Ý tưởng lưu thông xe theo ngày "chẵn - lẻ":

"Chuyện chưa gì đã... ầm ĩ!"

(Dân trí) - Dư luận vẫn xôn xao quanh chủ đề lưu thông xe theo ngày "chẵn - lẻ". Đa phần cho là vô lý, khó áp dụng được tại nước ta. Bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến bày tỏ tán thành và ủng hộ giải pháp được cho là tất yếu này.

Hầu hết những người đồng ý với ý tưởng lưu thông xe vào ngày chẵn – lẻ đều thừa nhận rằng họ không có ôtô, tuy nhiên đó không phải là lý do khiến họ “gật đầu” mà là bởi thấy giải pháp này cũng có lý. Trung Quốc (cụ thể là TP. Quảng Châu) có thể coi là một minh chứng (tuy nhiên bên đó họ cấm xe máy chứ không phải ôtô).

 

Tôi đồng ý phương án cấm xe theo ngày chẵn lẻ, nhưng phải được thực hiện nghiêm chỉnh và áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi đối tượng, trừ một số đối tượng ưu tiên theo quy định của nhà nước. Tôi mong muốn tất cả các vị lãnh đạo hãy cùng chia sẻ bằng việc tham gia sử dụng phương tiện công cộng cùng người dân” - Bình: xdtrongtin@gmail.com.

 

Cấm xe theo ngày chẵn lẻ là điều tất yếu với mức độ phát triển đô thị hiện nay của VN. Đây là bước đi muộn nhưng sớm muộn gì cũng phải đi, cho dù có giải quyết được vấn đề hạ tầng giao thông (như lấy điển hình là thành phố Quảng Châu của TQ) hay không.... chuyện này sớm hay muộn gì cũng phải làm”- Ratna:  nnhpvn@yahoo.com.

 

Cấm cũng được nhưng phải nghiêm, xe công, tư, thậm chí xe công cộng cũng phải tuân thủ lệnh cấm. Nếu luật đã nghiêm thì dân ắt nghe theo. Như vậy quan cũng phải đi bộ đi làm như dân, và nếu thế thì chẳng có lý gì không thực hiện được trừ phi quan thì có thể mua 2 ô tô đăng ký biển khác nhau, còn dân thì...” -  Dung Tien: dungtien.dksh@gmail.com.

 

Nhà tôi cũng không ở gần công ty, tôi đi làm bằng xe máy và cũng từng đi bằng xe buýt. Tôi cũng thấy những bất cập trong việc thực hiện cơ chế ngày chẵn lẻ và cơ sở hạ tầng, và biết bản thân cũng cảm thấy sẽ bất tiện đủ thứ. Tuy nhiên, tôi vẫn ủng hộ thực hiện xe chẵn lẻ, nhưng đó nên là 1 dự án song song với các dự án về hạ tầng, và khi hỏi ý kiến dân thì nên trình bày đầy đủ tất cả dự án phát triển giao thông, để người dân nắm được tổng thể vấn đề và nhìn nhận đúng đắn. Và một khi nhà nước đã kiên quyết thực hiện thì phải cam kết đúng tiến độ thực hiện, đừng để những người ủng hộ như chúng tôi lại thất vọng.

Ngoài ra, tôi muốn bàn về vấn đề mọi người hay nói: phải giáo dục ý thức trước. Tôi thấy việc này không đúng lắm, vì bản chất con người là không nguyên tắc và thường vì quyền lợi bản thân. Ý thức chỉ có thể xây dựng trên một nền tảng chế tài, luật định trước. Ngay cả một nước dân trí rất cao như Singapore cũng đã phải sử dụng chế tài, luật định làm nền tảng để xây dựng dân trí. Vài ý kiến chia sẻ
” - Hoa Cuc: hoacuc@yahoo.com.…..

 
"Chuyện chưa gì đã... ầm ĩ!" - 1

(ảnh minh họa từ nguồn: blog.yume.vn)
 

Còn những người phản đối thì có những lý lẽ riêng của mình. Nhiều phân tích của họ về những điều bất cập cùng những mặt yếu kém về cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ ở nước ta hiện nay, cũng rất đáng suy nghĩ.

 

Mấy ngày nay phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về ý tưởng cấm xe theo ngày, theo tôi đây là ý tưởng không thể vì:

- So sánh có nước đã áp dụng là khập khiễng (đất nước ta cơ sở hạ tầng đường đi chưa đủ chứ đừng nói đến nơi đỗ xe.

- Sẽ không ngăn được người có nhu cầu về xe ôtô, mua 2 cái biển chẵn và lẻ như thế xe lại nhiều lên và nuôi thêm dịch vụ cò biển số, nảy sinh ra 2-3 xe cùng loại đeo cùng 1 biển thay nhau.

- Tăng thêm lực lượng theo dõi biển số theo ngày để xử phạt. Nói chung sẽ kéo sự phát triển lùi lại. Doanh nghiệp thêm chi phí về phương tiện đi lại...

 

Theo tôi muốn chống ùn tắc tại các khu phố lớn chỉ nên đặt máy thu phí tự động (ai có nhu cầu cần thiết thì vào), để dùng nguồn này mở rộng đường lên thôi” – Manh: manhhnoithephaco@yahoo.com.vn.

 

Phương án cấm xe theo ngày theo biển chẵn, lẻ là bất khả thi vì:

 

1/ Không có đủ lực lượng để kiểm soát, ngăn chặn xe ra đường, dẫn đến ngày chẵn rất nhiều xe ngày lẻ vẫn lưu thông, thế là hòa cả làng. Thực tiễn cho thấy rất nhiều "chiến dịch ra quân" như cấm bán hàng rong, cấm để xe trên vỉa hè, cấm họp chợ, cấm bày hàng ra vỉa hè, cấm đổ đất thải sai quy định.v.v. thường chỉ được mấy hôm đầu, sau đó chẳng lấy đâu ra lực lượng để làm, kiểm tra và phạt.

 

2/ "Khuyến khích" sử dụng biển số xe giả: dùng biển chẵn ngày chẵn, dùng biển lẻ ngày lẻ.

 

3/ Xáo trộn cuộc sống của người dân và quan chức. Liệu các quan chức phải dùng 2 xe khác nhau để đi làm? Chính quyền chắc chắn không thể bỏ qua phản ứng của người dân, và như vậy nếu có thực hiện thì sau 1 thời gian ngắn lại phải hủy bỏ. Uy tín của người quyết định chủ trương này chắc chắn là rất thấp” - Kiệt: luongngoc1973@yahoo.com.

 

“Đây là kiểu ở bên Trung Quốc người ta đã làm. Nhưng ở bên ấy hệ thống giao thông tốt hơn ở ta rất nhiều và họ cấm tiệt xe máy. Con ở ta thì tất cả những gì có bánh xe đều đổ ra đường được hết, nên có cấm xe theo kiểu chẵn lẻ cũng chẳng giải quyết được gì” -  Hoai luong:  nqhungvthospital@vnn.vn.

 

Cấm xe kiểu này thì các tài xế sẽ bị đói vì chỉ còn lĩnh một nửa tiền lương. các hãng taxi thì giảm 50% thu nhập, các công ty có ôtô thì thi nhau đi trong ngày cho phép (nhiều khi còn kẹt xe nghiêm trọng hơn?!) Còn nữa, nhà nào dư tiền thì mua thêm xe cho đủ chẵn lẻ để ngày nào cũng có thể lưu thông, không mua  xe mới thì mua xe cũ cũng được, dẫn đến nguy cơ tăng thêm phương tiện lưu thông” -  minhminh: ngâlongquyentrng@gmail.com.

 

Có một số điểm mà nước ta chưa khắc phục được, đó là hệ thống giao thông đường bộ và phương tiện công cộng. Vì vậy việc cấm xe theo ngày thật khó thực hiện. Để có thể hoàn chỉnh được hệ thống giao thông cũng như cơ sở hạ tầng cần mất nhiều thời gian, tiềm lực phải đủ lớn, cần lãnh đạo có tâm, có tầm. Đó là điều còn thiếu rất nhiều ở nước ta.

 

Nhưng 1 thực tế đáng buồn hơn là thái độ khi tham gia giao thông. Khi giờ cao điểm hoặc kể cả thấp điểm, người dân Việt Nam mình đã bao giờ ý thức được việc đi đúng làn đường chưa, cái này tôi nghĩ là điều quan trọng nhất để giải quyết vấn đề tạm thời. Tôi ví dụ như đường Trường Chinh- Hà Nội, bề rộng 1 chiều chỉ có khoảng 4m nhưng khi đường đông ôtô sẵn sàng dàn hàng 2,3 như thế thì lưu thông sao được. Xe máy thì chen ra ngoài, bất cứ chỗ nào chen được là chen.
 
Hay khi dừng tại ngã tư, nếu bạn rẽ trái hoặc đi thẳng bạn cần chuyển làn trước, và dừng lại vào bên trái khi còn cách xa ngã tư, tương tự như thế là rẽ phải. Nhưng ở Việt Nam tôi thấy việc rẽ phải rẽ trái rất vô tội vạ, tiện đâu rẽ đấy mà không hề có chuyện chuyển làn khi tham gia giao thông.
 
Giao thông là công cộng, không của bất cứ phương tiện nào. Nhưng mỗi người tham gia giao thông cần ý thức được việc mình được đi vào làn đường nào, khi cần rẽ thì phải chuyển làn như thế nào để không ảnh hưởng đến người khác. Lực lượng chức năng, công an giao thông thì hình như chỉ biết bắt người vi phạm như vượt đèn đỏ, không bật xi nhan, ...những lỗi vặt vãnh đó không làm tăng lên hay giảm đi áp lực lên giao thông công cộng. Vậy việc này thay đổi dễ hay khó, xin thưa quá khó.

 

Tại sao???Bởi vì văn hóa của nhiều người Việt Nam là không có ý thức cộng đồng. Lớp người lớn tuổi và trưởng thành thì đã đành, nhưng ngay cả đến lớp người trẻ, hay là ngay cả trẻ em, thanh thiếu niên cũng vậy. Trẻ em được cha mẹ đèo đi học thì đã đi như vậy. Lớn hơn chút chúng đi xe đạp đi học thì lại đi theo xe máy theo người lớn. Lớn hơn nữa thì hay túm năm tụm ba, dàn hàng ra đường, đùa cợt nhau khi tham gia giao thông, vi phạm luật bừa bãi (vì có suy nghĩ trẻ con không bị phạt, lại còn đi xe đạp nên công an cũng không buồn bắt). 15,16 tuổi là đã được cha mẹ cho phép đi xe máy. Trong khi trong nhà trường và cả xã hội nữa, đều chưa có biện pháp giáo dục thế hệ trẻ về cách tham gia giao thông đúng luật và văn minh. Vậy thì đến bao giờ mới có được văn hóa tham gia giao thông????” - pham thanh: ptthanh1986@gmail.com.

 

“Tôi có một ý kiến về việc cấm xe theo ngày chẵn lẻ. Theo nhận xét cá nhân của tôi, thì cả cái ngày chẵn lẻ không khả thi.

 

Thứ nhất về cái chẵn lẻ:

 

+ Một tháng có tháng 29 có tháng 30 có tháng 31  ngày, như vậy sẽ có xe lẻ đi liên tục trong hai ngày liền nếu là tháng thiếu hoặc tháng thừa.

 

+ Lấy người đâu ra để quản lý việc thực hiện nghiêm túc và theo dõi chẵn lẻ. Ở nước ngoài họ chỉ cần lắp camera và họ theo dõi, nếu vi phạm họ gửi bill đến người chủ sở hữu của phương tiện. Mhưng ở nước ta nếu gửi bill đến thì ai nhận, nhận rồi ai chịu mang tiền đi phạt, bởi họ không mang tiền đi phạt thì cũng không ai làm gì được họ. Vì vậy để làm được việc này thì đầu tiên phải quản lý được phương tiện (khi chuyển nhượng, xin cho phải đổi tên, đổi chủ - nhưng liên quan đến thuế quá cao, ai chịu đổi).

 

+ Tôi đã từng sử dụng phương tiện công cộng (xe bus) ở Hà nội. Nói thật là lần sử dụng đó là một lần bị tra tấn khiến tôi sẽ sợ đến già. Vừa đông đúc, vừa hôi hám, vừa lộn xộn, xe đi như làm xiếc, móc túi, cướp giật......Phương tiện như vậy thì thử hỏi ai muốn sử dụng. Ở nước ngoài họ phát triển đường sắt trên cao chạy quanh thành phố, hoặc tầu điện ngầm với tốc độ cao, sạch sẽ, thuận tiện, nhanh .... sau khi rời khỏi ga tàu là đi bộ đường thông hè thoáng. Còn ở Việt Nam mình thì sau khi rời khỏi "nhục hình xe bus" lại phải chọn xe ôm.

 

Thứ ba: xin đưa ra ý kiến:

 

+ Muốn giao thông không tắc thì nhất thiết phải phát triển cơ sở hạ tầng cho tốt như: đầu tư mở rộng đường xá, đầu tư hệ thống tàu điện trên cao, đầu tư tàu điện ngầm dưới đất…

 

+ Quản lý cho chặt đầu tư công, xây dựng đường xá, cầu cống, cơ sở hạ tầng thì quản lý chặt chứ cứ "hố tử thần" "lô cốt phòng thủ" thì không biết bao giờ mới hoàn thiện được (chưa hoàn thành xong công trình, công trình đã hỏng, hoàn thành xong thì lại duyệt dự án làm mới cái chỗ vừa hoàn thành).

 

Tôi có chút ít kiến thức mong được đóng góp” - Nguyễn Anh Dũng: anhdung_hp@yahoo.com.
...........

 
Nguyệt Thu

(tổng hợp)