DNews

Giáo viên, cha mẹ đang đầy thương tích, sao dạy cho trẻ được lành lặn?

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Trong một xã hội đầy biến động... khiến cha mẹ, thầy cô cũng trở nên hoang mang, mình đầy thương tích, tìm cách chữa lành bản thân. Vậy làm sao để dạy nên một đứa trẻ lành lặn?

Giáo viên, cha mẹ đang đầy thương tích, sao dạy cho trẻ được lành lặn?

TS Giản Tư Trung đã đặt ra vấn đề trên tại sự kiện Maitri 2024 với chủ đề "Muôn sắc yêu thương" kết nối cộng đồng Montessori Việt Nam được tổ chức mới đây tại TPHCM.

Giáo dục không được phép sai

TS Giản Tư Trung đặt câu hỏi cho nhiều thầy cô, phụ huynh tham gia sự kiện những từ ngữ để nói về tình hình thế giới hiện nay. Câu trả lời nhận về là: Biến động, bất ổn, hoang mang, lạc lối, công nghệ, AI, tốc độ...

TS Trung cho hay với những từ ngữ như vậy, chúng ta dạy cho con trẻ điều gì, cha mẹ dạy con điều gì, thầy cô dạy trò điều gì...? Làm sao làm giáo dục trong bối cảnh như thế này?

Ông chia sẻ thực tế có nhiều triết lý, kiến thức, sự việc đang dần thay đổi mỗi ngày. Không ít người lo sợ dạy gì cũng rơi vào tình trạng: "Sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng, anh em lúng túng, các con không biết làm sao".

Một thế giới đang biến động, chóng mặt, khôn lường khiến mọi giá trị đều bị thách thức, có những thứ đã đúng hàng trăm năm nay không còn đúng nữa. Thậm chí, nhiều chuẩn mực bị đảo lộn, niềm tin bị đổ vỡ.

Giáo viên, cha mẹ đang đầy thương tích, sao dạy cho trẻ được lành lặn? - 1

TS Giản Tư Trung, Nhà hoạt động giáo dục, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Vị tiến sĩ bày tỏ thực trạng không ít thầy cô, phụ huynh dễ rơi vào hoang mang, lạc lối, không tin vào chính mình. Như vậy, người thầy có chắc chắn những điều mình dạy cho học sinh là đúng không? TS Trung đặt câu hỏi và khẳng định rằng "nếu không chắc chắn thì đừng dạy".

Nhà giáo dục này nhấn mạnh ba nghề không được sai là thầy thuốc, thầy giáo và nhà lãnh đạo. Mỗi một quyết định của họ sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời của mỗi con người.

"Chưa bao giờ trào lưu chữa lành được nhắc đến nhiều như bây giờ. Một người đầy thương tích thì sao dạy cho trẻ lành lặn? Cách duy nhất là phải tự chữa cho mình lành lặn", ông Trung nói.

Trong bối cảnh hiện nay, ông nhấn mạnh cần định nghĩa lại về giáo dục, sự học, nhà trường và người thầy bởi không ít quan niệm, niềm tin, giá trị, chuẩn mực không còn phù hợp.

Câu hỏi khác được TS Giản Tư Trung đưa ra là "Cha mẹ muốn gì?". Ông cho rằng đó là muốn con được giáo dục một cách tốt nhất. Phụ huynh ngày nay sẽ có nhiều nỗi sợ: Sợ người ta dạy con mình thế nào đây, ra người hay ra ngỗng?

Nỗi sợ này là hoàn toàn chính đáng nên cần giúp phụ huynh vượt qua nó.

Thầy cô hãy làm phụ huynh tin vào giáo dục, tin vào phương pháp dạy, sau đó là tin vào nhà trường. Phụ huynh cũng là người thầy của con mình.

Giáo viên, cha mẹ đang đầy thương tích, sao dạy cho trẻ được lành lặn? - 2
Chưa bao giờ trào lưu chữa lành được nhắc đến nhiều như bây giờ. Một người đầy thương tích thì sao dạy cho trẻ lành lặn? Cách duy nhất là phải tự chữa cho mình lành lặn... Làm giáo dục rất cực kỳ khó khăn, vất vả nhưng khi đã yêu thì sẽ không còn cảm thấy cực nhọc.
TS Giản Tư Trung Nhà hoạt động giáo dục

Theo góc nhìn cá nhân, ông bày tỏ giáo dục tốt nhất là giáo dục khai phóng. Trong đó, Montessori (phương pháp sư phạm giáo dục trẻ em dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ và nhà giáo dục Ý Maria Montessori) là một trong những phương pháp tốt nhất góp phần giáo dục khai phóng, đặc biệt ở bậc mầm non và tiểu học.

Ông dẫn chứng khi nói về mầm non, liệu bao nhiêu người phân biệt nhà trường và nhà trẻ. Nếu không phân biệt được điều này thì làm sao biến một nhà trẻ thành nhà trường, một thợ dạy thành người thầy và biến một đứa trẻ đầy hoang mang thành tự tin?

Khi chọn trường học cho con, điều phụ huynh thường quan tâm là trường có thư viện, hồ bơi, tiếng Anh, giáo viên nước ngoài, sân bóng, camera... Những điều này là cần nhưng đó chỉ là những thứ dịch vụ giáo dục. Trong khi, quan trọng nhất là chất lượng giáo dục lại không được quan tâm đúng mực.

Thầy cô không kén chọn học sinh

Từ những thách thức trên, TS Giản Tư Trung bày tỏ, làm sao để giáo dục trở nên tốt hơn? Với ông, cần những người làm giáo dục dấn thân. Muốn vậy, nhà giáo phải yêu giáo dục và để yêu phải hiểu, hiểu thật rõ, phải sống với nó.

"Làm giáo dục cực kỳ khó khăn, vất vả nhưng khi đã yêu thì sẽ không còn cảm thấy cực nhọc", TS Giản Tư Trung nêu quan điểm.

Ông nói thêm, giáo dục là phát triển con người, yêu giáo dục là yêu sự phát triển một con người. Nhiều người ca thán rằng đứa trẻ này hư quá, dạy hết nổi rồi trả về cho ba mẹ dạy. Những người này không làm tốt giáo dục được.

"Một bác sĩ không kén chọn bệnh nhân, một người thầy không kén chọn học trò. Trên đời không có trẻ con hư, chỉ có trẻ chưa ngoan. Người lớn cần có cái nhìn bao dung với trẻ. Cho nên phát triển, nâng đỡ con người là thiên chức và sứ mệnh thiêng liêng nhất của giáo dục", vị tiến sĩ nhận định.

Giáo viên, cha mẹ đang đầy thương tích, sao dạy cho trẻ được lành lặn? - 3

TS Giản Tư Trung nhấn mạnh thầy cô không kén chọn học sinh, thiên chức và sứ mệnh thiêng liêng nhất của giáo dục là phát triển và nâng đỡ con người (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Quay trở lại với giáo dục khai phóng, nhà hoạt động giáo dục này phân tích bản chất giáo dục khai phóng là giáo dục nhân bản, cả về động cơ, mục đích và cách thức. Người thầy và cha mẹ phải luôn là những người quan trọng nhất, dù cả thế giới có thể quay lưng với trẻ nhưng họ thì không.

Ông dẫn lại nhận định của một chuyên gia trên thế giới cho rằng giáo dục không phải chuẩn bị cho cuộc sống ngày mai, mà giáo dục chính là cuộc sống. Mỗi ngày đứa trẻ đến trường không phải là đi học mà hãy biến nơi học thành nơi để con sống. Hãy cho đứa trẻ sống 24/7 chứ không phải là học kiến thức để chuẩn bị cho cuộc sống tương lai mà quên đi thực tại. Thầy cô đến trường cũng là đi sống chứ không phải chỉ để làm công việc dạy học.

TS Giản Tư Trung nhắc lại tuyên ngôn giáo dục của bà Maria Montessori là "Hãy giúp con tự làm điều này!". Thầy cô không đứng trên học trò, không đứng cao hơn học trò mà hãy đứng cùng học trò.

Nhiệm vụ của người thầy không phải là đi dạy dỗ, dạy bảo người khác, mà làm nhiệm vụ giúp người khác học, giúp người học tự khai phóng chứ không phải khai phóng người khác.

Giáo viên, cha mẹ đang đầy thương tích, sao dạy cho trẻ được lành lặn? - 4

Trẻ em cần được tạo môi trường để học tập, khám phá bản thân dưới sự hướng dẫn của thầy cô, cha mẹ (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Ông cho rằng chúng ta đừng tham vọng thay đổi con trẻ mà hãy giúp con tự thay đổi mình. Nếu thầy cô giúp học trò tự thay đổi mình, chúng rất hạnh phúc. Ngược lại, chúng rất không thích ai đó thay đổi chúng.

Trên thực tế, nhiều người ca thán rằng đã dạy mà học trò không muốn học. Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung nhận định đó chưa phải là dạy. Học trò không học vì không tìm thấy lý do phải học, vậy người thầy phải biết khơi gợi, giúp học trò tìm thấy sự cần thiết để học.

Thay đổi cách giáo dục trẻ

Diễn giả B. S. Sujay - nhà sáng lập, Giám đốc Trường mầm non Growing Wonders Montessori House of Children (Bangalore, Ấn Độ) - cũng đặt vấn đề về sự biến đổi liên tục của trên thế giới.

Ông cho rằng, trong 100 năm qua, thế giới, trong đó có giáo dục, đã nhiều thay đổi và tiếp tục còn thay đổi. Song, nếu tinh ý, chúng ta sẽ thấy giáo dục thay đổi từ cuốn sách giấy sang sách điện tử, từ ngôi trường cũ nát sang khang trang, các phương tiện cũng trở nên hiện đại hơn. Thứ không thay đổi có chăng là sự mong mỏi đi tìm cái mới và tình yêu học tập của đứa trẻ là tiếp tục được nuôi dưỡng.

Giáo viên, cha mẹ đang đầy thương tích, sao dạy cho trẻ được lành lặn? - 5
Giáo viên, cha mẹ đang đầy thương tích, sao dạy cho trẻ được lành lặn? - 6
Giáo viên, cha mẹ đang đầy thương tích, sao dạy cho trẻ được lành lặn? - 7
Giáo viên, cha mẹ đang đầy thương tích, sao dạy cho trẻ được lành lặn? - 8

Do đó, ông Sujay bày tỏ: "Tôi không nghĩ chúng ta có thể dạy trẻ, đó là sự ngộ nhận. Chúng ta có thể tạo môi trường, trong đó việc học của trẻ sẽ tự diễn ra một cách chủ động. Việc học cần diễn ra một cách tự nhiên, không cần áp đặt từ người lớn, bên ngoài".

Ông dẫn lại công bố của Thomas Frey khi cho biết 60% công việc cần thiết trong 10 năm tới vẫn chưa được phát minh; 2 tỷ công việc sẽ biến mất trước năm 2030. Vì thế, điều chúng ta cần làm là dạy cho trẻ những kỹ năng cần thiết thay vì cố định vào một ngành nghề.

Giáo viên, cha mẹ đang đầy thương tích, sao dạy cho trẻ được lành lặn? - 9

Diễn giả B. S. Sujay nhấn mạnh tới việc trau dồi kỹ năng học tập, kỹ năng sống cho trẻ (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Là người theo đuổi phương pháp Montessori trong hàng chục năm qua, đồng thời là Tổng thư ký của Trung Tâm Montessori Ấn Độ (IMC), ông nêu ra những kỹ năng mà phương pháp này đang theo đuổi.

Đó là kỹ năng học tập (bao gồm tư duy phân tích, sự sáng tạo, hợp tác, sự giao tiếp), kỹ năng sống (bao gồm tính linh hoạt, khả năng lãnh đạo, sáng kiến, hiệu suất, kỹ năng xã hội).

Vị diễn giả đến từ Ấn Độ cho rằng cách thể hiện tình yêu thương cao nhất đối với trẻ là chúng ta dành cho các con không gian, thời gian để các con biết và khám phá bản thân mình. Mục đích của giáo dục phải tạo điều kiện và điều chỉnh cách tiếp cận để phù hợp.

Giáo viên, cha mẹ đang đầy thương tích, sao dạy cho trẻ được lành lặn? - 10
Cách thể hiện tình yêu thương cao nhất đối với trẻ là chúng ta dành cho các con không gian, thời gian để các con biết và khám phá bản thân mình. Mục đích của giáo dục phải tạo điều kiện và điều chỉnh cách tiếp cận để phù hợp.
Diễn giả B. S. Sujay Nhà sáng lập, Giám đốc Trường mầm non Growing Wonders Montessori House of Children (Bangalore, Ấn Độ)

Bà Trương Ngọc Phụng - Đồng sáng lập Trung tâm Montessori Centre (VMC) Việt Nam, cũng nhấn mạnh mỗi đứa trẻ được sinh ra là kết tinh của tình yêu và lớn lên trong một hệ sinh thái phong phú và nhiều màu sắc. Hệ sinh thái được tạo nên từ tình yêu thương dành cho trẻ, từ gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội.

Bà nêu những hình dung về giấc mơ giáo dục giống như một ngôi làng, một cộng đồng ở trong đó thấy thiên nhiên đang bao phủ nơi đang sinh sống, có trẻ, có người lớn, có thầy cô, ông bà, cha mẹ, có nhà trường...

Giáo viên, cha mẹ đang đầy thương tích, sao dạy cho trẻ được lành lặn? - 11

Cha mẹ, thầy cô cùng trẻ vẽ lên bức tranh về môi trường giáo dục (Ảnh: Huyên Nguyễn).

"Giáo dục không chỉ là trong trường học mà còn ở trong cuộc sống của tất cả chúng ta. Giáo dục không chỉ là với giáo viên mà còn với phụ huynh, ông bà, bạn bè cùng trang lứa và trong xã hội", bà Phụng nhấn mạnh.

Bà Phụng cho biết cộng đồng Montessori mong muốn truyền tải thông điệp về giáo dục hiện đại: "Giáo dục không phải là để chạy theo những thành tích của trường học mà là để hỗ trợ cuộc sống của mỗi người, của trẻ em và cả người lớn".

Montessori là phương pháp giáo dục trẻ em ra đời vào đầu những năm 1900 dựa trên nghiên cứu của bác sĩ, nhà giáo dục người Ý - Maria Montessori (1870-1952). Tại Việt Nam, phương pháp này đang được giảng dạy tại nhiều trường học.