Bạn đọc viết:
Khi thầy cô không kén chọn học sinh
(Dân trí) - Mình thích bài viết vì những vấn đề được nêu ra và thảo luận rất sát thực tế, có ích cho sự nghiệp trồng người của nước nhà lúc này.
Bài viết Giáo viên, cha mẹ đang đầy thương tích, sao dạy cho trẻ được lành lặn? có một ý gợi nhớ cho mình những ký ức năm xưa đó là: "Thầy cô không kén chọn học sinh".
Khi mình ngoài 30 tuổi, vợ chồng cậu em có đứa con gái học lớp 1, cháu hiểu bài chậm, nghịch và ít tập trung nghe cô giáo. Nhà trường kết luận cháu không đủ khả năng để học trường bình thường và khuyên gia đình chuyển cháu sang trường dành cho trẻ khuyết tật về trí tuệ, chậm phát triển.
Bố mẹ cháu trẻ tuổi và tài chính cũng khó khăn nên đồng ý chuyển trường. Khi ấy, tôi không đồng tình với quan điểm này nhưng vì tôn trọng quyết định của bố mẹ cháu nên tôi chỉ đưa lời khuyên chứ không can thiệp nhiều.
Suốt thời gian theo học tại trường mới, mọi việc không cải thiện hơn, thậm chí còn tệ hơn trước đó. Và rồi cháu cũng lớn lên, chỉ biết đọc, biết viết, lập gia đình rồi sinh con cái nhưng mọi cơ hội dường như khép lại ngay từ quyết định không can thiệp của bố mẹ. Nghĩ cũng thật buồn!
Khi mình ngoài 40 tuổi, cô bạn làm cùng công ty có cậu con trai bắt đầu độ tuổi học mẫu giáo, cháu hiếu động, nghịch ngợm và có nhiều phản ứng thái quá với các tình huống giao tiếp trong trường. Nhà trường kết luận cháu tự kỷ thể tăng động, và đề nghị chuyển cháu sang trường cho trẻ khuyết tật về trí tuệ.
Trong cuộc họp giữa gia đình, nhà trường và ban phụ huynh, rất may mắn khi ý kiến của tôi và gia đình đã được cô giáo khác trong trường đồng cảm và đề nghị được nhận cháu về lớp mình với sự cam kết hợp tác của gia đình. Sau cuộc họp, quyết định được đưa ra là cho cháu học tiếp tục 1 học kỳ tại trường, nếu không có sự cải thiện sẽ chuyển trường cho cháu.
Nhận được sự yêu thương tận tình của cô giáo, thông qua gia đình và sự tiếp xúc trực tiếp với cháu, cô giáo đã thấu hiểu được tính cách của cháu và có những phương pháp giảng dạy, động viên, khuyến khích và ghi nhận. Cô giao cho cháu những công việc được giúp đỡ cô, các bác và các bạn trong trường.
Cháu dần dần thích đến trường hơn, bớt nghịch ngợm và nghe lời bố mẹ, cô giáo hơn. Gia đình cháu vô cùng hạnh phúc. Gần đây tôi mới biết tin cô giáo năm xưa đã trở thành hiệu trưởng 1 trường mầm non tại Hà Nội.
Cậu bé năm ấy, giờ đã lớn khôn, trở thành học sinh giỏi, thi đỗ vào lớp 10 tại một trường có tiếng tại địa phương, đi thi học sinh giỏi môn Vật lý, tích cực tham gia các hoạt động sinh hoạt tại trường.
Đọc bài viết của bạn vào đúng dịp rộn ràng không khí khai giảng trên khắp đất nước, mình - thế hệ đã cũ, không lạc quan quá, không hoài nghi quá nhưng tôi luôn tin một điều, nếu tất cả chúng ta, từ thầy cô đến cha mẹ đều quan tâm đến trẻ đúng cách, quan tâm đến việc giáo dục đúng mục đích thì mọi đứa trẻ đều sẽ thích đi học. Chúng ta có thể lựa chọn quan tâm đến chất lượng hơn dịch vụ giáo dục thì giáo viên không phải thợ dạy mà là người thầy, nhà trường không trở thành nhà trẻ, đi học không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ hay tiếp thu kiến thức đơn thuần.
Trường học sẽ là nơi tràn ngập hạnh phúc, giáo viên hạnh phúc khi được chia sẻ kiến thức đến với những học trò hạnh phúc khi được học hỏi, là nơi nuôi dưỡng tình yêu học tập và khám phá những điều mới mẻ của cả thầy và trò. Cảm ơn bài viết rất hay và thú vị của tác giả!
Độc giả Vũ Minh Hòa