Bài 3:

Bắc Giang: Bị thu hồi đất “bờ xôi ruộng mật”, người dân được “dỗ ngọt” như thế nào?

(Dân trí) - Thu hồi đất “bờ xôi ruộng mật” của những người nông dân để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương, doanh nghiệp hứa hẹn sẽ làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hoà khẳng định điều này là chuyện không tưởng.

Báo Điện tử Dân trí nhận được Đơn kêu cứu của các hộ dân tại thôn Phúc Linh, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cho rằng UBND huyện Hiệp Hòa có sai phạm trong quá trình thu hồi đất của các hộ gia đình và cho Công ty cổ phần Kiến trúc và Tư vấn đầu tư xây dựng Hà Nội (nay đổi tên là Công ty cổ phần xây dựng đô thị số 1 Hà Nội) thuê để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương và những sai phạm của Chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân có đất bị thu hồi.

Những người nông dân bị thu hồi đất “bờ xôi ruộng mật” đã nhờ PV Dân trí cũng chuyển đến Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hoà một phép tính kỳ quặc mà những người nông dân tại đây đưa ra phân tích cụ thể. Ví dụ: Một gia đình bị thu hồi 3 sào ruộng (gần 1100m2) sẽ được đền bù khoảng trên dưới 240 triệu đồng hoặc chấp nhận lấy lại 10% đất bị thu hồi (110m2) thì không phải đóng tiền sử dụng đối với diện tích này. Tuy nhiên, nếu hộ dân muốn chọn vị trí khác thuận lợi hơn so với vị trí đất mà gia đình mình bốc thăm được thì phải đóng thêm số tiền chênh so với vị trí ban đầu từ 2 đến 6 triệu đồng/m2. Như vậy, đồng nghĩa với việc hộ gia đình này mất 1.100m2 đất thì phải đóng thêm trên dưới 200 triệu chỉ để nhận 10% diện tích đất của chủ đầu tư.


Những người dân bức xúc đề nghị làm rõ nhiều nội dung khúc mắc trong việc thu hồi đất lúa làm dự án làng nghề.

Những người dân bức xúc đề nghị làm rõ nhiều nội dung khúc mắc trong việc thu hồi đất lúa làm dự án làng nghề.

Người dân cho biết được chủ đầu tư hứa hẹn cấp sổ đỏ, cho làm nhà sinh sống trong dự án làng nghề.

Phép tính kỳ quặc này, người dân cho rằng mình đã “thiệt đơn thiệt kép” nhưng vẫn chấp nhận bởi niềm tin vào cam kết của chủ đầu tư sẽ thực hiện thủ tục cấp “sổ đỏ” cho phần đất mà người dân được nhận lại.

Cụ thể, bản cam kết về việc bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương mà chủ đầu tư, công ty cổ phần kiến trúc và tư vấn đầu tư XD Hà Nội do ông Đinh Văn Tưởng làm tổng giám đốc ký với hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Huy ngày 23/3/2016 có nhiều nội dung giao kết.

Theo đó, người dân sẽ nhận được 10% diện tích đất giao cho công ty làm dự án. Công ty này sẽ giao đất cho người dân với thời hạn 7 tháng từ ngày biên bản được ký. Bên B (công ty) phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho bên A (người dân). Bên A không phải nộp tiền thuê đất (sử dụng đất).

Tuy nhiên, trao đổi với PV Dân trí chiều ngày 23/7/2017, ông Nguyễn Hữu Huy cho biết đến nay sau hơn 16 tháng ký cam kết, gia đình ông vẫn chưa nhận được đất. Và ông Huy cho rằng việc gia đình ông sẽ được cấp “sổ đỏ” cho mảnh đất được nhận là dĩ nhiên vì công ty đã cam kết. Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ đang nằm trên giấy.

Trước thông tin người dân cho rằng được hứa hẹn sẽ được cấp sổ đỏ cho phần đất góp vốn hoặc cắt lại từ 10% đất bị thu hồi và được xây dựng nhà cửa sinh sống, PV Báo Dân trí đã có buổi làm việc với ông Phạm Văn Thịnh - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hoà.

Ông Thịnh khẳng định với nhân dân và công luận rằng: Đây là dự án làng nghề liên quan đến sản xuất và kinh doanh gỗ nên đất thuộc dự án này chỉ là đất cho thuê 49 năm, không được cấp sổ đỏ và tất cả những người sử dụng phải thực hiện đúng mục đích của dự án đã quy hoạch. Mọi hành vi xây dựng, hoạt động kinh doanh sai phạm sẽ bị xử nghiêm và triệt để.

Bắc Giang: Bị thu hồi đất “bờ xôi ruộng mật”, người dân được “dỗ ngọt” như thế nào? - 2

Chủ đầu tư cam kết làm thủ tục cấp giấy chứng nhận QSD đất cho người dân.

Chủ đầu tư cam kết làm thủ tục cấp giấy chứng nhận QSD đất cho người dân.

Bên cạnh đó, theo phản ánh của người dân, dự án này mới đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý nhưng trên thực tế chủ đầu tư dự án đã tự ý xây dựng nhà ở, cây xăng, nhà nghỉ và các công trình xây dựng khác với mục đích kinh doanh trên phần diện tích đất của các hộ gia đình để khai thác kinh doanh thu lợi nhuận là hành vi trái pháp luật.

Để làm rõ sự việc, PV Dân trí đã trực tiếp về làm việc với người dân tại thôn Phúc Linh. Người dân tại đây cho biết trong làng vốn không hề có truyền thống sản xuất kinh doanh đồ gỗ. Cánh đồng bị thu hồi là đất nông nghiệp màu mỡ trồng cả lúa và hoa màu.

Ông Phạm Văn Thịnh - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hoà xác nhận có việc chủ đầu tư dự án đã xây dựng một số công trình không đúng quy hoạch trên đất dự án và đã có yêu cầu xử lý sai phạm.

Về việc thu hồi đất thực hiện dự án, ông Thịnh cho rằng UBND huyện Hiệp Hoà thực hiện đúng theo quy định pháp luật vì đây là dự án thuộc hạng mục thu hồi nhằm phát triển kinh tế nên việc thu hồi và đền bù sẽ theo quy định của nhà nước ban hành.

Bắc Giang: Bị thu hồi đất “bờ xôi ruộng mật”, người dân được “dỗ ngọt” như thế nào? - 4

Làng nghề chưa thấy đâu đã thấy các công trình lạ mọc lên.

Làng nghề chưa thấy đâu đã thấy các công trình "lạ" mọc lên.

Tuy nhiên, trước sự việc chủ đầu tư dự án có những hứa hẹn, cam kết bằng văn bản về việc thực hiện cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho người dân, dư luận và những người dân bị thu hồi đất đề nghị chính quyền địa phương và doanh nghiệp phải có câu trả lời rõ ràng, minh bạch.

Được biết UBND huyện Hiệp Hoà đang thực hiện các thủ tục để tiến hành cưỡng chế giải toả với những hộ gia đình không đồng thuận bàn giao đất.

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương có quy mô xây dựng trên 27 ha đất với tổng vốn đầu tư hơn 277 tỷ đồng.

Người dân bị thu hồi đất cũng đề nghị chính quyền địa phương xem xét, làm rõ tính pháp lý của dự án đối chiếu với quy định chuyển đối từ 10 ha trồng lúa sang dự án đầu tư phải báo cáo Thủ tướng.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm