nhân.

Tại buồi hòa giải 13/3/2014, trước đại diện chính quyền ấp, xã Thạnh Lộc, ông Tích hứa bằng văn bản là sau khi khai thác tràm, 05 ngày sau ông sẽ giao giấy CNQSDĐ và toàn bộ diện tích đất mà ông đang chiếm giữ cho ông Nhân nhưng đến nay ông không thực hiện
Tại buồi hòa giải 13/3/2014, trước đại diện chính quyền ấp, xã Thạnh Lộc, ông Tích hứa bằng văn bản là sau khi khai thác tràm, 05 ngày sau ông sẽ giao giấy CNQSDĐ và toàn bộ diện tích đất mà ông đang chiếm giữ cho ông Nhân nhưng đến nay ông không thực hiện

Xem lại hồ sơ vụ việc, từ khi ông Tích vào chiếm đất rồi cho người chặt tràm bán đến việc cho con cháu rượt đánh vợ chồng ông Nhân… chính quyền xã Thạnh Lộc đều lập biên bản đầy đủ. Đặc biệt, UBND xã Thạnh Lộc đã tổ chức nhiều buổi hòa giải và tại biên bản hòa giải 13/3/2014, trước đại diện chính quyền ấp, xã Thạnh Lộc, ông Tích hứa bằng văn bản là sau khi khai thác tràm, 05 ngày sau ông sẽ giao giấy CNQSDĐ và toàn bộ diện tích đất mà ông đang chiếm giữ cho ông Nhân. Ông Tích còn cam kết, nếu quá 05 ngày ông không giao đất và giấy CNQSDĐ cho ông Nhân, ông Tích sẽ bồi thường số tiền bán tràm là 350 triệu đồng. Tuy nhiên ông Tích không thực hiện mà còn thách thức ông Nhân thưa kiện.

Ông Nhân cho biết: “Mặc dù ông Tích không có công đẻ ra tôi nhưng có công dưỡng dục tôi nên tôi cam chịu và bỏ qua tất cả. Tôi kiên trì nhờ người thân, chính quyền giải thích việc làm của cha là trái pháp luật, không nên nghe lời người ngoài làm những việc vi phạm pháp luật, bà con cười chê… Thế nhưng cha tôi vẫn không nghe, không trả lại đất cho tôi như ông đã cam kết với chính quyền. Tôi buồn nhất là cha tôi ném bàn thờ mẹ tôi ra ngoài sân… Từ đó tôi không còn xem ông là cha nữa, tôi đã kiện ông ra tòa”.

Bà Quế cho biết, hiện nay vợ chồng bà không dám về thăm nhà, thăm đất, vì mỗi lần về là ông Tích cho người đuổi đánh
Bà Quế cho biết, hiện nay vợ chồng bà không dám về thăm nhà, thăm đất, vì mỗi lần về là ông Tích cho người đuổi đánh

Bà Phạm Thị Quế (1959) - vợ ông Nhân cho biết: “Sau ngày mẹ mất, khoảng năm 2008 cha tôi rước thêm vợ sau và rước cô con gái rơi bên ngoài về ở trong nhà… Và đến năm 2012, cha tôi từ bỏ vợ chồng tôi rồi chiếm hơn 44.000m2 đất của tôi và chiếm luôn 19.000m2 đất của đứa con trai tôi mà lâu nay cháu nó sống với ông Tích. Đáng nói toàn bộ diện tích của tôi và của con trai tôi đều có giấy đỏ, chẳng hiểu sao ông Tích căn cứ vào điều nào mà chiếm đất gia đình tôi?

Ngoài ra, bà Quế còn cho rằng: “Sự xem thường pháp luật của cha chồng tôi là ông Tích có sự tiếp tay của đứa con rể Mai Văn Sáu (chồng đứa con gái rơi mà ông Tích nhận về sau này), vì ông Mai Văn Sáu là em ruột ông Mai Văn Năm - hiện đang làm Bí thư xã Thạnh Lộc. Từ việc này nên ông Tích mới dám ngang nhiên chiếm đất vợ chồng tôi và hiện nay mỗi lần vợ chồng tôi về thăm đất là ông Tích cho con cháu đuổi đánh…”

Ông Nhân cho rằng, cha ông đã nghe lời người ngoài và có ai đó hậu thuẫn nên mới ngang ngược chiếm đất, chiếm tràm của ông như vậy
Ông Nhân cho rằng, cha ông đã nghe lời người ngoài và có ai đó hậu thuẫn nên mới ngang ngược chiếm đất, chiếm tràm của ông như vậy

Tìm hiểu sự việc này, Ông Nguyễn Khắc Hưng - Phó Chủ tịch xã Thạnh Lộc, cho biết: “Khi vụ việc tranh chấp giữa ông Tích và ông Nhân xảy ra, đồng chí Bí thư xã Mai Văn Năm đã chỉ đạo Chủ tịch xã làm việc nghiêm túc, đúng theo qui định pháp luật, đặc biệt là kết hợp với các tổ chức đoàn hội vận động, giải thích để hòa giải hai bên, chánh kiện tụng”.

Sau khi ông Tích không trả đất, ông Nhân đã làm đơn kiện ra tòa và TAND huyện Giồng Riềng đã ra văn bản thụ lý vụ việc vào 12/2015. Sau đó, TAND huyện này nhiều lần bổ sung giấy tờ… vận động ông Nhân bỏ đi số tiền ông Tích bán tràm… nhưng ông Nhân không đồng ý. Vì sau khi ông Tích chiếm đất, chiếm tràm bán đã đẩy gia đình ông Nhân vào cảnh vô cùng khó khăn, không đất canh tác, sống nơi xứ người, trong khi ông Tích giàu có và còn hơn 100 công ruộng (10 ha).

Ông Nhân bức xúc nói: “Theo luật sư tư vấn cho tôi nói: “Thời gian chuẩn bị xét xử một vụ dân sự tối đa là 4 tháng nhưng vụ việc của tôi đến giờ này vẫn chưa được TAND huyện Giồng Riềng đưa ra xét xử. Việc chậm trễ của tòa án ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi kinh tế của gia đình tôi, mặt khác còn để người dân coi thường pháp luật. Tôi rất mong tòa án sớm đưa vụ việc ra xét xử đúng theo qui định pháp luật để giành lại sự công bằng cho gia đình tôi”.

Nguyễn Hành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm