Điều tra theo đơn thư bạn đọc:
Hơn 1000 lao động đang làm việc tại khu kinh tế Vũng Áng kêu cứu
(Dân trí) - Đầu tư 16 tỷ đồng xây khu nhà tạm cho công nhân làm việc tại dự án Cảng Sơn Dương, Vũng Áng, Hà Tĩnh. Khi công trình đưa vào sử dụng chưa được bao lâu Công ty Nibelc nhận được yêu cầu di chuyển của BQL khu kinh tế khiến tất cả đều bị “sốc”.
Ngày 12/9/2012, Công ty Nibelc và Tập đoàn Samsung C&T Corporation ký hợp đồng kinh tế số SDP-SUB-CFO -001, về việc cung cấp thợ kỹ thuật và thi công đê chắn sóng Cảng Sơn Dương, thuộc khu công nghiệp Fomosa - KKT Vũng Áng. Để đảm bảo cho việc thi công dự án kéo dài 44 tháng, Công ty Nibelc phải xây dựng khu nhà ở, ký túc xá, căng tin tạm cho khoảng hơn 1000 công nhân, kỹ sư chuyên gia làm việc tại dự án Cảng Sơn Dương.
Sau khi hoàn tất việc lắp ghép khu nhà ở và làm việc tạm thời với số tiền đầu tư 16 tỷ đồng, đến tháng 6/2013, Công ty Nibelc đã cung ứng, quản lý và tổ chức thi công với tổng số lao động 1.119 người, góp phần tích cực vào tốc độ thực hiện dự án Cảng Sơn Dương do tập đoàn Fomosa làm chủ đầu tư. Trong số này có hơn 1/2 công nhân là người thuộc các huyện của tỉnh Hà Tĩnh do Công ty Nibelc tuyển chọn và đào tạo những tháng vừa qua.
Tuy nhiên, khi khu lán trại tạm vừa đưa vào sử dụng vài tháng, Ban Quản lý KKT Vũng Áng đã ra văn bản yêu cầu Công ty Nibelc không cho công nhân được lưu trú trong các khu nhà tạm nằm trên diện tích thuê lại của Shatico và tháo dỡ công trình chỉ với lý do hạng mục xây dựng không phù hợp với quy hoạch.
Để bù lại các công trình yêu cầu di dời, tháo dỡ, Ban Quản lý KKT Vũng Áng giới thiệu Công ty Nibelc liên hệ với Công ty Hoành Sơn đàm phán việc thuê mặt bằng. Sau khi khảo sát thực tế, ngày 11/3/2013, Công ty Nibelc đã có báo cáo gửi Ban Quản lý KKT Vũng Áng thông báo việc chưa thể di dời, do Công ty Hoành Sơn chưa chuẩn bị xong mặt bằng, hạ tầng điện, nước, đường sá, viễn thông chưa hoàn chỉnh để có thể dịch chuyển công nhân vào ở.
Trong cảnh tốc độ thi công dự án đang vào giai đoạn nước rút, Công ty Nibelc đã làm đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh và Trung ương đề nghị được giữ lại mặt bằng, cùng các công trình nhà ở và làm việc tạm thời để cán bộ, công nhân viên, chuyên gia yên tâm làm việc nốt 36 tháng còn lại của dự án, đó cũng là cách giúp cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Ngày 16/5/2013, Thượng tá Trương Xuân Tịnh, Trưởng Công an huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh ký công văn số 382/CV-CAH (QLHC) gửi: Thường trực UBND tỉnh Hà tĩnh, Ban Giám đốc Công an Hà Tĩnh, Ban Quản lý KKT Vũng Áng, Thường trực UBND huyện Kỳ Anh, đề nghị các cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền nghiên cứu tình hình thực tế trên địa bàn KKT Vũng Áng về khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, nhà dân để đảm bảo sản xuất, công tác an ninh trật tự và các điều kiện đảm bảo lưu trú cho hơn 1000 công nhân của Công ty Nibelc đã đến lao động trên địa bàn.
Để yên tâm sản xuất, trong đơn kêu cứu khẩn cấp gửi đến các cơ quan chức năng, ông Nguyễn Phương Hoan, Phó Tổng giám đốc Công ty Nibelc đề nghị được tiếp tục giữ lại mặt bằng và các công trình tạm trong thời gian 36 tháng còn lại để người lao động tiếp tục được sống và làm việc, tránh gây ra những tổn thất không đáng có. Việc phá dỡ khu nhà ở của người lao động hiện tại sẽ gây thiệt hại lớn về tài chính, trên 1.000 người lao động sẽ mất chỗ ăn ở, không tiếp tục công việc tại dự án, tiến độ chung của toàn dự án Formsa sẽ ảnh hưởng nặng nề, hậu quả về an sinh xã hội.
Trong trường hợp Ban Quản lý KKT Vũng Áng Vũng Áng tiến hành cắt điện, cắt nước, cắt viễn thông, thực hiện cưỡng chế phá dỡ vào ngày 20/6/2013 khi chưa có phương án di dời hợp lý, Công ty Nibelc cũng đề nghị Ban Quản lý KKT Vũng Áng và UBND tỉnh Hà Tĩnh chịu trách nhiệm về các hậu quả xấu, các thiệt hại về an ninh trật tự, an sinh xã hội có thể xảy ra.
Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương