Bạn đọc viết:
“Hiến kế” cho việc cấm xe theo ngày
(Dân trí) - Tôi cũng chỉ là một người dân bình thường. Khi mới nghe về dự thảo lệnh cấm này, tôi cũng cảm thấy rất bức xúc với lối suy nghĩ bàn giấy của những người đề xuất ý tưởng.
Cần kết hợp cấm xe theo ngày với thu phí giao thông vào nội đô? Có lẽ mấy ngày gần đây, việc cấm xe theo ngày lại một lần nữa được xới lên và nhận được rất nhiều phản ứng không đồng tình của người dân.
Ùn tắc giao thông là "bài toán khó" hiện nay của nước ta (nguồn ảnh: nguoiduatin.vn)
Tuy nhiên khi lệnh cấm này một lần nữa lại được đề xuất sau một lần thất bại vì phản ứng của người dân, đã buộc tôi phải nghĩ lại. Nếu như đây là một giải pháp dở và không khả thi thì tại sao nhiều nước lại đã áp dụng được. Nếu không hiệu quả thì tại sao họ lại nghĩ ra và duy trì được một lệnh cấm mà mới nghe đã thấy buồn cười - có vẻ khác người mà lại mang dáng vẻ cờ bạc chẵn lẻ nữa chứ. Tôi thiết nghĩ rằng, các nhà quản lý nhà ta không phải tự dưng nghĩ ra một lệnh cấm "lạ đời" này mà không có lý do.
Tuy nhiên họ mới chỉ nghĩ được một vế của lệnh cấm là tìm cách hạn chế ùn tắc giao thông, còn vế thứ hai là đảm bảo giao thương đi lại thuận tiện cho người dân có thể thì họ chưa tính đến. Họ có nói là sẽ phát triển phương tiện công cộng. Nhưng với việc đẻ ra một lệnh cấm đã phải tốn thời gian, chi phí cho việc thực thi lệnh cấm này. Rồi thì thời gian và chi phí đâu đầu tư cho vận tải công cộng. Rồi việc đầu tư nhỏ giọt, thiếu đồng bộ và chậm chạp nữa, thì tôi e rằng việc hoàn chỉnh hệ thống vận tải công cộng chưa xong, thì việc thực thi lệnh cấm có lẽ đã bị phá sản vì thiếu khả thi.
Gần đây tôi có nghe Bộ trưởng GTVT có nói là nên chọn một số tuyến đường bức xúc để làm thí điểm. Việc này cũng hoàn toàn không khả thi vì chỉ cấm trên một số tuyến đường thì chỉ hạn chế được xe cộ đi vào tuyến đường đó thôi, chứ không khuyến khích được việc người dân từ bỏ phương tiện cá nhân để sử dụng phương tiện công cộng. Vậy đâu là giải pháp cho việc thực thi lệnh cấm này.
Đây là một bài toán đầu tư mà nhà nước không hề mất chi phí đầu tư hoặc nếu có mất thì cũng ít hơn rất nhiều mà vẫn hạn chế được phương tiện cá nhân và vẫn đảm bảo giao thương thuận lợi cho người dân.
Về phía người dân, đứng trước việc sử dụng phương tiện công cộng hay được sử dụng phương tiện cá nhân và chấp nhận một khoản phí để dành cho 20-30 người khác sử dụng phương tiện công cộng, họ sẽ phải cân nhắc để lựa chọn. Tiết kiệm nhất là sử dụng phương tiện công cộng, còn những việc cần đến phương tiện cá nhân sẽ được sắp xếp vào những ngày phù hợp với biển số. Từ đó người dân sẽ hạn chế việc sử dụng các phương tiện cá nhân của mình để sử dụng các phương tiện công cộng.
Còn đối với những người thường xuyên phải sử dụng xe ô tô thường là những người có thu nhập tương đối trong xã hội, thì việc chấp nhận mất thêm một khoản phí cho người khác sử dụng phương tiện công cộng thì chắc họ cũng sẵn sàng. Như vậy vừa đảm bảo cho giao thương đi lại thuận tiện cho người dân, lại vừa hạn chế được các phương tiện cá nhân. Hơn nữa lại có tiền để đầu tư cho vận tải công cộng.
Với ý thức của một công dân cùng với nhứng bức xúc của việc không tìm ra lối thoát cho bài toán giao thông của những nhà quản lý, tôi chỉ muốn đóng góp một chút ý kiến của mình như để gợi mở cho việc tiếp tục nghiên cứu một cách triệt để và có trách nhiệm của các nhà quản lý đối với lệnh cấm xe theo ngày chẵn lẻ. Đừng để đến khi lệnh cấm ra rồi vừa làm khổ dân lại vừa không thực thi được.
Nguyễn Anh Dũng