Không đồng tình với kết quả giám định của công an, nạn nhân nên làm gì?
(Dân trí) - Từ vụ nhân viên bị chủ quán lẩu đánh biến dạng khuôn mặt nhưng tỷ lệ thương tật chỉ 7%, nhiều độc giả thắc mắc nếu không đồng tình với kết quả giám định của phía công an, người bị hại có được tự đi giám định không?
Như Dân trí đã đưa tin, vụ việc nhân viên bị chủ quán lẩu đánh biến dạng khuôn mặt, gãy xương sườn VI bên trái, tràn khí, tràn máu màng phổi trái kèm xẹp phổi và các vết thương phần mềm nhưng tổng tỷ lệ thương tích chỉ là 7% khiến nhiều độc giả băn khoăn. Nhiều người cho rằng tỷ lệ giám định như vậy là quá thấp so với hậu quả mà nhóm người hành hung gây ra cho nạn nhân.
Trước đó, cuối tháng 5, nạn nhân là anh Trần Hưu Giang xin làm nhân viên tại quán lẩu nướng Tùng Bản. Tuy nhiên, do cảm thấy không phù hợp, nam thanh niên này xin nghỉ việc vào ngày 16/6.
Sau khi nộp đơn, Giang đề nghị được lấy lại giấy tờ tùy thân cùng số tiền gần 500.000 đồng mà quán đang giữ. Đến ngày 22/6, nạn nhân được yêu cầu đến số nhà 10, ngõ 278 Thái Hà để lấy đồ thì bất ngờ bị nhốt bên trong, khóa trái cửa.
Tại đây, anh Giang bị chủ quán lẩu nướng cùng 3 người khác đánh đập, hành hung trong khoảng 30 phút. Sau khi được thả về, anh đến trình báo Công an phường Trung Liệt.
Từ vụ việc này, có độc giả đặt câu hỏi, nếu không đồng tình với kết quả giám định của phía công an, người bị hại có được tự đi giám định lại không? Giám định sức khỏe ở đâu thì được công nhận làm bằng chứng để bảo vệ bản thân?
Trả lời:
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội cho biết, vấn đề xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể đã được quy định khá rõ ràng tại Thông tư 22/2019/TT - BYT quy định tỷ lệ tổn thương phần trăm cơ thể sử dụng trong giám định pháp y và giám định tâm thần. Cụ thể:
Đối với thương tích gãy xương sườn VI bên trên trái
Theo quy định tại mục 2 Chương 3 Thông tư 22/2019/TT - BYT về tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do tổn thương hệ hô hấp được quy định: Gãy một xương sườn một điểm, can xấu, Gãy một xương sườn từ hai điểm trở lên, can tốt (2,5%); Gãy một xương sườn từ hai điểm trở lên, can xấu (3,5%); Mất đoạn hoặc cắt bỏ một xương sườn (4,5%)
Đối với hậu quả tràn khí, tràn máu màng phổi trái
Theo quy định tại mục III, tỷ lệ thương tật được xác định như sau: Cặn màng phổi sau tràn khí, tràn máu màng phổi, nếu điều trị nội khoa ổn định thì tỷ lệ là 6 - 10%; nếu điều trị nội khoa không ổn định dẫn đến dày dính màng phổi: Tính tỷ lệ % TTCT theo tổn thương màng phổi di chứng dày dính màng phổi thì tỷ lệ 26-30%;
Đối với hậu quả xẹp phổi
Theo quy định tại mục IV Chương 3, tổn thương nhu mô phổi gây xẹp từ một đến hai phân thùy phổi tỷ lệ thương tật là 26-30%, nếu gây xẹp từ ba phân thùy phổi trở lên tỷ lệ thương tật là 31-35%.
Sau khi xác định được tỷ lệ tổn thương % cơ thể của các bộ phận, cơ quan chức năng sẽ tiến hành tính tỷ lệ tổn thương bằng phương pháp cộng: Tổng tỷ lệ % TTCT = T1 + T2 + T3 +...+ Tn ( Trong đó T1: Được xác định là tỷ lệ % TTCT của TTCT thứ nhất (nằm trong khung tỷ lệ các TTCT được quy định tại Thông tư này); T2: là tỷ lệ % của TTCT thứ hai: T2 = (100 - T1) x tỷ lệ % TTCT thứ 2/100…)
Như vậy, nếu sử dụng phương pháp này để tính tỷ lệ thương tật cho bị hại theo mức thấp nhất của quy định tại Thông tư 22/2019 là gãy xương sườn, tràn khí, tràn máu màng phổi trái và tổn thương nhu mô phổi gây xẹp từ một đến hai phân thùy phổi thì tổng thương tích của nạn nhân có thể lớn hơn con số đã công bố.
Để đảm bảo tính chính xác thì nạn nhân hoàn toàn có quyền đề nghị giám định lại.
Trường hợp nào nạn nhân được giám định lại thương tật?
Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật giám định tư pháp và khoản 1, khoản 2 Điều 211 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 việc giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác và phải do người giám định khác thực hiện.
Cơ quan trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của nạn nhân để quyết định việc trưng cầu giám định lại. Nếu người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải thông báo cho người đề nghị giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Do đó, nạn nhân không được tự đi giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể, mà chỉ được yêu cầu giám định, đề nghị giám định lại tại các tổ chức giám định như Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế; Trung tâm pháp y cấp tỉnh; Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng; Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự, Bộ Công an…..
Luật sư Tiền chia sẻ, trên thực tế, không ít các vụ việc mà tỷ lệ giám định thương tật được thực hiện nhiều lần vẫn có sự chênh lệch. Việc sai sót trong quá trình giám định không thể tránh khỏi, tuy nhiên, nếu kết quả giữa các lần giám định chênh lệch quá lớn thì cần làm rõ vì sao.
Trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần siết chặt hoạt động giám định, tiến hành giám sát, thanh tra kiểm tra. Xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm hoạt động giám định để nâng cao trách nhiệm cũng như giáo dục răn đe. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần giải thích về quyền được đề nghị giám định lại để người dân được thực hiện quyền của mình.