"Không có tiền, ước mơ chỉ là thứ viển vông"

Ngọc Hảo

(Dân trí) - "Tuổi 18, lần đầu tiên chọn ngành chọn nghề mình đã nhận ra: nếu không có tiền, ước mơ chỉ là thứ viển vông".

Thời điểm này, khi mà các sĩ tử gần như đã lựa chọn được ngành, trường học, thì đâu đó, lại có những người đang băn khoăn bởi không biết thực hiện tiếp ước mơ của mình như thế nào.

Không có tiền, ước mơ chỉ là thứ viển vông - 1

Cánh cổng đại học vẫn còn khá xa vời với những người nghèo khó (Ảnh minh họa: Nam Anh).

Mới đây, trên một diễn đàn lớn có hàng triệu thành viên, tâm sự của một bạn trẻ đã thu hút đông đảo sự quan tâm của hàng chục nghìn tài khoản, đồng thời cũng tạo ra hai luồng tranh cãi trên cộng đồng mạng.

Trên diễn đàn, người này viết: "Kết thúc 12 năm học với điểm 27+, mình ngỡ rằng giờ phút này một cuộc đời mới với những ước mơ và khát vọng sẽ mở ra. Mình đã háo hức và hạnh phúc. Nhưng rồi bố bảo: "Nhà mình không đủ tiền để nuôi con học một ngành đắt như thế. Nhà mình đang còn nợ, bố không muốn ôm thêm một khoản vay nữa".

Giây phút đó cổ mình nghẹn ứ lại. À thì ra thế giới của người lớn không có chỗ cho ước mơ nếu như bạn không có kinh tế.

Nhưng không bố ơi: Đó là ước mơ của con, là cuộc đời của con, con không muốn chỉ vì không đủ kinh tế mà ước mơ của con không còn nữa.

Nhưng con ơi: bố mẹ đã già rồi, bố mẹ đã vất vả bao năm nay làm ăn, dành dụm, bố đã phải gánh vác cả ngôi nhà này 18 năm trời biết bao khoản nợ trên vai. Bố đã vùi mình vất vả đến cả năm không dám mua đôi giày mới. Mẹ con không khỏe như người khác, lương làm cũng chỉ đủ mua thuốc. Bố mẹ không muốn vay vì không muốn thấy con sau khi ra trường phải vác trên vai 1 số tiền khổng lồ không biết khi nào mới trả hết...

Vậy còn ước mơ của con thì sao? Con không muốn từ bỏ nó. Con sẽ sống như nào nếu phải sống khi không có ước mơ.

Nhưng con ơi ước mơ của con đấy nhưng con cũng mang trên vai ước mơ của bố mẹ nữa.

Vì vậy có lẽ con phải từ bỏ ước mơ này rồi. Con sẽ sống một cuộc đời khác bố ạ. Con sẽ kết thúc ước mơ ở đây. Nhưng có lẽ sau này mỗi khi nhớ về ước mơ ấy con sẽ bất giác mà khóc lên vì có những thứ con không quay lại được nữa".

Trước những dòng tâm sự trên, nhiều người cho rằng bạn trẻ này đang lệ thuộc vào bố mẹ.

Tài khoản N.P.S: "18 tuổi rồi thì đi vay ngân hàng mấy khoản vay cho sinh viên rồi cố gắng đi làm mà đi học đi chứ còn gì nữa. Tư duy 27+ mà như thế này thì đúng là phí điểm, đành rằng người khác được gia đình chu cấp khi học đại học nhưng đấy là họ có điều kiện.

Bố mẹ bạn giờ không nuôi nổi bạn nữa thì bạn phải tự nuôi lấy bản thân mình thôi. Đây là bố mẹ KHÔNG THỂ NÀO đủ tiền cho bạn học chứ không phải không cho bạn đi học đại học, cơ hội đổi đời của mình thì đến lúc mình tự chịu trách nhiệm rồi, đừng nghĩ là bắt buộc bố mẹ phải chịu thêm nuôi mình học đại học nữa".

Tài khoản Hoàng Nguyên: "Vô được công lập thì đi vay tiền theo chính sách hỗ trợ của nhà nước đi, sau ra trường từ từ trả lại không tính lãi phí. 27+ mà cái mindset (tư duy) chán vậy, thay vì than gia đình nghèo sao không tự mà tìm cơ hội khác cho bản thân đi?".

"27+ mình nghĩ sẽ không khó để tìm một ngành ở một trường nào đó học phí ổn. Thay vì suy nghĩ rằng vì điều gì đó mà phải từ bỏ ước mơ thì hãy cố gắng đi tìm cái phù hợp để theo đuổi ước mơ.

Bản thân mình hiện tại học ở một trường học phí rẻ, tuy ngành này và trường này không phải NV1, không phải là mục tiêu ban đầu của mình, và cũng không phải điều tốt nhất, nhưng thật may là "phù hợp nhất", bởi đâu phải ai ra trường cũng làm đúng ngành đâu, tài khoản Alive Alice.

Theo tài khoản Vy Nguyễn: "Nếu nhà không đủ đủ điều kiện thì không nên học đại học, ước mơ thì cũng phải cần tiền mới thực hiện được. Hoặc phải thật giỏi để săn học bổng các kiểu. Nhiều khi đam mê 1 ngành nghề nào đó, đến khi vào học thì lại choáng ngợp vì nó chẳng giống như những gì mình nghĩ rồi cũng lỡ dỡ bỏ ngang hoặc nợ môn trả hoài không ra trường. 18 tuổi còn nhiều cơ hội, không học đại học thì cũng còn nhiều con đường khác để thành công. Nếu đam mê học hỏi tìm tòi biết đâu lại tìm thấy đam mê khác. Chứ đừng vì bản thân mà tạo thêm gánh nặng cho gia đình".

Tài khoản Mai Thủy: "Bố mẹ không thể cố gắng hơn nhưng em thì có thể. Khi em đã hết mình thì em sẽ không hối hận chứ không phải vì kinh tế không có mà không học.  Mình cũng lớn rồi. Muốn quyết định cuộc đời mình thì phải chịu được trách nhiệm với nó. Bố mẹ chỉ là người ủng hộ thôi".

Tài khoản Phan Mạnh so sánh: "Ở nước ngoài như Âu Mỹ thì sau 18 tuổi sinh viên bị "đá" ra ngoài rồi, bố mẹ có thì chu cấp, không thì tự đi làm, vay tiền mà học, vì thế sau đại học nhiều người cũng ôm cục nợ".

Học phí trở thành rào cản trước cánh cổng đại học?

Bên cạnh những ý kiến cho rằng bạn trẻ này tư duy vẫn còn "chậm", nhưng nhiều người cho rằng, năm học mới 2023 - 2024, Chính phủ cho phép các trường đại học thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81. Ngay sau đó, nhiều trường đại học, học viện đã thông báo mức học phí cho năm học 2023 - 2024 và lộ trình tăng học phí theo từng năm, chính điều này đã gây áp lực cho những gia đình có con đỗ đại học nhưng kinh tế lại eo hẹp.

Tài khoản Ho Tien: "Một học sinh vừa rời ghế nhà trường, còn chưa biết được xã hội ra sao. Chưa kể đến vay ngân hàng hỗ trợ việc học thì cần phải có phụ huynh, giờ bố mẹ không đại diện ký thì ngân hàng nào dám cho sinh viên vay. Mỗi gia cảnh khác nhau, tư duy của các bạn chê bạn này có thể đúng nhưng nó không phải là phù hợp với hoàn cảnh của bạn trẻ kia".

Cùng chung quan điểm trên, tài khoản Bách Nhật: "Các ngân hàng chỉ thật sự hỗ trợ các sinh viên có giấy cận nghèo hoặc hộ nghèo, nhưng sinh viên khó khăn không phải nhà nào cũng được cấp giấy (vì đủ loại điều kiện) thì các ngân hàng không mạo hiểm đồng ý cho vay.

Thứ 2 ,tiền làm thêm chỉ tầm 3 -4 triệu/tháng (tùy vào lượng học trong tuần, tùy ngành "có ngành học full buổi") thì làm sao có thể chi chả đủ tỉ thứ từ học phí, tiền trọ, tiền ăn, tiền điện nước,... Nên có lời khuyên và hướng giải quyết thực tiễn hơn để cân bằng việc sinh tồn và việc học".

Theo tài khoản B.K.N: "Nếu xét về lí và tình, nó phức tạp lắm, thật sự việc cày để học lại cho bản thân thì đơn giản hơn, nhưng nhiều bạn còn gánh cả cơm áo gạo tiền phụ cha mẹ nuôi em các kiểu thì khó. Vì thế mà các giải pháp phía trên rất khó để thực hiện hoặc sẽ là ích kỉ khi thực hiện được", tài khoản G.H.Ngo.

"18 tuổi 27+ thì chỉ trên sách vở thôi, đi làm thêm tuổi này thì cùng lắm đi dạy gia sư 3 cọc 3 đồng, không đủ sức bao nổi tiền nhà tiền ăn tiền học. Nếu học các trường top như trường Y, Dược, các trường kinh tế... khi mà các trường đại học dự kiến học phí tăng từ 15 đến 20% lại càng khó.

Cái này mình khẳng định được, một mình tự trang trải nơi vùng đất mới là CỰC KỲ KHÓ KHĂN và MẠO HIỂM, nếu không muốn nói là dại dột nếu không tính toán kĩ và biết mình là ai. Mình khẳng định thế vì mình cũng từng phải tự đi làm, đi học… (tất nhiên trải nghiệm còn non) nên mình biết việc phải lo nhiều thứ cùng một lúc là khó khăn như thế nào", tài khoản Đức An.