Bạn đọc viết:

Hãy nghĩ ra điều gì hay hơn hai từ “cấm đoán”

(Dân trí) - “Tôi cũng không đồng tình việc "cấm xe theo ngày chẵn lẻ". Đó không phải là kiểu suy luận của nhà quản lý. Khi đề ra 1 chính sách, bao giờ cũng phải cân nhắc nhiều yếu tố. Tôi mạn phép triển khai ý nghĩa của các yếu tố này như sau:

1/. Áp dụng cho ai và áp dụng cái gì? Cho doanh nghiệp và cá nhân có xe ô tô. Cá nhân: Ai bảo đảm rằng từ trước tới giờ, các cá nhân được cấp bảng số chẵn lẻ lần lượt. Điều này chứng tỏ khi cấm xe cá nhân, không chắc chắn rằng lượng xe ra vào của cá nhân sẽ giảm ½. Đã có nghiên cứu nào cho biết lượng xe cá nhân chiếm bao nhiêu phần trăm lượng xe ra vào thành phố chưa? Nếu chưa nghiên cứu, vậy dựa trên nền tảng nào để nói rằng xe ô tô cá nhân ảnh hưởng đến giao thông chung để đưa ra biện pháp cấm? Không logic!

 
Doanh nghiệp: Doanh nghiệp vận tải nhỏ, chỉ có 1 xe: vậy thu nhập của họ tự nhiên bị cắt 1 nửa -> thất thu -> đóng thuế thấp -> nhà nước thất thu. Lâu dài thua lỗ -> công nhân mất việc – nguy cơ kinh tế thấy rõ. Doanh nghiệp vận tải lớn: sẽ cố gắng sắp xếp để có 2 biển số xe. Doanh nghiệp văn phòng nhỏ: bất tiện khi di chuyển và giao dịch trong thành phố, phải tốn theo chi phí taxi. Xe của họ không di chuyển trong thành phố nhưng bù lại taxi chở họ, có ai bảo đảm là họ sẽ dùng xe buýt không? Vậy mục tiêu đề ra là giảm xe chạy trong thành phố: Không hiệu quả!
 
Hãy nghĩ ra điều gì hay hơn hai từ “cấm đoán” - 1

ảnh minh họa (nguồn ảnh: bee.net.vn)
 

2/. Tại sao áp dụng: Như tôi đã nói ở trên, chưa có 1 nghiên cứu nào cho thấy ô tô là nguyên nhân chính của kẹt xe cả. Đây gọi là làm thử và tất nhiên nếu sai thì sửa. Tại sao nữa? Áp dụng để giảm kẹt xe: Theo như tôi phân tích ở trên, khả năng giảm lưu thông của ô tô trong thành phố là bao nhiêu phần trăm. Vậy mục tiêu đề ra là giảm kẹt xe có thành công không? Tất nhiên là không rồi!

3/. Khi nào áp dụng và áp dụng ở đâu? Áp dụng nguyên ngày, tùy thuộc chẵn lẻ: Giả sử mọi người tuân thủ hoàn toàn theo phương pháp này. Nếu xe họ bảng số chẵn/lẻ, họ sẽ để xe lại cửa ngõ thành phố theo quy định và dùng phương tiện khác đi vào thành phố. Và nếu như thành công, không có kẹt xe, mọi người đi lại thoải mái -> Vậy chúng ta đã tận dụng hết công suất đường phố cho việc đi lại và giao dịch kinh doanh chưa ->  Chưa!

 

Thành phố này là thành phố du lịch hay thành phố kinh tế. Điều gì ưu tiên cho thành phố này? Giải pháp tránh kẹt xe là giúp tránh thiệt hại kinh tế chứ không có nghĩa là hoàn thành nhiệm vụ tránh kẹt xe. Phải nghĩ ra được cái gì hay hơn là hai từ “cấm đoán”.

 

Tuy nhiên, theo tôi phân tích ở trên thì sự thành công của giải pháp này là cực kỳ khó, có thể nói là không thành công theo mục đích tránh kẹt xe.

 

4/. Áp dụng như thế nào? Có ai phác họa sẽ làm như thế nào khi triển khai phương án này chưa và có tính đến sự khả thi của nó không. Về xử phạt: Thứ nhất, ai chịu trách nhiệm canh giữ cửa ngõ TPHCM 24/24h để đảm bảo luật lệ được chấp hành nghiêm chỉnh? Thứ hai, làm cách nào để kiểm tra và xử phạt hợp lý để tránh ùn tắc giao thông và tốn thời gian của những người khác? Thứ ba: Khi phát hiện ra xe phạm luật, có bãi giữ xe hay lề tránh cho xe tấp vào lề không? Về chủ phương tiện doanh nghiệp thông thường: Xe đỗ ở đâu? Có đảm bảo an toàn xe của họ sẽ được canh giữ ở điều kiện tốt và an toàn không? Có chắc là đón được phương tiện khác đi nối tiếp với giá cả hợp lý hay không (xe buýt, taxi, xe ôm…..)?

 

Có ai bảo đảm là họ sẽ đi đúng giờ làm hoặc giờ hẹn đối tác không? Nếu họ đi taxi : có giống họ di chuyển bằng ô tô vào thành phố không? Nếu họ đi xe buýt, đến bến, họ tiếp tục dùng taxi: vậy đồng nghĩa với ô tô của họ vẫn di chuyển trong thành phố. Về chủ phương tiện vận tải có 1 đầu xe: Chết cứng, đành giảm thu nhập vì ông trời sinh ra ngày chẵn lẻ.

5/. Hiệu quả kinh tế? Tôi không biết giữa kẹt xe và cấm xe theo kiểu này thì thiệt hại kinh tế nào lớn hơn? Cái này dành cho các chuyên gia kinh tế. Không có nghiên cứu, tôi không dám bàn và cũng không dám múa rìu qua mắt thợ. Nhưng theo ý thiển cận của tôi thì người thiệt hại nhất sẽ là kinh doanh nhỏ lẻ và người làm thuê cho họ và người được nhất chắc là ngành taxi. Rất mong các giới chức nên có chiều sâu khi phát biểu 1 vấn đề quốc sách. Có tinh thần trách nhiệm cao khi ngành của mình có vấn đề nan giải.

 

Việc người dân không ý thức gây kẹt xe cũng thuộc lỗi của quản lý không nghiêm, xử phạt không đúng và công an giao thông cũng góp phần không nhỏ trong việc này. Để vấn đề bớt căng thẳng, tôi xin nêu 1 ví dụ ở 1 nước đông dân nhất Đông Nam Á, thành phần dân nghèo cũng rất đông và cũng kẹt xe từng ngày, và cũng có sử dụng xe buýt, ô tô, gắn máy như ở nước ta: Indonesia.

 

I/. Xe buýt : họ có nhiều loại xe buýt:


a) Xe buýt lớn: Đi suốt tuyến trong thành phố, có chuyến xe buýt để đi hết tuyến. Khi bạn xuống sai bến, bạn có thể đón xe tiếp theo đi mà không cần trả thêm phí. Và ngay khi chuyển xe buýt để đi tiếp, bạn cũng không cần phải mua vé. Xe này nhân viên lái xe mặc áo vét, người soát vé mặc trang phục truyền thống. Mỗi thứ hai hàng tuần họ phải mặc đồ may từ vải nội địa để ủng hộ hàng nội. Xe này có 1 tuyến riêng ở giữa đường, có gờ ximăng để phân biệt với các xe khác. Không bao giờ có kẹt xe buýt này. Giá vé 2 năm trước vào khoảng tương đương 7.000 VND. Mỗi nhà soát vé đều có các bản đồ tuyến miễn phí cho hành khách. 1 số nơi có wifi và hầu hết đều có máy lạnh. Mỗi khi chuyển xe buýt, có lối đi riêng, không nhầm lẫn.


b) Xe buýt 16 chỗ ngồi, hình như tương đương khoảng 2.000-3.000 VND, có những tuyến riêng cho những khu dân cư nhỏ, di chuyển từ nơi mua sắm và đi về khu người dân, không có đường ưu tiên.
 
c) Xe buýt giống xe lam: khoảng 1.000 VND, không có đường ưu tiên, chạy ở khu xa. Tôi đi taxi hay xe buýt vào giờ cao điểm? Chắc chắn là đi xe buýt rồi, vừa nhanh, vừa không sợ lạc, vừa đỡ tốn tiền và ngồi máy lạnh, không phải ngửi khói kẹt xe. Thậm chí, khi chúng tôi đang đi xe taxi, thấy kẹt xe quá, dừng lại trả tiền theo công tơ mét và chuyển qua đi xe buýt. Tài xế taxi không phàn nàn gì.

II/. Thời điểm giao thông thuận lợi ban ngày, trong ngày thứ bảy chủ nhật, tôi không thấy cảnh sát mấy. Nhưng đến giờ cao điểm, bạn sẽ thấy họ khắp nơi và họ chính là người giúp cho xe không bị “kẹt”. Tôi muốn nói đến sự phân biệt giữa “tắc đường” và “kẹt xe”. Bên họ, tôi chỉ thấy kẹt xe (tức xe chạy như rùa bò) chứ không có cảnh 2 xe giành nhau và kẹt cứng 1 chỗ, không tới không lui được –gây ra tắc đường như ở Việt Nam mình.

III/ Văn hóa đi xe hơi (đây là điều tôi mới học được sau chuyến đi Indonesia): Hôm đó, trên đoạn đường đó là 1 hàng xe ô tô xếp lớp cùng với xe máy. Một chiếc ô tô từ trong nhà đi ra và tôi trố mắt ngạc nhiên khi thấy tài xế trong làn đường đó tránh khoảng trống cho xe này ra và cho chiếc xe đó đứng trước mình để có thể lưu thông tiếp trong tình trạng kẹt xe đó (trong khi tôi chỉ thấy các bác tài nhà ta cố lấn tới và người ở trong thì cố lấn ra, cuối cùng mắc kẹt). Anh bạn tôi giải thích đó là văn hóa đi xe hơi. Tôi không biết có cụm từ này hay có điều luật này không, nhưng nếu mọi người đều ứng xử như vậy thì có lẽ sẽ giúp giảm bớt cái gọi là “tắc đường” và giúp giảm thiểu kẹt xe. Ngoài ra còn tránh được nhiều tai nạn đáng tiếc như đã xảy ra mà gần đây báo chí đưa tin.
 
Tôi rất thích câu “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Nếu ai là lãnh đạo, chắc phải nắm rõ ý nghĩa của câu này. Việc trước mắt, hãy thử nghĩ anh sẽ làm gì khi xe anh bị cấm ra vào thành phố tùy theo ngày chẵn lẻ. Việc thứ hai, người trong gia đình anh sẽ nghĩ gì. Và vì anh là lãnh đạo của ngành giao thông vận tải, nên công an giao thông cũng như người nhà của anh., anh nghĩ họ sẽ phải làm gì trong tình trạng kẹt xe này?
 
Hãy chinh phục mọi người và đưa ra bằng chứng cho thấy anh đã làm hết mình trong việc này mà chưa thành công. Bằng chứng đơn giản nhất: Hãy cho người dân thấy bóng dáng các anh công an thường xuyên và đông đảo trước giờ dự tính kẹt xe ít nhất là 30 phút, họ là người nắm chắc và báo cáo được cho anh ngay thời khắc kẹt xe và vì sao kẹt xe.

 

Tôi ở 1 khu vực mà xung quanh kẹt xe và tôi dám chắc 1 điều là lâu lắm rồi tôi không thấy vai trò của cảnh sát giao thông khi kẹt. Họ  thường chỉ đến khi mọi việc đã trở nên tồi tệ. Tại sao họ không thể đến sớm hơn? Anh cấm thì người dân sẽ tuân theo thôi. Đó là kỷ cương phép nước, nhưng liệu anh có được lòng dân hay không.

 

PS: Tôi không có xe ô tô, không biết lái và tôi cũng không nghĩ mình sẽ mua ô tô làm gì trong thành phố kẹt xe này. Tôi chỉ thấy mình cần góp ý cho thành phố mình thôi. Rất mong các cấp lãnh đạo quan tâm.