Hiến kế cho vấn nạn tắc đường Hà Nội

(Dân trí) - Ngày 23/5, chưa kịp vui vì thấy Hà Nội sẽ có đường sắt trên cao thì lại đón nhận tin hàng ngàn xe tắc nghẽn ở cửa ngõ thủ đô. Tắc mãi, nguyên nhân nói mãi nhưng giải pháp cũng vẫn “nghẽn” vì tốn kém, thiếu vốn….

Để giải quyết vấn nạn này cho Hà Nội những giải pháp có thể thực hiện được ngay, không cần vay mượn “người ngoài” và kỹ thuật thực hiện trong tầm tay.

 

Giải pháp cho… tư duy bí

 

Giám sát việc sử dụng mặt bằng thi công:

 

Khu vực gầm cầu Vĩnh Tuy hay Pháp Vân - Cầu Giẽ, ngã tư đường Giải Phóng - Kim Liên… thường xuyên tắc do đang thi công, ngổn ngang đất cát, “lô cốt” rào chắn. Giải pháp là tận dụng tối đa mặt bằng dành cho giao thông, hạn chế tối đa các rào chắn của đơn vị thi công chiếm chỗ vô trách nhiệm.
 
Hiến kế cho vấn nạn tắc đường Hà Nội  - 1
Chân cầu Thanh Trì, một bên tắc một bên thoáng (ngày 23/5).

 

Hà Nội và TPHCM là hai đại công trường mà các dự án giao thông sẽ ngày một nhiều, nguy cơ chiếm mặt bằng của các đơn vị thi công càng lớn. Cần một tổ chức giám sát hoạt động này để việc sử dụng mặt bằng thi công và giao thông hài hoà.

 

CSGT và GTCC quá bận rộn lại không đủ kiên nhẫn để theo dõi quy luật hay phân tích nguyên nhân tắc nghẽn - không đủ lý lẽ để tranh luận với đơn vị thi công nhằm tìm ra giải pháp phù hợp. Một công ty đảm bảo giao thông với kinh phí hoạt động được tính vào dự án và đấu thầu thực hiện từng thời gian ngắn là giải pháp hữu hiệu.

 

Dùng dải phân cách mềm

 

Nếu nguyên nhân tắc do luồng, tuyến đặc thù, không nên dùng dải phân cách cố định. Ở Trung Đông, các trục đường nối khu định cư người Palestin vào các lãnh thổ Israel, mỗi sáng đón dòng người vào làm thuê, chiều lại đi ra. Dải phân cách được dịch chuyển ưu tiên luồng đông, thu hẹp luồng vắng bằng các xe cẩu chuyên dụng.
 
Hiến kế cho vấn nạn tắc đường Hà Nội  - 2
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tắc 40km chiều rời khỏi Hà Nội (28/4), hè sức vác xe máy qua barie.

 

Xem ảnh tắc nghẽn của Hà Nội cũng thấy rõ, một chiều đường chật cứng, chiều bên kia vắng tanh, cách nhau bởi dải phân cách bê tông nặng nề trì trệ. Nếu thay thế bằng rào chắn di chuyển được chắc chắn hiệu quả hơn. Việc này cũng nên đấu thầu cho các công ty đảm bảo giao thông.

 

Tăng cường camera “phạt nguội”

 

Tắc đường do ý thức của người tham gia và người vận hành hệ thống giao thông, dùng camera là tốt nhất. Biện pháp “phạt nguội” làm người tham gia giao thông tự giác nhanh nhất. Hệ thống giám sát (cả 2 phía người vi phạm và xử phạt) nên xã hội hoá để tăng tính cạnh tranh.

 

Hàng nghìn ô tô phạt đỗ sai mỗi tháng, hàng chục ngàn người  không đội mũ sẽ được theo dõi bằng hàng vạn cammera, thừa “vốn” để lắp, vận hành hệ thống toàn thành phố. Một “mắt” này có thể xử cả xe xả bụi bẩn, đi ngược chiều, phóng nhanh lạng lách, xe dù bến cóc, chở hàng cồng kềnh, còi to quá quy định…

 

Tư duy tổng hợp để thông đường

 

Tin vui, ngày 22/5, thành phố ký hợp đồng khởi động Tuyến đường sắt đô thị (số 3) dài 13,05 km bắt đầu tại nút giao thông Cát Linh - Giảng Võ và kết thúc tại bến xe Hà Đông… Tổng mức đầu tư cho dự án gần 8.770 tỷ đồng, tương đương hơn nửa tỷ USD. Dự kiến, công tác khảo sát, thiết kế sẽ hoàn thành sau 9 tháng để khởi công xây dựng.
 
Hiến kế cho vấn nạn tắc đường Hà Nội  - 3

Cầu qua sông Châu Giang, Quảng Châu và ngã tư cầu vượt tại một nút giao thông ở Trung Quốc.

 

Sơ đồ thiết kế tuyến số 3 đi qua 7 nút giao cắt lớn: Ô Chợ Dừa, Thái Hà, Ngã Tư Sở, Vành đai 3 và vượt qua sông Nhuệ (Cầu Trắng - Hà Đông). Đây là tuyến đường sắt trên cao nên việc khảo sát nền móng công trình ngầm nổi rất công phu. Hà Nội nên tận dụng nghiên cứu đồng thời 5 cầu vượt, tạo thành các giao cắt lập thể để đảm bảo lưu thông tuyến xuyên tâm từ trung tâm thành phố ra phía Tây Nam. Tuyến đường có hàng triệu lượt người lưu thông mỗi ngày.

 

Các nút giao cắt lập thể còn thay đổi đáng kể cảnh quan đô thị. Với 12  trạm đỗ, các cầu dẫn, nơi gửi xe cá nhân để chuyển đổi phương tiện sẽ kéo theo hàng loạt các diện tích cây xanh hay những công trình kiến trúc, các vị trí có điểm nhấn quan trọng.Với một công trình kết cấu trên cao dài 13,05 km nên kiêm thêm vai trò giá đỡ hệ thống đường dây đường ống chạy dọc theo tuyến được thiết kế có thẩm mỹ.

 
Hiến kế cho vấn nạn tắc đường Hà Nội  - 4

Cầu vượt cho ôtô và một nút giao thông lập thể ở Quảng Châu.

Những không gian lưu không dưới ngầm cần tận dụng làm nơi đỗ xe, quảng cáo, treo đèn chiếu sáng hay lắp camera giám sát. Không gian công cộng tập trung đông ngưòi có thể kinh doanh dịch vụ có tổ chức. Khai thác đa năng là phép toán chia sẻ chi phí, giảm giá thành đầu tư…

 

Tất cả các hạng mục đều có thể xã hội hoá đầu tư, đảm bảo lợi nhuận được chia sẻ cho toàn xã hội. Nhưng quan trọng nhất phải xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, thông minh ngay từ bây giờ.

 

Trần Huy Ánh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm