Kẻ mua hay người bán chứng chỉ giả đều bị xử lý hình sự
(Dân trí)- Ngành Công an đã từng xử lý hình sự nhiều trường hợp vi phạm liên quan đến các đường dây thi hộ, mua bán văn bằng giả… Tuy nhiên, đối với tình trạng chứng chỉ giả thì dường như các cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý “mạnh tay” và có phần còn bỏ ngỏ.
Trước sự bức xúc của độc giả báo Dân trí đối với tình trạng bằng cấp, chứng chỉ giả được rao bán công khai, PV Dân trí có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) dưới góc nhìn pháp lý về vấn này.
Văn bằng, chứng chỉ được cấp cho người học để xác nhận kết quả học tập. Những hiện tượng độc giả của báo Dân trí đã nêu, chủ yếu rơi vào tình trạng chứng chỉ giả.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 8 Luật Giáo dục thì: “Chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học để xác nhận kết quả học tập sau khi được đào tạo hoặc bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp”. Như vậy, với tất cả các trường hợp không qua học tập, đào tạo, thi cử mà có chứng chỉ thì chứng chỉ đó được xác định là chứng chỉ giả.
Vậy ông cho biết trách nhiệm của cơ quan nào để tồn tại những việc đó? Liệu việc để xảy ra tình trạng văn bằng, chứng chỉ giả có phải cũng là do cơ chế tuyển chọn người của chúng ta hiện nay?
Cần phải khẳng định ngay là không có cơ quan nhà nước nào “để tồn tại” những tiêu cực này. Ngành Công an đã từng xử lý hình sự rất nhiều trường hợp vi phạm liên quan đến lĩnh vực giáo dục như việc xử lý các đường dây thi hộ, mua bán văn bằng giả. Tuy nhiên đối với tình trạng chứng chỉ giả, chúng ta cũng chưa có sự quan tâm đúng mức, dẫn đến việc chưa xử lý mạnh tay đối với những đường dây này và có lẽ một phần cũng là do tác hại của chứng chỉ giả không nghiêm trọng bằng văn bằng giả.
Đối với cơ chế tuyển trọn người của chúng ta hiện nay vẫn duy trì cách thức phát hiện, đánh giá tài năng của cán bộ, công chức thông qua việc lượng hóa bằng các văn bằng, chứng chỉ là cần thiết. Bởi lẽ không thể đánh giá một người là có tài trong khi anh ta không có trong tay bất kỳ văn bằng, chứng chỉ nào.
Xin ông cho biết việc để xảy ra hiện tượng chào bán công khai những chứng chỉ đó, trách nhiệm xử lý thuộc về cơ quan nào?
Trách nhiệm xử lý vấn nạn này không chỉ là nghĩa vụ của một ban, ngành nào. Đây là trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cấp, từ ngành Công an, đến ngành Giáo dục; từ cấp Trung ương cho đến địa phương.
Ngành giáo dục thì tiến hành giám sát, thanh, kiểm tra các cơ sở giáo dục để phát hiện những sai phạm, sai phạm nghiêm trọng thì chuyển hồ sơ đến Cơ quan Điều tra khởi tố theo pháp luật. Trung ương (Bộ GD&ĐT) ngoài quản lý chung thì còn trực tiếp quản lý, giám sát các trường cao đẳng, đại học. Địa phương (Sở GD&ĐT) thì quản lý, giám sát các trường trung cấp trở xuống trong địa bàn của mình. Ngoài ra muốn giải quyết triệt để vấn nạn này, các cơ quan cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau.
Vậy chế tài của nhà nước để xử lý những vi phạm trên ra sao?
Chế tài để xử lý những vi phạm liên quan đến giáo dục nói chung là từ xử lý hành chính cho đến xử lý hình sự. Đối với trường hợp những người làm ra, mua, bán bằng cấp, chứng chỉ giả… thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy định tại Điều 267, Bộ luật Hình sự như sau: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm...”
Với điều luật này cần phải hiểu rằng, không chỉ người làm giả bằng cấp, chứng chỉ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà ngay cả với người sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả cũng bị xử lý hình sự.
Ngoài ra, đối với các cơ sở giáo dục, nếu phát hiện ra việc cấp chứng chỉ cho người chưa trải qua quá trình học tập, thi cử (cũng được coi là bằng giả, mặc dù phôi thật) thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” theo Điều 281, Bộ luật Hình sự.
Xin cảm ơn ông!
Vũ Văn Tiến (thực hiện)