Hội những người vỡ nợ muốn làm liều và cái kết nào cho những kẻ liều lĩnh?

Thế Hưng

(Dân trí) - Vụ cướp ngân hàng phường Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được thực hiện bởi 2 thành viên của "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều". Đây là lần thứ hai thành viên của hội tổ chức các vụ cướp.

Trước đó vào ngày 15/1, Công an quận Hoàng Mai phối hợp cùng Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an TP Hà Nội) và các lực lượng chức năng bắt giữ thành công 3 đối tượng trong vụ cướp tài sản ở căn hộ chung cư Linh Đàm, phường Hoàng Liệt.

Ba nghi phạm bị bắt giữ gồm: Nguyễn Tùng Lâm (SN 1987, quê Hưng Yên), Tô Văn Tình (SN 1993, quê Quảng Ninh) và Lê Duy Dự (SN 1994, quê Thanh Hóa) đều là thành viên "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều".

Theo đó đầu tháng 1/2022, Lâm, Tình và Dự truy cập vào nhóm "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều" kết bạn với nhau. Sau khi trao đổi trên nhóm, các đối tượng tách ra nhắn tin riêng rủ nhau đi cướp tài sản của Thế giới di động. Tuy nhiên, hai thành viên nhận thấy cửa hàng này có lắp nhiều camera nên bỏ không thực hiện.

Sau đó, Lâm đọc trên Facebook biết anh Trần kinh doanh mua bán điện thoại di động cũ qua mạng Internet. Lâm đã bàn bạc với Dự và Tình tới cướp tài sản tại nhà của anh Trần ở chung cư Linh Đàm, các đối tượng đồng ý.

Hội những người vỡ nợ muốn làm liều và cái kết nào cho những kẻ liều lĩnh? - 1

Nguyễn Văn Hiếu (phải) và Nguyễn Thanh Tùng (Ảnh: CTV).

Cũng từ "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều" trên, hai đối tượng Nguyễn Văn Hiếu (SN 1991, trú tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) và Nguyễn Thanh Tùng (SN 1981 trú tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã quen biết và rủ nhau cướp ngân hàng tại phường Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Quen biết nhau từ những dòng trạng thái đùa cợt

Đúng như tên gọi, các thành viên trong nhóm "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều" thường xuyên đăng tải các bài viết với nội dung tiêu cực. Nội dung các bài viết đều có ẩn ý liên quan tới các hành vi trái pháp luật như đi cướp, thực hiện các phi vụ nếu thiếu tiền, nhảy xe ở nhà trọ, mua tiền giả, bán dâm, đánh bạc…

Là một thành viên trong nhóm, nhưng anh N.D.Khánh (Hưng Yên) cho biết, các thành viên thường xuyên đăng tải các bài viết có tính chất kích động. Tuy nhiên, rất nhiều người cho rằng đó là những dòng trạng thái đùa cợt nên vô tình hùa theo.

Khi bài viết có nhiều tương tác, đôi lúc anh Khánh cũng tưởng đó là những lời kêu gọi thật. "Vì thế tôi không bất ngờ khi một số bạn trẻ thiếu suy nghĩ, những đối tượng thực sự vỡ nợ nhờ đó mà tìm được đồng đội", anh Khánh nói.

Hội những người vỡ nợ muốn làm liều và cái kết nào cho những kẻ liều lĩnh? - 2

Những bài viết đùa cợt, nhưng vô tình lại trở thành nơi "nhắn tìm đồng đội" của các đối tượng xấu (Ảnh: Thế Hưng).

Câu hỏi được dư luận đặt ra là, liệu những người lập ra Hội này có thể bị truy tố trước pháp luật không? Luật sư Trần Viết Hà, luật sư thành viên công ty luật Nam Sơn (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, những người lập ra nhóm "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều" đã làm một việc rất đáng lên án bởi thời gian gần đây sau rất nhiều vụ cướp xảy ra, tội phạm khi bị bắt đều khai ra quen biết nhau trên những hội nhóm này.

Tuy nhiên, nếu những người thành lập nhóm này chỉ với mục đích như một trò đùa, không nhận bất kỳ lợi ích vật chất nào từ các thành viên đã thực hiện hành vi phạm tội, thì không có cơ sở để xử phạt họ.

Trường hợp những người lập nên hội nhóm này với mục đích kết nối tội phạm, khuyến khích cổ xúy thực hiện các hành vi phạm tội như trộm cướp, thì trước hết có thể bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng với hành vi cung cấp thông tin, kích động bạo lực trên mạng xã hội được quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 14/2022/NĐ-CP.

Thêm vào đó, nếu các thành viên sáng lập biết rõ về các hành vi phạm tội mà các thành viên đã và sẽ thực hiện mà không tố giác cho cơ quan công an thì hoàn toàn có thể xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự với tội không tố giác tội phạm được quy định tại Điều 390 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Hội những người vỡ nợ muốn làm liều và cái kết nào cho những kẻ liều lĩnh? - 3

Hội những người vỡ nợ muốn làm liều có tới 123,9 nghìn thành viên (Ảnh: Thế Hưng).

Theo luật sư Trần Viết Hà, cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp, kiểm tra và xóa bỏ các hội nhóm tương tự trên các nền tảng mạng xã hội. Bởi "đánh rắn phải đánh dập đầu"; "diệt cỏ phải diệt tận gốc" các hành vi tội phạm đều manh nha từ đây mà ra. Do vậy loại bỏ những mầm mống này cũng sẽ góp phần giảm trừ các hành vi phạm tội và bạo lực.