1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội sẽ có đường sắt trên cao chịu động đất cấp 8

(Dân trí) - Tuyến đường sắt đô thị dài 13,05 km bắt đầu tại nút giao thông Cát Linh - Giảng Võ và kết thúc tại bến xe Hà Đông… Tổng mức đầu tư cho dự án gần 8.770 tỷ đồng, tương đương hơn nửa tỷ USD.

Ngày 22/5, Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) đã ký hợp đồng tổng thầu gói số 1 dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến Cát Linh-Hà Đông). Tổng mức đầu tư dự án là 552,86 triệu USD (gần 8.770 tỷ đồng), trong đó 170 triệu USD vay ưu đãi của Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; 250 triệu USD vay tín dụng ưu đãi bên mua của Ngân hàng Eximbank Trung Quốc; còn lại là vốn đối ứng Việt Nam.

 

Dự án được chia thành 7 gói thầu, trong đó gói chính là gói số 1 tổng thầu EPC. Công ty TNHH Tập đòan Cục 6 đường sắt Trung Quốc được chỉ định làm tổng thầu gói này. Gói số 1 có giá trị hơn 350,5 triệu USD, thời gian thực hiện là 5 năm, tính từ ngày ký. Trong thời gian này, nhà thầu sẽ làm công tác khảo sát thiết kế, mua sắm, cung cấp thiết bị, toa xe; xây lắp cầu cạn, nhà ga; chuyển giao công nghệ…

 

Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông là tuyến đường sắt nhẹ trên cao, dài 13,05 km bắt đầu từ nút giao Cát Linh-Giảng Võ kết thúc tại Bến xe Hà Đông mới, cạnh quốc lộ 6. Toàn tuyến có 12 ga, cách nhau trung bình 1km gồm: Cát Linh-La Thành-Thái Hà-Láng-Đại học Quốc gia-vành đai 3-Thanh Xuân-Bến xe Hà Đông cũ-Hà Đông-La Khê-Văn Khê và Bến xe Hà Đông mới.

 

Theo thiết kế, đây sẽ là tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, có khả năng chịu được động đất cấp 8. Giai đoạn đầu, đoàn xe gồm 4 toa (mỗi toa dài 19m, rộng 2,8m và cao 3,8m) có khả năng chở 1.326 hành khách; sau có thể nâng lên 6 toa chở 2.008 khách. Về vận hành, khai thác, sẽ sử dụng sử dụng công nghệ thông tin truyền dẫn MSPT, hệ thống tín hiệu, điều khiển đạt chuẩn quốc tế.

 

Việc điều khiển chạy tàu, phòng hộ, khống chế tàu, bán vé, soát vé… hoàn toàn tự động.

Dự kiến, công tác khảo sát, thiết kế sẽ hoàn thành sau 9 tháng để khởi công xây dựng nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Theo đó, công trình chính thức vận hành khai thác từ năm 2014, hoạt động liên tục từ 5h đến 23h hằng ngày với năng lực vận chuyển tối đa là 57 nghìn lượt hành khách/giờ.

 

Phúc Hưng