Không tiếp tay cho kẻ trộm phụ tùng, nhưng mất đồ vẫn ra chợ Trời tìm mua!
(Dân trí) - Cuộc bình chọn về việc có nên "tiếp tay" cho đối tượng trộm cắp bằng cách ra chợ Trời mua lại đồ, đã có kết quả. Phần lớn ý kiến đều khẳng định không bao giờ tiếp tay cho kẻ xấu!
Kết quả của câu hỏi "Khi bị "vặt" phụ tùng ô tô, có nên ra chợ Trời mua lại?" không khiến nhiều người bất ngờ. Có tới gần 80% độc giả khẳng định sẽ không bao giờ tiếp tay cho bọn trộm cắp, kể cả phải mua đồ mới đắt gấp 10 lần cũng không ra chợ Trời.
Hơn 20% độc giả của cuộc khảo sát lựa chọn phương án ra chợ Trời mua lại phụ tùng với giá hợp lý.
Tuy nhiên, thực tế vẫn có không ít độc giả gửi bình luận tới Dân trí cho biết, dù không muốn tiếp tay cho các tệ nạn xã hội nhưng điều kiện kinh tế eo hẹp khiến họ vẫn phải tìm tới các kênh mua bán "chui".
Theo anh Đ.H.Linh (Lĩnh Nam, Hà Nội), khu vực nhà anh thường xuyên gặp phải tình trạng trộm cắp vặt phụ tùng xe ô tô. Hơn nữa, bãi gửi xe thường xuyên quá tải nên anh Linh đành để xe dưới chân chung cư. Lợi dụng sơ hở đó, các đối tượng xấu thường đi lại rất nhiều lần quanh khu vực nhà anh Linh để quan sát và kiểm đếm số lượng xe có thể lấy trộm.
Do đó, anh Linh chỉ cần để xe dưới chân chung cư một vài lần cũng đã bị trộm mất đồ. Phụ tùng anh Linh mất thường xuyên nhất là camera lùi, bởi loại camera lùi tự chế chỉ cần dùng dao gảy nhẹ đã rơi ra.
Giá thị trường của camera lùi vào khoảng gần 1.000.000 đồng/cái, trong khi đó anh Linh mua lại tại chợ Trời chỉ khoảng 100.000-200.000 đồng. Vì thế, sau rất nhiều lần mất cắp anh đành phải tìm tới các khu chợ đen.
Không chỉ camera lùi, các phụ tùng như logo, gương, cần gạt mưa và vè che mưa cũng là miếng mồi ưa thích của các đối tượng xấu. Đối với dòng xe phổ thông, gương là phụ tùng có giá trị nhất nên cũng được kẻ trộm lấy cắp nhiều hơn cả.
Một bên gương điện có giá lên tới 10.000.000-20.000.000 triệu đồng, trong khi đó tại chợ Trời gương chỉ có giá vài triệu đồng tùy loại. Lý do trên khiến nhiều người phải "cắn răng" tới chợ Trời mua lại.
Tại Hà Nội, việc quá tải tại các bãi gửi xe cùng với chi phí gửi xe đắt đỏ vô tình tạo điều kiện cho các đối tượng xấu hành nghề. Nạn trộm cắp phụ tùng xe dù đã được cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nhiều lần nhưng vẫn chưa thể dứt điểm. Nguyên nhân một phần do người dân vẫn tiếp tục tiêu thụ những phụ tùng không rõ nguồn gốc, mua bán trôi nổi tại các "chợ đen".
Để xử lý dứt điểm tình trạng trên, theo độc giả Hải Thanh, cơ quan chức năng cần tăng các chế tài xử lý đối với hành vi trên. Đồng thời, người dân cần tuyệt đối nâng cao ý thức, không tiêu thụ hàng trộm cắp mới có thể thay đổi được tình trạng.
Tiêu thụ hàng trộm cắp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Hiện nay, theo luật sư Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Luật Nam Sơn (Đoàn luật sư TPHCM), người nào không hứa hẹn trước mà tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có thì phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có với khung hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10.000.000-100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, khung hình phạt cao nhất với tội danh này là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000-50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017).
Đáng chú ý, nếu người mua có sự hứa hẹn trước về việc tiêu thụ tài sản phạm tội thì người tiêu thụ là đồng phạm tội trộm cắp tài sản. Theo đó, người trộm cắp tài sản bị coi là phạm tội khi tài sản trộm cắp có trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp:
Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội sau mà chưa bị xóa án tích: tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản,...
Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
Tài sản là di vật, cổ vật.
Mức phạt thấp nhất với tội danh này theo luật sư Trung là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Mức phạt cao nhất là bị phạt tù từ 12-20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000-50.000.000 đồng (Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017).