Bạn đọc viết:

Hiểu đúng hơn về tiền “bo” và nghề hướng dẫn viên du lịch

(Dân trí) - Chúng tôi bước vào nghề với sự say mê nghề nghiệp và tinh thần phục vụ khách hàng, mà không hề đặt lợi ích vật chất thành mối quan tâm hàng đầu. Đó cũng là “bí quyết” thành công của nghề hướng dẫn viên (HDV) du lịch.

Hiểu đúng hơn về tiền “bo” và nghề hướng dẫn viên du lịch - 1
HDV đưa du khách qua đường  (ảnh: dalat.gov.vn)

Cái nhìn tích cực

 

Sau khi đọc bài viết “VAT” đang làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam của ThS. Trần Văn Anh, tôi thật sự không đồng tình với nhiều ý kiến của tác giả bài viết. Tôi nhận thấy rằng tác giả mới chỉ nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh nhỏ và thiếu tích cực về tiền “bo” cũng như công việc của các HDV du lịch.

 

Với tư cách là một HDV du lịch, sau khi đọc bài viết của ThS. Nguyễn Minh Mẫn, tôi cảm thấy được chia sẻ và khích lê rất nhiều vì tác giả bài viết đã hiểu đúng và thông cảm với nghề nghiệp chúng tôi đang làm.

 

Nhân đây, tôi cũng xin trình bày với với ThS Trần Văn Anh cũng như quý vị độc giả một vài chia sẻ và quan điểm cá nhân về vần đề tiền “bo” và nghề HDV du lịch, để quý vị có một cái nhìn đúng hơn về vấn đề được nêu và công việc mà chúng tôi đang làm. Tôi viết những lời này không hề có ý kể lể về nghề nghiệp của mình, mà chỉ mong có một cái nhìn khác và tích cực hơn từ phía tất cả mọi người.

 

Đối với những HDV như chúng tôi, khi bước vào nghề thì điều mà chúng tôi quan tâm là công việc này phải phù hợp với sở thích của mình và yêu nghề là tiêu chí quan trọng đảm bảo sự thành công trong nghề nghiệp.

 

Có lẽ tất cả chúng tôi bước vào nghề HDV đều với sở thích đươc khám phá và ngao du đây đó đến những vùng miền xa, nhưng chúng tôi không bao giờ quên được phương châm nghề nghiệp của mình là: phục vụ khách một cách tốt nhất, nhằm đem lại sự thoải mái, hài lòng và đáp ứng nhu cầu giải trí vui chơi, tìm hiểu, khám phá của khách hàng một cách cao nhất.

 

Do vậy, tất cả chúng tôi bước vào nghề với sự say mê nghề nghiệp và tinh thần phục vụ khách hàng, mà không hề đặt lợi ích vật chất thành mối quan tâm hàng đầu. Đó cũng là “bí quyết” thành công của nghề HDV du lịch, bởi nhiệm vụ của chúng tôi là trước hết phải đem lại sự hài lòng và thoải mái cho người khác.

 

Bước vào nghề HDV du lịch, chúng tôi ai cũng biết là mình đã chọn một công việc đòi hỏi sự hi sinh và không hề “nhẹ nhõm”. Với công việc mình đang làm, chúng tôi phải thường xuyên xa gia đình, xa những người thân yêu. Với chúng tôi, không hề có khái niệm ngày lễ, Tết hay ngày nghỉ bởi một lí do đơn giản: những lúc mọi người được nghỉ ngơi, đi du lịch cùng gia đình thì chúng tôi lại lên đường để phục vụ.  Chúng tôi sẵn sàng đi đến đâu, bất cứ lúc nào, bất kể giờ giấc sớm khuya để đáp ứng nhu cầu giải trí đa dạng của khách hàng.

 

Bên cạnh đó, mỗi HDV du lịch chúng tôi ngoài những kĩ năng và kiến thức cần có về lịch sử, địa lí, văn hóa, xã hội ….để phục vụ cho công việc của mình, thì còn thường xuyên cập nhật thông tin là một việc làm mà chúng tôi phải thực hiện. Xã hội và thế giới đang biến đổi như vũ bão, mà nhu cầu của du khách khi đi du lịch để học hỏi và khám phá ngày càng nhiều, nên chúng tôi cần phải luôn cập nhật thông tin để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu rất cao của khách hàng.

 

Điều này cũng đòi hỏi chúng tôi phải hi sinh nhiều thời gian cá nhân để phục vụ cho công việc. Hơn nữa, để đáp ứng và làm hài lòng tất cả khách hàng khác nhau trong một tập thể  luôn đòi hỏi ở sự nhẫn nại. Đây là dức tính mà chúng tôi cần rèn luyện cho mình khi bước vào nghề này. Nghề HDV của chúng tôi là vậy đó.
 
Hiểu đúng hơn về tiền “bo” và nghề hướng dẫn viên du lịch - 2
(ảnh minh họa từ Internet) 
 

Phụ cấp đặc biệt

 

Sau cùng, một vấn đề quan trọng là xin mọi người hãy hiểu đúng hơn về tiền “bo” hay còn gọi là tiền tip. Đối với các nước đã có ngành công nghiệp du lịch phát triển từ lâu như Châu Âu, Mỹ hay gần chúng ta nhất như Thái Lan, thì tiền tip đã trở thành một phần tất yếu trong hoạt động kinh doanh du lịch, nhằm hỗ trợ về mặt tài chính và động viên tinh thần phục vụ của HDV.

 

Hiện nay, các công ty du lịch Việt Nam khi gởi khách sang nước ngoài, đặc biệt là Châu Âu, Mỹ… thì các hãng du lịch ở nước ngoài đã “đòi” tiền tip ngay khi thanh toán tiền tour. Còn với nước ta, mặc dù ngành công nghiệp du lịch cũng rất phát triển trong những năm gần đây, nhưng cũng còn có nhiều quan điểm chưa đúng và tích cực về tiền tip cho HDV du lịch.

 

Nếu được, có thể hiểu rằng, tiền tip cho HDV du lịch như là một khoản “phụ cấp đặc biệt” dành cho chúng tôi vì những đặc điểm của nghề nghiệp mà chúng tôi phải hy sinh và chịu thiệt thòi như tôi đã chia sẻ ở trên. Nếu mọi ngưới hiểu được như thế thì chuyện tiền tip không còn là chuyện tế nhị và khách du lịch cảm thấy ý nghĩa thực sự của việc đưa tiền tip. Và những HDV như chúng tôi cũng cảm thấy thoải mái và vui hơn khi nhận tiền tip từ khách hàng.

 

Tôi cũng xin nói thêm rằng, là những HDV du lịch, chúng tôi mong nhận được tiền tip từ khách, nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng tiền tip là sự tự nguyện nên chúng tôi không hề ép buộc khách phải đưa tiền tip. Chúng tôi rất mong muốn sự phục vụ của mình được khách hàng ghi nhận và đánh giá, và tiền tip dành cho chúng tôi chính sự ghi nhận và đánh giá của khách hàng về thái độ phục vụ của HDV.  Đặc biệt, chúng tôi còn xem tiền tip có một ý nghĩa cao quý hơn vì đó cũng là một cách cám ơn và thể hiện tình cảm mà khách hàng dành cho chúng tôi.

 

Với những chia sẻ trên, mong tất cả mọi người sẽ có một cái nhìn khác về tiền “bo” và nghề nghiệp chúng tôi đang làm. Trong mọi hoàn cảnh chúng tôi luôn nhận thấy nhiệm vụ to lớn của công việc mình đang làm, như một nhà sử học tên tuổi đã có lần nói với chúng tôi: “ HDV du lịch là những đại sứ văn hóa”.

 

Vâng chúng tôi ý thức rõ trách nhiệm cuả mình và chỉ muốn được đánh giá đúng về công việc của mình. Mong nhận được ý kiến phản hồi của quý vị độc giả.

      

Nguyễn Hoàng Phúc

Email:  nghoangphuc@yahoo.com