Để tăng học phí đại học không trở thành rào cản
(Dân trí) - Để chia sẻ với người học về gánh nặng tăng học phí, hiện nhiều trường đại học có nhiều mức ưu đãi về học bổng dành cho sinh viên nghèo, sinh viên học tốt.
Sau hai năm không tăng học phí do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường đại học sẽ thu học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 của Chính phủ (Nghị định 81).
Học phí đại học công lập sẽ tăng theo loại hình trường khác nhau
Cụ thể, mức trần học phí đối với các trường đại học (ĐH) công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (chưa tự chủ) là 1,41 đến 2,76 triệu đồng/tháng, tùy từng khối ngành (mức thu cũ là 980 nghìn đồng đến 1,43 triệu đồng/tháng).
Những trường đã tự bảo đảm chi thường xuyên được thu mức tối đa bằng 2 lần mức trên (từ 2,8 đến 5,5 triệu đồng/tháng). Những trường tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được thu cao nhất gấp 2,5 lần (từ 3,5 đến 6,9 triệu đồng/tháng).
Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) hoặc theo tiêu chuẩn nước ngoài, các trường ĐH được tự xác định học phí nhưng phải công khai với người học và xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng việc tăng học phí là tất yếu trong bối cảnh thời giá đã thay đổi quá nhiều kể từ khi mức học phí hiện tại được ban hành. Bản thân các cơ sở giáo dục ĐH cũng đau đầu khi xem xét đưa ra mức thu phù hợp với người học.
Theo đó, Trường Đại học Luật, Đại học Huế cho biết áp dụng mức thu học phí với sinh viên chính quy theo quy định tại Nghị định 81/2021 đối với đơn vị tự chủ tài chính, cụ thể năm học 2023 - 2024 mức thu học phí là 14,1 triệu đồng/năm/sinh viên; mức tăng hàng năm (nếu có) không quá 12,5%/năm.
Chia sẻ với người học gánh nặng tăng học phí
Chị Nguyễn Thùy Dương (Tứ Kỳ, Hải Dương) cho biết, cả gia đình đang rất băn khoăn trong việc lựa chọn trường đại học cho cậu con trai mới thi tốt nghiệp THPT đợt cuối tháng 6 vừa qua. Con chị học lực tốt nên vấn đề gia đình quan tâm nhất hiện nay là mức học phí các khối trường mà con dự định đăng ký tăng khá nhiều so với các năm trước đó.
"Với mức học phí lên tới 25-30 triệu/năm thì gia đình chúng tôi rất khó có thể cho con theo học vì gia đình ở tỉnh, con muốn học ở Hà Nội, nên ngoài học phí còn chi phí sinh hoạt, thuê nhà… hàng tháng, sẽ rất khó khăn với vợ chồng công nhân như chúng tôi", chị Dương chia sẻ.
Để chia sẻ với người học về gánh nặng tăng học phí, các trường đại học hiện có nhiều mức ưu đãi về học bổng dành cho sinh viên nghèo, sinh viên học tốt.
Theo đề án tuyển sinh năm học 2023 - 2024, Trường Đại học Luật, Đại học Huế có chế độ khen thưởng và học bổng tuyển sinh khá cao. Cụ thể, thủ khoa trường được khen thưởng 30 triệu đồng, á khoa trường 20 triệu đồng.
Học bổng dành cho thí sinh có kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 từ 25 điểm trở lên (mức học bổng từ 15-30 triệu đồng), học bổng dành cho thí sinh xét tuyển thẳng; xét tuyển theo phương thức riêng của Trường Đại học Luật tương đương mức học phí toàn khóa học hoặc tương đương học phí của năm học thứ 2 trong khóa học (tương đương 14 triệu đồng).
Ngoài học bổng, nếu sinh viên đang theo học tại Đại học Luật, Đại học Huế có cha, mẹ bị bệnh hiểm nghèo đang điều trị tại bệnh viện và hoàn cảnh gia đình khó khăn thì sẽ được hỗ trợ một lần/học kỳ bằng tiền, hiện vật hoặc tài liệu học tập theo đề xuất của ban thường vụ Đoàn trường và có tổng giá trị không vượt quá 50% học phí của một kỳ của bậc đào tạo đại học chính quy hệ chuẩn.
ThS. Nguyễn Long, Tổ trưởng Tổ Chế độ chính sách, Phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Luật, Đại học Huế chia sẻ: "Nhà trường cân nhắc lộ trình học phí phù hợp với mức sống, nhất là khu vực miền Trung - Tây Nguyên vốn điều kiện kinh tế còn khó khăn. Đồng thời, với mức học bổng và các chính sách hỗ trợ, nhà trường mong muốn chia sẻ với phụ huynh và người học, để học sinh nghèo, khó khăn không bị bỏ lại phía sau".