Khai man tuổi để “trốn” việc nghỉ hưu?

(Dân trí) - Việc thay đổi ngày tháng năm sinh là quyền của mỗi người. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều người lợi dụng quyền này để thực hiện việc khai man tuổi tác.

Thời gian gần đây hiện tượng này diễn ra khá phổ biến gây ra những bức xúc trong dư luận. Để tìm hiểu các chế định pháp luật liên quan đến vấn dề này, PV Dân trí có cuộc phỏng vấn với luật sư Trương Anh Tú - Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) để làm sáng tỏ vấn đề trên.

Ông đánh giá thế nào về thực trạng khai man tuổi để “trốn” việc nghỉ hưu?

Trong thời gian qua, hiện tượng “rửa” năm sinh, khai man lý lịch đang xảy ra ngày càng phổ biến, báo chí đã nêu ra nhiều vụ việc. Tôi nhận thấy hiện tượng này xảy ra ở nhiều nơi nhưng chủ yếu tập trung ở những độ tuổi gần về hưu và đối tượng là những người có chức, có quyền. Họ thường khai tuổi trẻ hơn so với tuổi đang ghi nhận với mong muốn về hưu muộn để tham quyền cố vị, vì tư lợi cá nhân.

Nhìn thoáng qua, hiện tượng này với hiện tượng “chạy chức, chạy quyền” không có gì giống nhau, nhưng phân tích ra thì chúng cùng một bản chất. Bác Hồ đã nói “cán bộ là công bộc của dân” nếu họ xác định họ là “công bộc” thì không cần phải gian dối như vậy.

Hai sự việc gần đây mà báo Dân trí đã nêu (ông Nguyễn Mạnh Hoàng và ông Trịnh Anh Tuấn cùng tính chất) ông có nhận định ra sao?

Trường hợp của ông Nguyễn Mạnh Hoàng, Quận ủy Hoàng Mai đã khẳng định “Việc điều chỉnh ngày tháng năm sinh từ ngày 7/2/1954 sang ngày 7/2/1955 được thực hiện dựa trên Điều lệ Đảng, Hướng dẫn 01 của Ban Tổ chức Trung ương và Nghị định 158 của Chính phủ”. Hơn nữa đến nay hồ sơ điều chỉnh vẫn chưa công khai hồ sơ, do đó chưa có cơ sở để nhận định ông Nguyễn Mạnh Hoàng có khai đúng tuổi tác hay không.

Đối với trường hợp của ông Trịnh Anh Tuấn cũng tương tự như của ông Nguyễn Mạnh Hoàng, tuy nhiên ông Tuấn lại không thực hiện các thủ tục cải chính năm sinh mà áp dụng luôn năm sinh khác với hồ sơ để được bổ nhiệm là chưa phù hợp với quy định của pháp luật về trình tự thủ tục cải chính.
 
Khai man tuổi để “trốn” việc nghỉ hưu?
Tiểu sử tóm tắt của ông Nguyễn Mạnh Hoàng khi ứng cử Hội đồng nhân dân quận Hoàng Mai khóa 2011 - 2016

Còn về nội dung, bản chất của việc cải chính năm sinh, tôi thấy chưa có tài liệu để chứng minh việc khai sinh là phù hợp với thực tế khách quan. Điều này dẫn đến việc không tránh khỏi những bức xúc, và bất bình trong dư luận xã hội.

Mặt khác theo quyết định số 25/2013/QĐ-TTg ngày 04/05/2013 của Thủ tướng Chính Phủ về việc ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, thì tôi thấy việc cung cấp thông tin chính xác và hồ sơ liên quan đến ngày tháng năm sinh cho báo chí trong hai trường hợp trên là cần thiết, phù hợp với quy định pháp luật và quy chế nêu trên.

Vậy thưa ông theo quy định của pháp luật thì điều kiện để cải chính ngày tháng năm sinh là như thế nào?

Theo quy định của pháp luật thì: Việc cải chính này bao gồm cải chính những nội dung đã được đăng ký trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, nhưng có sai sót trong khi đăng ký hoặc điều chỉnh những nội dung trong sổ đăng ký hộ tịch và các giấy tờ hộ tịch khác, không phải Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh.

Trường hợp 1: Đối với trường hợp cải chính ngày tháng năm sinh trong bản chính giấy khai sinh và sổ đăng ký khai sinh. Theo quy định tại điểm g mục 5 phần II thông tư 01/2008/TT-BTP hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về Đăng ký và Quản lý hộ tịch “Việc cải chính nội dung trong bản chính Giấy khai sinh, đặc biệt là cải chính ngày, tháng, năm sinh, chỉ được giải quyết đối với những trường hợp có đủ cơ sở để xác định rằng khi đăng ký khai sinh có sự sai sót do ghi chép của cán bộ Tư pháp hộ tịch hoặc do đương sự khai báo nhầm lẫn”.

Trường hợp 2: Đối với trường hợp cải chính các giấy tờ hộ tịch khác không phải là bản chính giấy khai sinh, sổ đăng ký khai sinh (trường hợp các giấy tờ hộ tịch khác khác ngày tháng năm sinh với giấy khai sinh).Theo quy định khoản 1 điều 39 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về Đăng ký và Quản lý hộ tịch: “Khi cá nhân có yêu cầu điều chỉnh nội dung đã được đăng ký trong sổ hộ tịch và các giấy tờ hộ tịch khác, không phải Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký hộ tịch căn cứ vào bản chính Giấy khai sinh để điều chỉnh những nội dung đó cho phù hợp với nội dung tương ứng trong bản chính Giấy khai sinh”.  

Như vậy, đối với trường hợp cải chính ngày, tháng, năm sinh thì phải  xuất trình bản chính giấy khai sinh hoặc giấy tờ liên quan làm căn cứ để thay đổi và điều chỉnh và phản ánh đúng thực tế khách quan.
 
Luật sư Trương Anh Tú: Chúng ta cần phải xử lý nghiêm đối với những trường hợp gian dối
Luật sư Trương Anh Tú: "Chúng ta cần phải xử lý nghiêm đối với những trường hợp gian dối"

Trong trường hợp phát hiện ra vi phạm (gian dối) trong quy trình cải chính thì xử lý ra sao?

Đối với người yêu cầu cải chính, theo quy định tại khoản 1 điều 95 nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký hộ tịch: “Người yêu cầu đăng ký hộ tịch mà gian dối trong việc đăng ký hộ tịch, thì tuỳ mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Đối với cán bộ, công chức có thẩm quyền đăng ký và quản lý hộ tịch, theo quy định tại khoản 1 điều 94 nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký hộ tịch “Người có thẩm quyền đăng ký và quản lý hộ tịch mà do thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc cố ý làm trái với các quy định của Nghị định này và các văn bản pháp luật khác về hộ tịch, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại, thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Ngoài ra, đối với cán bộ là Đảng viên thì xem xét xử lý kỷ luật Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng. Tóm lại, chúng ta cần phải xử lý nghiêm đối với những trường hợp gian dối.

Xin cảm ơn luật sư!

Vũ Văn Tiến (thực hiện)

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm