Phú Yên:

Không học, không thi nhưng vẫn được cấp bằng lái ô tô!

(Dân trí) - Qua thanh tra trường Cao đẳng nghề Phú Yên, đã nổi lên nhiều sai phạm nghiêm trọng trong việc cấp bằng lái ô tô như giáo viên cho học viên mượn bằng THCS, chỉnh sửa tên tuổi, làm bài hộ cho học viên…giám khảo chấm thi thì nhờ người khác không đủ năng lực trình độ chấm hộ.

Trước hàng loạt sai phạm trên, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Yên đã ra quyết định đình chỉ công tác tuyển sinh đào tạo của trường Cao đẳng nghề Phú Yên.

Theo đó, trong thời hạn 3 tháng, trường Cao đẳng nghề Phú Yên không được phép tuyển sinh đào tạo lái xe. Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải Phú Yên cũng ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe loại 3 và giấy phép đào tạo lái xe mô tô, ô tô các hạng A1, A4 và FC của trường Cao đẳng nghề Phú Yên.

Tuy nhiên quyết định cũng nêu rõ các khóa đã khai giảng trước đó của trường vẫn được tiếp tục đào tạo.

Lò đào tạo “tử thần”

Theo quy định, để nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E phải có bằng tốt nghiệp THCS hoặc tương đương trở lên. Tuy nhiên, trong hai năm 2015-2016, Trường CĐ nghề Phú Yên có đến 46 trường hợp học viên sử dụng bằng giả, không có bằng THCS vẫn được cấp bằng lái D, E.

Phải chăng trường CĐ nghề Phú Yên đã đào tạo những tay lái tử thần?
Phải chăng trường CĐ nghề Phú Yên đã đào tạo những tay lái tử thần?

Cụ thể, nhiều bằng tốt nghiệp ghi cơ quan cấp là sở GD&ĐT nhưng lại đóng dấu của phòng GD&ĐT; ngày tháng năm sinh của học viên không đúng với các giấy tờ tùy thân khác…

Thanh tra phát hiện ông Đặng Đức Phong và ông Nguyễn Tân Hoàng (giáo viên trung tâm đào tạo lái xe) đã cho học viên mượn bằng THCS để họ chỉnh sửa tên, ngày tháng năm sinh mang nộp cho trường.

Về việc coi thi, giáo viên coi thi chưa hoàn thành trách nhiệm, coi thi chưa chặc chẽ, nên đã xảy ra trường hợp bài thi lý thuyết có 2 nét chữ khác nhau như học viên Phan Văn Hòa khóa 12 (hạng C-E); giám thi coi thi không ký vào bài thi để xảy ra trường hợp giáo viên làm bài thi hộ cho học viên như trường hợp của giáo viên Đào Anh Triết và giáo viên Lâm Đạo Hải; các bài thi của cũng cùng 1 học viên nhưng có các chữ ký khác nhau.

Đặc biệt có trường hợp học viên không đi học, không đi thi nhưng vẫn có bài thi và kết quả thi như học viên Lê Thị Ngọc khóa 94 (hạng B2)…

Có bài thi lý thuyết của học viên không do giám khảo chấm mà do người khác chấm như trường hợp của học viên Phan Văn Hòa khóa 12 (hạng C-E)…

Nhận tiền để lo bằng cho học viên

Đơn cử như trường hợp của học viên Lâm Sư Tú nâng hạng lái ô tô từ hạng C lên hạng E được giáo viên Đặng Đức Phong cho mượn bằng THCS của mình để đăng ký. Tiếp đó, ông Phong đóng học phí, lệ phí… cho học viên này.

Theo xác minh của Công an tỉnh Phú Yên, ông Phong thừa nhận có lấy 6,5 triệu đồng của ông Tú để lo việc này. Trong khi đó, ông Tú khai nhận với công an là đã bỏ ra tổng cộng 12 triệu đồng để có giấy phép lái ô tô nâng hạng.

Hoặc trường hợp của học viên Trương Thị Ngọc Phụng đã chi cho ông Nguyễn Tấn Hoàng 14 triệu đồng để được nâng hạng từ C lên E, trong nhiều khoản thu chi được ông Hoàng nêu có khoản chi cho tiếp khách hết 5 triệu đồng(?)

Cũng theo Thanh tra tỉnh Phú Yên, cả 46 bằng THCS, THPT của các học viên không đảm bảo tính pháp lý đều được một số UBND xã, phường chứng sao y. Đặc biệt, có 8 bằng THCS nhìn bằng mắt thường vẫn xác định được là bằng không đúng quy định nhưng vẫn được các phường 2 và phường 4, TP. Tuy Hòa đóng dấu sao y…

Mặc khác, UBND phường 4 còn làm mất sổ theo dõi chứng thực năm 2015, việc chứng thực không ghi vào sổ theo dõi…

Giải thích với chúng tôi về những sai phạm trên, ông Trần Khắc Lễ, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề, cho rằng nguyên nhân trước hết do… học viên không trung thực. Ông Lễ cũng thừa nhận “có một số mối quan hệ gì đó làm anh em giáo viên dạy lái xe có làm một số việc ảnh hưởng đến đạo đức nghề nghiệp”.

Về việc xử lý các giáo viên vi phạm, ông Lễ cho biết, có quyết định kỷ luật khiển trách các ông Lâm Đạo Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe; Đào Anh Triết, giáo viên; Lương Mai Thắng, nhân viên. Ngoài ra, hiệu trưởng Trường CĐ nghề cũng quyết định kỷ luật bằng hình thức kéo dài thời hạn nâng lương sáu tháng, bố trí làm công tác khác đối với hai ông Nguyễn Tấn Hoàng, Đặng Đức Phong.

“Xử như thế là đã rất nghiêm khắc rồi, là cao rồi, anh em phải chịu thiệt thòi rồi… Mà sai phạm không có gì ghê gớm!” - ông Lễ nói.

Còn theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên, vừa ra quyết định thu hồi 45 giấy phép lái xe nâng hạng do sử dụng bằng tốt nghiệp dỏm. Đồng thời, Sở cũng thu hồi giấy chứng nhận giáo viên thực hành lái ô tô đối với hai giáo viên Nguyễn Tấn Hoàng, Đặng Đức Phong thuộc Trường CĐ nghề Phú Yên.

Trung Thi