Hiệu trưởng Trường CĐSP Sóc Trăng bị tố nhiều sai phạm: Ban hành nhiều quyết định mập mờ?
(Dân trí) - Sau khi báo Dân trí có bài phản ánh nhiều sai phạm của bà Mai Thị Yến Lan- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng, PV tiếp tục nhận được tố cáo của một số giáo viên, nhân viên của Trường Thực hành Sư phạm Sóc Trăng về những khuất tất của bà Mai Thị Yến Lan.
Mập mờ tuyển dụng giáo viên
Bà Dương Thị Mười - Hiệu trưởng Trường Thực hành sư phạm Sóc Trăng (gọi là trường THSP) tiếp tục có đơn gửi các cơ quan chức năng của tỉnh Sóc Trăng đề nghị làm rõ những khuất tất của bà Mai Thị Yến Lan- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng (gọi là trường CĐSP) trong tuyển dụng giáo viên (GV) và việc sử dụng ngân sách chi cho hoạt động của trường THSP.
Theo tường trình của bà Dương Thị Mười, trường THSP trực thuộc trường CĐSP, hoạt động theo quy chế trường THSP do Bộ GD-ĐT quy định và Điều lệ trường phổ thông có nhiều cấp học. Biên chế cán bộ, GV của trường này cùng chung với biên chế của trường CĐSP. Nhân sự và kinh phí của trường THSP do trường CĐSP quản lý. Về chuyên môn, chương trình và các hoạt động phong trào khác do Phòng GD-ĐT huyện Mỹ Xuyên quản lý (vì trường đóng trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên), có con dấu riêng, thực hiện đúng chức năng của trường phổ thông có nhiều cấp học.
Tuy nhiên, trong những năm qua, dưới thời bà Mai Thị Yến Lan làm Hiệu trưởng, hoạt động của trường CĐSP gặp nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề biên chế GV, nhân viên và kinh phí hoạt động.
Bà Mười cho biết, về biên chế GV, trường CĐSP hiện nay có 154 cán bộ, GV và nhân viên, trong khi chỉ tiêu giao là 163 người, so với chỉ tiêu thiếu 9 người. Còn trường THSP hiện nay có 40 lớp, trong đó 9 lớp Mẫu giáo, 18 lớp Tiểu học và 13 lớp THCS; đội ngũ GV có 64 người (trong đó biên chế 54, hợp đồng 10 người), nhân viên 9, cán bộ quản lý 4. Theo tỷ lệ GV trên từng cấp học thì GV Mẫu giáo và Tiểu học không thiếu (19 GV/9 lớp Mẫu giáo; 26 GV/18 lớp Tiểu học), còn thiếu 5 GV cấp THCS ở các môn Vật lý, Hóa-Sinh, Công nghệ, Địa lý, Tin học. Vì thiếu nên trường THSP đã nhiều lần đề nghị bà Lan cho tuyển dụng thêm nhưng bà Lan không chấp nhận mà không giải thích rõ ràng khiến dư luận GV rất bất bình.
Ký hợp đồng lao động không đúng, cho thôi việc không rõ lý do
Theo phản ánh của bà Trần Thị Thanh Hồng, ngày 1/8/2010, bà được trường CĐSP ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với chức danh chuyên môn là kế toán. Liên tục từ đó đến ngày 1/8/2014, bà Hồng đều được trường CĐSP ký HĐLĐ mỗi năm một lần với thời hạn 12 tháng/năm. Cũng từ năm 2010-2015, bà Hồng liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ, được bầu chọn danh hiệu Lao động tiên tiến.
Tuy nhiên, ngày 1/8/2015, bà Hồng được trường này tiếp tục ký HĐLĐ nhưng chỉ với thời hạn 5 tháng (từ ngày 1/8/2015 đến ngày 31/12/2015). Thấy lạ, bà Hồng hỏi thì được cán bộ tổ chức cho biết là “làm theo chỉ đạo của Hiệu trưởng Mai Thị Yến Lan”. Đến ngày 7/12/2015, bà Mai Thị Yến Lan ban hành Quyết định số 267/QĐ-CĐSP chấm dứt HĐLĐ đối với bà Hồng bắt đầu từ ngày 31/12/2015.
Bà Trần Thị Thanh Hồng cho biết: “Việc Hiệu trưởng trường CĐSP Sóc Trăng ban hành quyết định chấm dứt HĐLĐ đối với tôi là không đúng quy định, không thông báo trước cho tôi biết, không nêu rõ lý do vì sao chấm dứt HĐLĐ. Tôi thắc mắc thì không được trả lời khiến cho cuộc sống của tôi bị đảo lộn. Khi nhận quyết định chấm dứt HĐLĐ, tôi còn nợ 5 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ của công đoàn trường CĐSP, tiền vay thấu chi, vay tín chấp từ ngân hàng với số tiền khoảng 23 triệu đồng. Số tiền này, tôi trừ dần vào lương hàng tháng, nay trường bắt tôi phải trả hết một lần vì không còn là người của trường nên tôi phải chạy vay bên ngoài để trả”.
Theo một GV của trường THSP, bà Hồng trước đây là kế toán của trường THSP. Sau khi bà Lan về làm Hiệu trưởng đã điều một kế toán của trường CĐSP sang làm kế toán trường THSP, nhưng không thông báo cho bà Hồng và Hiệu trưởng trường THSP biết, thành ra trường THSP cùng lúc có 2 kế toán. Sau đó một thời gian, bà Lan điều bà Hồng về trường CĐSP nhưng không bố trí công việc đúng chuyên môn đã học mà chỉ dùng để “sai vặt”. Cuối cùng cho bà Hồng đi học lớp nâng cao năng lực quản lý tài sản-tài chính. Sau khi bà Hồng học xong thì cho… nghỉ việc.
Bà Trần Thị Thanh Hồng cho biết, bà đã nộp đơn khiếu nại việc bà Lan ký HĐLĐ và quyết định chấm dứt HĐLĐ không đúng đến cơ quan chức năng. Ngày 4/7 vừa qua, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng có mời bà đến làm việc.
Tại buổi làm việc, cán bộ Sở nói với bà là Hiệu trưởng trường CĐSP ký hợp đồng sai quy định, còn quyết định chấm dứt HĐLĐ là đúng. “Sở cũng đã làm việc với trường CĐSP và có kết luận ký hợp đồng sai quy định, chấp nhận yêu cầu bồi thường của tôi. Tuy nhiên, trường CĐSP nhờ Sở LĐ-TB&XH tỉnh thỏa thuận với tôi giảm mức bồi thường nhưng tôi không đồng ý mà đề nghị giải quyết theo quy định”.
Theo bà Hồng, bà yêu cầu Hiệu trưởng trường CĐSP phải bồi thường các khoản gồm: Trả lương và tiền bảo hiểm cho 7 tháng bị cho nghỉ việc do ký sai HĐLĐ; bồi thường thêm 2 tháng do ký sai HĐLĐ; nguyện vọng của bà Hồng là tiếp tục được nhận vào làm việc tại đơn vị cũ, nếu không nhận làm việc lại sẽ bồi thường thêm 2 tháng nữa, tổng cộng là 11 tháng lương.
Như vậy, việc bà Lan ký quyết định chấm dứt HĐLĐ với bà Hồng là không đúng quy định của pháp luật. Luật quy định rõ: “Người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn”.
Bạch Dương