Lý giải “đất sống” cho bằng cấp giả

(Dân trí) - Những người học thật để có được tấm bằng đại học hay cao học... sẽ cảm thấy bất công, bất mãn với những người không học mà cũng có bằng.

Nhiều độc giả sau khi đọc bài Mua bán chứng chỉ dễ hơn mua rau ngoài chợ đăng trên Dân trí đã vội vàng đổ lỗi do nhà tuyển dụng đòi hỏi cao, bằng này bằng kia nên mới sinh nạn làm bằng giả. Nhưng liệu đó có phải là nguyên nhân?

 

Độc giả viet_nh: viet_nh@harmonysoft.com.vn phân tích:

 

Tại sao biết nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ này nọ như tiếng Anh, tin học mà các bạn không tranh thủ bỏ chút thời khi học đại học, cao đẳng để học những thứ này đi. Vừa nâng cao trình độ, mà ra trường lại có chứng chỉ đi kèm luôn. Yêu cầu của nhà tuyển dụng là thế, không có những cái đó là trượt, thế thôi. Nói chung cũng chỉ là ý thức học tập của mọi người mà thôi. Chính vì thế mà bọn làm chuyên làm bằng cấp giả mới có việc mà làm. Giờ lại ngồi đổ lỗi, quy trách nhiệm cho ai, đúng là khôi hài”.

 

kill dragon: vuhoangphung@logik.vn : “Gửi bạn Dung82@yahoo.com: “Bạn nói sinh viên muốn nhận bằng tốt nghiệp thì bắt buộc phải có chứng chỉ tin học, chứng chỉ Anh văn,  nếu không thì giam bằng không cho nhận thì bắt buộc phải đi mua thôi - Không hiểu bạn nói thế có cơ sở không nhỉ? Hay chỉ là một cách ngụy biện cho các nhu cầu cá nhân?

 

Gửi các bạn trẻ đang đi mua chứng chỉ: Mình chỉ có mỗi một cái bằng đại học, không có chứng chỉ gì hết. Ra trường vẫn về cơ quan bộ làm (không xin xỏ, quen biết gì đâu nhé, thi vào đàng hoàng). Đến bây giờ vẫn thế, công việc vẫn tốt và có vị trí nhất định trong xã hội. Vẫn chỉ độc một cái bằng đại học. Không hề thêm gì. Thực ra sở hữu chứng chỉ đâu có gì xấu. Xấu hay sai là do người sử dụng đấy chứ”.

 

Quoc nguyen: vanquocnguyen0905@gmail.com: “Chung quy cũng vì văn hóa trọng bằng cấp của chúng ta thôi. Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng 2 giải pháp cơ bản:

 

1) Các trường đại học cao đẳng không yêu cầu nộp chứng chỉ mới được cấp bằng đại học, mà phải phỏng vấn trình độ tiếng Anh giao tiếp nếu đạt mới được cấp bằng. (Vì yêu cầu trình độ B trong chứng chỉ thì tương đương với giao tiếp căn bản).

 

2) Riêng các nhà tuyển dụng (nhất là các công ty nhà nước) đừng yêu cầu chứng chỉ khi đăng tuyển dụng, mà chỉ yêu cầu nghe nói tiếng Anh lưu loát và sẽ trao đổi trực tiếp ngay khi phỏng vấn.

 

Như thế thì chắc chắn chẳng ai đi mua làm gì, và nếu không mua thì cũng chẳng có ai bán...”

 

Nguyen Dinh Ba: banguyendinh@gmail.com: “Chẳng qua chỉ là hình thức quá khi đòi hỏi cung cấp chứng chỉ trong quá trình xin việc hoặc làm việc thôi mà. Có những người khi vào làm việc chỉ có chứng chỉ A tin học, tuy nhiên trong quá trình làm việc tự học và tự làm, nên trình độ sử dụng cũng như kinh nghiệm làm việc có khối anh học ra đàng hoàng cũng so không kịp đâu”.

 

Tran Moc: tranmôckhn44@yahoo.com: “Nói ra cũng tại các cơ quan chức năng quản lý yếu kém, ai học gì ở đâu, thời gian học, ngày tháng cấp bằng tại sao không lưu lên file của hệ thống lưu trữ quốc gia. Các cơ quan ban ngành chỉ cần gõ mã số ghi trên bằng là hiện ra hết toàn bộ. Cái này chỉ nhìn vào tấm bằng nếu làm giả tinh vi thì “bó tay”. Nếu làm được như vậy chắc chắn sự thật sẽ được phanh phui, nhiều lao động, công chức sẽ bị bẽ mặt vì bằng giả, chứng chỉ giả. Biết vậy nên chắc ai mà dám làm, vì có khi người có thể làm cũng mang chứng chỉ ....giả ấy chứ”.

 

My Nguyen: mynguyen@gmail.com: “Chung quy lại cũng vẫn là tại chúng ta ham cái đơn giản dễ dãi. Rõ ràng ở trường ĐH hay ở doanh nghiệp tuyển người, việc kiểm tra cái bằng, cái chứng chỉ dễ hơn và tốn ít thời gian hơn nhiều so với việc kiểm tra trình độ thực của sinh viên/ứng viên.

 

Dĩ nhiên, cái gì dễ dãi đều mang lại hậu quả của nó mà giờ chúng ta đang tốn bao nhiêu giấy mực để tìm giải pháp đối phó. Vậy sao chúng ta không giải quyết vấn đề từ gốc, nghĩa là đánh giá năng lực thực tế không qua các chứng chỉ nữa.

 

Ở trường ĐH khi cần đánh giá trình độ ngoại ngữ của sinh viên thì thực hiện phỏng vấn và kiểm tra trực tiếp trình độ của sinh viên. Doanh nghiệp cần người thì cứ tổ chức test ngoại ngữ và tin học. Việc trưng ra các yêu cầu về ngoại ngữ/ tin học (theo nhu cầu thực sự của nhà tuyển dụng) cũng không cần bỏ, nhưng cần hiểu theo nghĩa đó là trình độ mà nhà tuyển dụng yêu cầu, chứ không phải là bắt buộc phải có chứng chỉ đó mới được dự tuyển.

 

Nếu những nơi đào tạo và sử dụng nhân lực thực sự nghiêm túc xóa bỏ tư duy dễ dãi của mình, thì làm gì còn đất cho chợ văn bằng chứng chỉ tồn tại chứ, vì đơn giản là chả ai cần đến nó nữa”.

 

Thẳng thắn mà nói thì nhà tuyển dụng không hề có lỗi khi yêu cầu bằng cấp đối với các ứng viên của mình. Nếu bạn có năng lực, có bằng cấp thì đó không còn là vấn đề. Mà vấn đề chỉ nảy sinh khi bạn chẳng có gì trong tay, kể cả bằng cấp.
 
Việc làm tốt xem ra ngày càng khan hiếm, nên muốn có được công việc bạn phải tự lo đầy đủ giấy tờ, thủ tục. Và điều tất yếu phải xảy ra “có cầu thì khắc có cung” về bằng cấp, chứng chỉ...giả. Nhưng lẽ nào nhiều người không hiểu rằng bằng cấp chỉ là tờ giấy, điều kiện cần phải có mà không thể thiếu chính là: năng lực và sự tự tin.

 

Độc giả Nguyên Hạ: nguyenvanhast@yahoo.com đưa ra ý kiến:

 

Cái mà nhà tuyển dụng cần là cái thực tế các sinh viên có được, chứ không phải ở bằng cấp gì bạn có.

 

Tôi từng phỏng vấn tuyển dụng cho một số công ty, Công việc nhiều khi chỉ đòi hỏi bạn nắm vững nghiệp vụ như ngành kế toán chẳng hạn, thực tế không cần đòi hỏi gì cao ở bạn. Vì các bạn mới ra trường đằng nào cũng phải đào tạo cho phù hợp thực tế của tổ chức tiếp nhận, nhiều khi không đòi hỏi gì trình độ ngoại ngữ, vậy mà lắm bạn cứ cố tình đưa chứng chỉ B, C tiếng Anh của mình ra.

 

Vui miệng, và cũng để đánh giá mức độ chân thật của bạn đến đâu, tôi chỉ yêu cầu ứng viên giới thiệu về bản thân, thế mà lắm bạn với chứng chỉ B loại khá lại vô cùng chật vật mới nói được cái tên của mình, sau đó biện hộ "em không quen giao tiếp (?)".

 

Những người như vậy, tôi cho rớt đơn giản vì tôi không tìm được sự chân thành và sự tự tin ở bạn. Nếu bạn còn thiếu kỹ năng gì, bạn có thể thật thà với chính mình và bổ sung vào khiếm khuyết ấy. Như thế còn giá trị hơn ngàn lần cái bằng cấp giả đó”.

 

Nhưng vì nguyên nhân nào thì việc bằng cấp giả mua bán công khai là việc làm trái pháp luật, vì thế Bộ giáo dục Đào tạo cùng Bộ Công an cần vào cuộc xử lý nghiêm, mạnh tay loại bỏ tệ nạn này, không thể cứ để tình trạng “vàng thau lẫn lộn” khiến nhiều khi "vàng thật" phải điêu đứng, như bạn Hoài Lương: hoailuong@vnn.vn  ví von:
 
Tệ nạn này đã làm khổ những người học thật, thi thật có khi dành cả một đời người để phấn đấu. Những tấm bằng giả, những khóa học cấp tốc, vội vã, những chương trình rút gọn... đã làm xã hội chúng ta nhìn nhận theo kiểu "vơ đũa cả nắm". Chẳng cần phải mất công học chỉ cần bỏ tiền là có tất cả.  Dép "gia công" hay "dép nhựa Tiền Phong" cũng đều là dép cả”... 
 
Linh Trần