Gia Lai:

Hoang tàn cảnh tận thu gỗ, phá rừng làm rẫy ngay cách trạm quản lý bảo vệ rừng

(Dân trí) - Nằm cách trạm quản lý bảo vệ rừng Đê Toăk (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) khoảng 4km là những cảnh tượng “hoang tàn” của những sườn đồi bị “cạo trọc, đốt sạch”. Không những thế, các đối tượng “lâm tặc” còn ngang nhiên dùng cưa đốn hạ những cây gỗ lớn và xẻ ngay tại rừng.

“Lâm tặc” đốn gỗ, dân đi sau đốt rừng

Trong vai những người đi lấy lan, chúng tôi đã mật phục bám theo những đối tượng “lâm tặc” vào tận điểm khai thác gỗ thuộc khu vực làng Đê Toăk (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang). Chở trên xe cưa lốc, các đối tượng đã ngang nhiên đi qua Trạm bảo vệ rừng Đê Toăk và theo hướng 12h vào cánh rừng.

“Hoang tàn” cảnh tận thu gỗ, phá rừng làm rẫy trên vùng Kon Chiêng

Vượt hơn 4km đường rừng, đập vào mắt chúng tôi là cảnh ngỗn ngang những cây gỗ lớn, gỗ nhỏ bị cưa hạ. Cận cảnh, những khoảng rừng bị đốt cháy đen, trơ trọi lại những cây gỗ lớn được xẻ khúc nằm la liệt.

Hoang tàn cảnh tận thu gỗ, phá rừng làm rẫy ngay cách trạm quản lý bảo vệ rừng - 1
Hàng chục gốc cây lớn nhỏ bị đốn hạ, nằm ngổn ngang giữa rừng

Phá vỡ sự yên tĩnh, tiếng cưa lốc của các đối tượng “lâm tặc” vẫn “thét vang” một vùng trời thuộc cánh rừng Kon Chiêng. Từ những cây nhỏ, lớn đều bị cưa hạ và đốt sạch để nhường chỗ cho những đám rẫy mì. Những cây lớn, các đối tượng đã tận dụng xẻ hộp ngay tại rừng, cây nhỏ thì gom lại rồi đốt sạch. Bên sườn đồi, khói vẫn bốc lên nghi ngút, khét lẹt giữa tiết trời nóng nực.

Hoang tàn cảnh tận thu gỗ, phá rừng làm rẫy ngay cách trạm quản lý bảo vệ rừng - 2
Những gốc cây lớn thì được các đối tượng xẻ hộp còn cây nhỏ bị đốt

Sau khi đốn hạ một gốc Bằng Lăng, một người làm gỗ nói chuyện với chúng tôi: “Dân mình thường vào rừng kiếm gỗ sau đó ra làng bán. Thường có người đặt quy cách và chủng loại gỗ rồi mình làm theo. Hôm nay, chúng tôi được đặt để khai thác gỗ Băng Lăng nên hai anh em chúng tôi tranh thủ vào khu rừng này để xẻ. Mỗi ngày, chúng tôi làm khoảng 6-8 khúc nhỏ rồi đợi đến 7h đêm thì đưa ra làng bán…”.

Hoang tàn cảnh tận thu gỗ, phá rừng làm rẫy ngay cách trạm quản lý bảo vệ rừng - 3
Cảnh tượng hoang tàn của cánh rừng trên vùng Kon Chiêng

Dù thời tiết nắng như đổ lửa, nhưng trên những sườn đồi từng nhóm người vẫn cưa hạ các gốc cây lớn, tiếng cưa vẫn “thét” vang cả khu rừng. Tiến sâu vào bên trong, PV phát hiện một khoảng trống chỉ còn lại gốc cây. Tại hiện trường, vô số các cây có đường kính khoảng 20 cm, bị cưa hạ, dấu vẫn còn mới.

Hoang tàn cảnh tận thu gỗ, phá rừng làm rẫy ngay cách trạm quản lý bảo vệ rừng - 4
Những cây lớn bị các đối tượng "lâm tặc" tận thu và xẻ theo quy cách và đưa đi tiêu thụ

Xung quanh sườn đồi, cây lớn cây nhỏ đều bị cưa hạ nằm ngổn ngang, chồng chéo lên nhau. Với hình thức tận dụng một số cây lớn để lấy gỗ, cây nhỏ thì đốt sạch. Từng vạt rừng tại xã Kon Chiêng đang bị tàn phá và lấn chiếm nghiêm trọng.

Ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Ngay sau khi xâm nhập hiện trường, PV đã liên hệ với ông Lê Trọng - Chủ tịch UBND huyện Mang Yang. Theo ông Trọng cho biết, vẫn chưa nghe anh em báo cáo gì về vụ việc này. Ngay sau khi báo chí thông tin, huyện đã cử lực lượng chức năng xuống kiểm tra, xác định vị trí rừng bị phá. Ban đầu xác định đúng vị trí mà báo phản ánh, hiện các anh em đang kiểm tra. Khi có số liệu cụ thể sẽ thông tin ngay với báo chí…”. 

Đặc biệt, các làng Đê Thương, Đê Toăk và làng Giữa là 3 làng thuộc xã Kon Chiêng đang nóng về tình trạng khai thác lâm sản trái phép và lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Trước đó, báo Dân trí cũng đã đột nhập vào một điểm thu mua gỗ lậu ngay giữa làng và đã có bài phản ánh: “Đột kích” điểm tập kết gỗ lậu “khủng” nằm ngay mặt đường tại Gia Lai!”. Cụ thể, các đối tượng này đã thu mua những hộp gỗ nhỏ từ những người dân đồng bào đi khai thác.

Hoang tàn cảnh tận thu gỗ, phá rừng làm rẫy ngay cách trạm quản lý bảo vệ rừng - 5
Những khúc gỗ được xẻ theo quy cách được tập kết tại làng Đê Thương để chờ đưa đi tiêu thụ

Sau khi Dân trí phản ánh, lực lượng chức năng đã kiểm tra và phát hiện 6 điểm tập kết với 26,473 m3 gỗ lậu (nhóm I-IV). Tuy nhiên, các đối tượng liên quan trong vụ việc vẫn chưa được xử lý nghiêm, đặc biệt, các đối tượng thu mua, tập kết gỗ lậu trong khu vực 3 làng trên.

Sau một thời gian, tình trạng khai thác và tập kết gỗ lậu tại 3 làng trên vẫn tiếp tục tái diễn. Trước khi mật phục theo chân các đối tượng khai thác lâm sản, phóng viên đã “đột nhập” kiểm tra tại làng Đê Thương và phát hiện một số điểm tập kết gỗ trái phép. Theo đó, các gỗ tập kết tại làng Thương đều giống quy cách mà các đối tượng “lâm tặc” xẻ tại rừng.

Hoang tàn cảnh tận thu gỗ, phá rừng làm rẫy ngay cách trạm quản lý bảo vệ rừng - 6
Nóng tình trạng phá rừng làm nương rẫy trên vùng Kon Chiêng

Ông Đinh Nguy – Chủ tịch xã Kon Chiêng cho biết: “Sau khi báo chí phản ánh, đoàn chức năng đã đi kiểm tra và xác minh. Vị trí rừng bị phá là rừng thuộc địa bàn quản lý của Công ty lâm nghiệp Kông Chiêng. Tình trạng phá rừng làm nương rẫy này chỉ mới bắt đầu vào mùa nắng. Mới đây, anh em cũng đi kiểm tra thì phát hiện vị trí cưa hạ là ở làng Thương và Bờ Yầu, nhưng chủ yếu là làm nương rẫy”.

Trao đổi với PV, ông Văn Hải Hội – Giám đốc Công ty TNHH lâm nghiệp Kong Chiêng cho hay: “Thời gian vừa rồi, các anh em ở trạm quản lý bảo vệ rừng Đê Toăk được tăng cường bảo vệ nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép. Hiện chúng tôi vẫn đang xác định thông tin báo chí phản ánh”.

Nhóm PVĐT