Không thuộc luật, hay cố tình làm sai luật?

(Dân trí)- Trước sự quan tâm của bạn đọc về nỗi gian truân trong quá trình làm sổ đỏ, và “xin” cấp GPXD của gia đình ông Nguyễn Quang Vinh, trú tại quận Ba Đình, PV Dân trí tiếp tục tìm hiểu và phát hiện ra nhiều vấn đề “tréo ngoe” trong vụ việc này.

Không thuộc luật, hay cố tình làm sai luật? - 1
Công văn của Văn phòng Chính phủ gửi UBND TP. Hà Nội
chỉ đạo giải quyết vụ việc nhà ông Nguyễn Quang Vinh.
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Trên “thông”

Chúng tôi xin bắt đầu bằng cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh trong đợt ông đi kiểm tra việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất tại địa bàn quân Thanh Xuân, Hà Nội cuối tháng 4/2011:

Thưa Phó Chủ tịch: Hà Nội tới nay đã cấp được bao nhiêu GCNQSDĐ?

Thời gian qua, công tác cấp GCNQSDĐ tại Hà Nội đã tốt lên nhiều. Hầu hết các quận, huyện làm rất tập trung và bình quân toàn thành phố đã cấp được khoảng 90% tổng số GCNQSDĐ cần cấp.

Người dân kêu rất nhiều vì thời gian cấp GCNQSDĐ thường kéo dài?

Khó khăn đầu tiên là việc xác định nguồn gốc đất. Đất nhà ở Hà Nội rất phức tạp bởi trải qua nhiều thời kỳ, chính sách pháp luật khác nhau cộng thêm quản lý cũng có những khiếm khuyết... Khi xác định nguồn gốc đất, chính quyền phải căn cứ trên các quy định và giấy tờ pháp lý, song không phải hộ gia đình nào cũng có đủ giấy tờ nên cần nhiều thời gian hơn cho việc làm rõ căn cứ pháp lý để có thể cấp “sổ đỏ”.

Khó khăn thứ hai là trong quá trình thực thi công vụ, có cán bộ tắc trách. Khi gặp phải những hồ sơ khó, cán bộ không đeo bám, chưa phối hợp với bộ phận liên quan, thiếu trách nhiệm với dân, không tìm hiểu tới cùng dẫn tới có hồ sơ bị “ngâm” quá lâu.

Thành phố đã biết việc này và chỉ đạo xử lý quyết liệt. Thành phố cũng đã yêu cầu thanh tra công tác cấp GCNQSDĐ tại hàng loạt quận, huyện để rà soát lại tình hình, tìm hướng giải quyết. Cùng với việc thanh tra, chúng tôi cũng tới các quận, huyện để bàn cách cùng tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ.

Yêu cầu chung là phải cải cách hành chính, rút gọn thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân khi làm thủ tục cấp GCNQSDĐ. Quan điểm của thành phố là phải kết luận, làm rõ những việc thuộc trách nhiệm của chính quyền các cấp, cụ thể tới từng cá nhân chứ không có chuyện chung chung.

Nhiều hồ sơ bị “om” quá lâu do nằm trong khu vực dự án “treo”?

Hiện nay, một vấn đề lớn trong cấp GCNQSDĐ ở Hà Nội là đụng chạm tới quy hoạch xây dựng. Có những khu vực được quy hoạch khá lâu nhưng chưa triển khai hay dự án “treo”... Sự chậm trễ này ảnh hưởng nhiều tới tiến độ cấp GCNQSDĐ.

Thành phố đã chỉ đạo rà soát toàn bộ các quy hoạch, dự án “treo”, đặc biệt là trách nhiệm của các đơn vị trong quản lý đất đai. Hà Nội rất quyết liệt trong việc này và tới nay đã thu hồi nhiều trường hợp. Thành phố khẳng định, mọi vi phạm pháp luật về đất đai phải được xử lý theo đúng quy định

Quy định cấp “sổ đỏ” chỉ trong 55 ngày nhưng dường như không có nhiều trường hợp đúng hẹn?

Thành phố quy định rất rõ về thời gian thụ lý hồ sơ cấp “sổ đỏ” nhưng thực tế là chỉ những hồ sơ thuận lợi, không có vướng mắc thì mới đúng hẹn. Còn những trường hợp phát sinh vướng mắc thì cần thêm thời gian xác minh hay đo đạc, lấy ý kiến các bên liên quan... Đương nhiên, không thể tránh khỏi việc có cán bộ thụ lý hồ sơ, do nhiều lý do khác nhau, đã thiếu trách nhiệm, làm chậm việc cấp GCNQSDĐ. Có những trường hợp, cấp có thẩm quyền đã ra quyết định kỷ luật.

Một số người ca thán vì bị vòi vĩnh khi đi làm “sổ đỏ”, thái độ xử lý của thành phố thế nào đối với những trường hợp vi phạm có bằng chứng xác thực?

UBND Thành phố mong muốn các tổ chức, cơ quan, đơn vị hay hộ gia đình, cá nhân có ý kiến cụ thể đối với những vi phạm hay hành vi tham nhũng, tiêu cực, vòi vĩnh của cán bộ khi thụ lý hồ sơ cấp GCNQSDĐ, để thành phố chỉ đạo các cấp cơ sở hoặc trực tiếp vào cuộc kiểm tra, xác minh, làm rõ.

Thái độ của Thành phố là đấu tranh dứt khoát với mọi hành vi và đối tượng vi phạm. Sai tới đâu, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật tới đó, không nương nhẹ hay đặt ra bất cứ trường hợp ngoại lệ nào.

Dưới không “thoáng”

Quan điểm của thành phố là như vậy, nhưng cấp thực hiện cụ thể là UBND phường Ngọc Hà, phòng Tài nguyên và Môi trường và phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình lại không làm như vậy, xin dẫn chứng:

Tại Bản xác nhận sử dụng đất ở ngày 05/7/2010 để cấp phép xây dựng cho gia đình ông Nguyễn Quang Vinh: Ông Nguyễn Ngọc Lăng, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà viết: "178,78m2 thuộc nguồn gốc hợp lệ, 116,46m2 liên quan đến khu đất nghiên cứu dự án xây trụ sở công an phường và nhà văn hóa sân chơi khu vực"; Ông Vũ Văn Dụ, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường quận Ba Đình viết: "...Diện tích 295,24m2 thuộc quy hoạch đường giao thông tại Quyết định  68/2000/QĐ-UB ngày 14/7/2000 của UBND TP Hà Nội, chưa đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ".

Không hiểu UBND phường dựa vào đâu để kết luận 116,46m2 nằm trong "Khu đất nghiên cứu dự án", trong khi cái "Khu đất nghiên cứu dự án" kia chưa có bản đồ, chưa có quyết định thu hồi đất, chưa có quyết định phê duyệt dự án ( Khoản 1 Điều 14 và Khoản 1 Điều 49 Nghị định 84/2007/NĐ-CP).

Còn phòng Tài nguyên và Môi trường thì dựa vào Quy hoạch năm 2000 (Đã 11 năm) để không cấp GCNQSDĐ cho hộ ông Vinh, bà Hạnh/ Trong khi Luật Đất đai và Luật Xây dựng quy định: sau 3 năm không triển khai dự án, không có quyết định thu hồi đất thì phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ và công bố  (Khoản 2,3 Điều 29 Luật Đất đai số 13/2003/QH11 và Khoản 5 Điều 32 Luật Xây dựng số 16/2003/QH11).

Tại Công văn của Phòng Quản lý đô thị báo cáo UBND quận Ba Đình số 108/QLĐT ngày 23/3/2011 về việc giải quyết cấp phép xây dựng tại số nhà 38 ngách 158/51 Ngọc Hà, ông Trưởng phòng Trần Đức Dũng ghi: "Do vị trí xin phép xây dựng thuộc khu đất UBND quận đã có công văn báo cáo UBND thành phố, sở Tài nguyên Môi trường về việc giới thiệu địa điểm đất để xây dựng trụ sở Công an phường Ngọc Hà...Việc xem xét giải quyết cấp phép xây dựng của gia đình ông Vinh là không thực hiện được".

Lại một lần nữa, việc phê duyệt "không thực hiện được" của ông Trưởng phòng Quản lý đô thị quận lại không căn cứ vào các điều kiện cấp phép xây dựng, khi mà gia đình ông Vinh đã có đủ mọi điều kiện để cấp phép xây dựng là: có Giấy tờ gốc từ năm 1955, giấy tờ mua bán hợp lệ qua UBND phường xác nhận, không tranh chấp từ năm 2001  (Khoản 12, 13, 18 Điều 16 Quyết định 04/2010/QĐ-UBND thành phố Hà Nội ngày 20/01/2010).

Không thuộc luật, hay cố tình làm sai luật?

Ngày 19/5/2010, Phường Ngọc Hà nhận Hồ sơ xin phép xây dựng 2 ngôi nhà trên mảnh đất hợp pháp của gia đình ông Vinh. Giấy biên nhận và hẹn trả kết quả là 04/6/2010. Ngày 22/5/2010, làm biên bản, ghi ý kiến. Từ đó không có bất kỳ sự trả lời nào về kết quả việc xin cấp phép xây dựng của công dân.

Ngày 12/3/2011 (sau 293 ngày), gia đình ông Vinh khởi công xây dựng. Lập tức ông Nguyễn Ngọc Lăng, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà ra Quyết định đình chỉ (16/3/2011), lập Biên bản xử lý ngăn chặn (25/3/2011) bằng việc cắt điện sinh hoạt của gia đình.

Hành vi của ông Phó Chủ tịch phường đi ngược lại một loạt khoản trong Điều 21, 22, 28 Quyết định 04/2010/QĐ-UBND thành phố Hà Nội ngày 20/01/2010. Đồng thời việc ngăn chặn không cho gia đình ông Vinh xây dựng khi nhà ở đang bị lún, nứt đe dọa đến cuộc sống cùng với hành vi cắt điện khi công trình đã ngừng thi công, cắt điện sinh hoạt chứ không phải điện xây dựng, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của gia đình ông Vinh.

Trao đổi với PV Dân trí, Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay: Ông Phó Chủ tịch phường có dấu hiệu lạm quyền trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 282 của Bộ Luật Hình sự; Luật pháp công minh, Nghị định cụ thể, Quyết định rõ ràng... Ở đây chỉ có thể xảy ra một trong hai khả năng: Hoặc là họ không thuộc Luật, hoặc là họ cố tình làm sai Luật.

Vũ Văn Tiến

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm