Hoà Bình: Đất lâm nghiệp của dân “bỗng dưng” biến thành của doanh nghiệp?
(Dân trí) - Gia đình ông Đinh Công Phượng ở xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình bức xúc phản ánh đến Báo Dân trí: Tháng 11/2013, gia đình ông không khỏi choáng váng khi nghe tin trong bản đồ địa chính đất rừng trên địa bàn xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn thể hiện khu đồi rừng của gia đình ông đang sử dụng và khai thác từ nhiều đời nay lại là đất của doanh nghiệp.
Cụ thể, khu đất có vị trí tại khu vực Đồi Lủ, Suối Trầm, Trụng Tre thuộc xóm Quyết Tiến lại là đất của Xí nghiệp Lâm trường Kỳ Sơn trước đây, nay đổi tên là Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Hòa Bình (Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình).
Cũng từ năm 2013, UBND xã Phúc Tiến đã nhiều lần thông báo bằng miệng yêu cầu gia đình ông Đinh Công Phượng trả lại khu đất rừng cho Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình, đồng thời Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình liên tục yêu cầu gia đình ông Phượng phải vay vốn mua cây giống của công ty với mục đích ăn chia lợi nhuận khi thu hoạch rừng. Khi gia đình ông Phượng không có nhu cầu vay vốn thì Công ty Lâm nghiệp quay sang đòi đất, đã nhiều lần Công ty Lâm nghiệp cho người đến chôn cột mốc ở ranh giới khu rừng, gia đình ông Phượng lại cho người đào bỏ đi.
Chính vì những vấn đề này người bên Công ty Lâm nghiệp và người nhà ông Phượng đã nhiều lần tranh cãi gay gắt với nhau, gây mất an ninh trật tự ở địa phương.
Theo ông Đinh Công Phượng, gia đình họ tộc nhà ông sống thuần nông, mưu sinh bằng nghề trồng lúa và trồng rừng. Trước đây gia đình ông còn có một khu ruộng trồng lúa, nhà nước đã thu hồi phần đất ruộng để làm đường Hòa Lạc - Hòa Bình, hiện gia đình ông chỉ còn khu đất đồi này do ông cha khai phá từ thời kỳ chống Pháp để lại. Cũng từ đó, đời này sang đời khác, chỉ mình gia đình ông quản lý sử dụng trồng rừng và hoa màu, không hề có tranh chấp với ai và cũng không có biến động gì khác.
Năm 1994 có Nghị định 02 của Chính phủ giao đất đồi rừng cho các hộ gia đình quản lý sử dụng. Thực hiện nghị định, ngày 28/6/1996, Ủy ban nhân dân xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn đã giao khu đất nói trên cho gia đình ông Đinh Công Phượng, có biên bản giao nhận đầy đủ, địa chỉ khu đất rõ ràng để gia đình ông Phượng canh tác xóa đói, giảm nghèo. Thế nhưng không hiểu sao, tại bản đổ địa chính nằm ở Ủy ban nhân dân xã Phúc Tiến lại thể hiện trong bản đồ khu đồi rừng của gia đình ông lại là đất của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình, ông Đinh Công Phượng thắc mắc.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hồng Đức - Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình cho biết: Vụ việc tranh chấp đất rừng giữa Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình với ông Đinh Công Phượng đã kéo dài nhiều năm nay, công ty cũng đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng ở huyện Kỳ Sơn nhiều lần làm việc với gia đình ông Phượng nhưng chưa đạt kết quả giữa hai bên.
Người dân bức xúc phản ánh sự việc
Tại buổi trao đổi, Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình khẳng định khu đất đang xảy ra tranh chấp là đất thuộc Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình quản lý, được thể hiện tại Quyết định số 2924/QĐ – UBND ngày 09/12/2013 của UBND tỉnh Hòa Bình. Còn việc tháng 6/1996 UBND xã Phúc Tiến giao đất cho gia đình ông Phượng là trái với quy định.
Phản biện lại ý kiến của Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình, ông Đinh Công Phượng cũng lại khẳng định khu đồi rừng đó là thuộc gia đình ông quản lý, bởi lẽ khu đồi này nguồn gốc từ đời ông cha của ông phượng khai phá để trồng lúa nương và trồng mầu từ những năm 1950. Còn các Quyết định số 02 ngày 12/12/1986 của UBND huyện Kỳ Sơn và Quyết định số 2924 ngày 09/12/2013 của UBND tỉnh Hòa Bình ban hành sau khi khi gia đình ông quản lý hơn 30 năm.
Ông Đinh Minh Đạo, 72 tuổi, công dân sinh ra và lớn lên tại xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến khẳng định từ ngày còn bé, ông đã thấy bố của ông Phượng làm nương trồng lúa ở trên đồi này, ông đi bộ đội gần 20 năm về vẫn thấy gia đình ông Phượng quản lý trồng rừng.
Trong thời gian đi bồ đội về ở địa phương, ông Đinh Minh Đạo có gần 10 năm làm Chủ tịch xã Phúc Tiến, 10 năm làm trưởng xóm Quyết Tiến, ông Đạo chưa bao giờ nghe nói hoặc nhìn thấy văn bản nào cho thấy khu đồi rừng này là của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình. Bây giờ lại nghe nói khu đồi rừng của gia đình ông Phượng là của Công ty Lâm nghiệp thì ông không chấp nhận được.
Phóng viên Dân trí có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Phúc Tiến. Ông Dũng xác nhận: Khu đồi rừng đang xảy ra tranh chấp, gia đình ông Đinh Công Phượng ở xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến trồng mầu trồng rừng khai thác sử dụng hiệu quả từ nhiều năm nay.
Thời điểm tháng 6/1996, đại diện UBND xã Phúc Tiến có giao đất đồi rừng theo nghị định 02 của Chính phủ cho gia đình ông Đinh Công Phượng cùng một số hộ khác. Trong khi đang chờ làm thủ tục cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ được giao thì Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình thông báo khu đất UBND xã giao cho các hộ là đất của Công ty Lâm Nghiệp, do đó UBND xã Phúc Tiến đã phải dừng việc làm thủ tục cấp Giấy CNQSDĐ cho các hộ.
Tháng 12/2013, UBND xã Phúc Tiến nhận được Quyết định số 2924/QD –UB ban hành ngày 09/12/2013, UBND tỉnh Hòa Bình cho Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Hòa Bình thuê đất, trong diện tích đất cho thuê có khu đất của gia đình ông Đinh Công Phượng.
Căn cứ theo quyết định thì UBND xã đã thông báo cho gia đình ông Đinh Công Phượng trả lại đất cho Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình. Khi thực hiện thấy vướng mắc, UBND xã đã tạm dừng việc yêu cầu nhà ông Phượng thực hiện trả rừng. Vụ việc này lãnh đạo xã cũng rất trăn trở bởi đã gây khiếu kiện kéo dài phức tạp ở địa phương.
Mới đây ngày 7/12/2018, UBND xã Phúc Tiến nhận được đơn hợp lệ của ông Đinh Công Phượng đề nghị được giải quyết dứt điểm, trả lại đất cho gia đình ông Phượng. Hiện nay xã Phúc Tiến đang tiến hành thụ lý đơn, nguyên cứu vụ việc, báo cáo UBND huyện hướng giải quyết sao cho hợp lý hợp tình, đảm bảo quyền lợi cho người dân, nhất là các hộ ở xã Phúc Tiến đang có nhu cầu đất lâm nghiệp để phát triền kinh tế.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.
Đàm Quang