Hãy biết quý trọng và nuôi dưỡng lòng thanh cao

“Tôi không còn muốn gì cho bản thân nhưng có một mong ước nhỏ nhoi: tôi có được phép giữ lại tấm hình của Philipp không?” - Xơ Đỗ Thị Suốn nói khi biết đứa trẻ mồ côi mà bà nuôi nấng mấy chục năm trước nay đã trở thành Bộ trưởng y tế của nước Đức.

 
Hãy biết quý trọng và nuôi dưỡng lòng thanh cao    - 1
Bà “xơ” Đỗ Thị Suốn với tấm hình của tân Bộ trưởng Bộ Y tế Đức gốc Việt

 - người đã qua tay bà nuôi ở trại trẻ mồ côi tại Sóc Trăng trong loạn lạc.  (Ảnh: Duy Khang - Báo Tuổi Trẻ 3/11/2009)

 

Tâm hồn cao thượng vẫn còn đó

 

Với bà, bà chỉ mong giữ lại cho mình hình ảnh yêu thương của đứa con nay đã trưởng thành, mà khi còn là đứa bé đơn côi mới 9 tháng tuổi, bà đã cùng một “xơ” khác chăm bẵm và nuôi dưỡng trong điều kiện hết sức gian nan của cuộc chiến tranh đầy đạn bom, khói lửa… Bà xơ kia đã mất, còn lại bà là xơ Maria Đỗ Thị Suốn, nay dù đã già yếu vẫn còn làm việc thiện nguyện tại trại trẻ mồ côi của Nhà Thờ Công Giáo ở 190 Tôn Đức Thắng (TP. Sóc Trăng).

 

Hai vị khách Tây đến thăm bà là những phóng viên của báo Bild (Đức) đem đến cho bà một thông điệp và chỉ vào tấm hình: “Đây là cậu bé hồi đó chưa mang tên Philipp Roesler, đã được một gia đình người Đức nhận làm con nuôi tại đây, đưa về Đức trong tháng 11/1973, và bây giờ là một người đầy quyền lực ở Đức”.

 

Con người “đầy quyền lực” ấy chính là tân Bộ Trưởng Y tế của nước Đức, gốc Việt, cách đây 36 năm là một trẻ mới 9 tháng tuổi sống trong trại mồ côi này. Sự kiện ấy đem lại niềm vui và lòng tự hào cho người Việt bốn phương. Và, bên cạnh đó, những ai quan tâm đến nguồn cội, nhất là lưu tâm đến việc “uống nước nhớ nguồn” đều thấy hết sức cảm kích trước tấm lòng nhân ái và cao thượng của các vị xơ lặng thầm ở nơi đây.

 

Nhân ái ở chỗ trong chiến tranh đầy gian truân, họ không nề hà cứu giúp những tâm hồn bé thơ bị bơ vơ giữa cõi đời, không chỉ vài cháu mà hàng mấy trăm cháu... Cao thượng ở chỗ, họ không bao giờ có ý nghĩ muốn kể công để mưu cầu lợi lộc khi những “sản phẩm’ cưu mang của mình nay đã thành đạt và có nhiều quyền lực. “Thành đạt và hạnh phúc” là điều duy nhất mà “xơ” Maria Đỗ Thị Suốn luôn ước mong cho những đứa bé của “xơ” -  Và, nếu có một điều mong thêm nữa, với bà, chỉ là một ước muốn nhỏ nhoi thôi : xin giữ lại tấm hình của “đứa bé” mồ côi nhiều năm trước bà đã có hạnh phúc được góp phần chăm sóc, nuôi dưỡng.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Tấm hình, vâng, tấm hình khi được lưu lại sẽ là kỷ niệm vô giá của bà về một đứa con mồ côi đã được bà cưu mang trong cảnh hoạn nạn thuở ấu nhi. Chỉ bấy nhiêu giá trị tinh thần cũng đủ sưởi ấm lòng bà trong tuổi xế chiều và lúc đau ốm. Với tấm lòng thanh cao ấy, chúng ta ngưỡng mộ và biết ơn bà. Chúng ta cũng kính mến và cám ơn những tổ chức và gia đình ở nước ngoài đã tiếp sức nuôi dạy các bé mồ côi đó, đào tạo chúng nên người, trong đó có gương mặt đôn hậu và dễ thương như Philipp Roesler.

 

Nhìn tấm gương nhân ái của những người không vì tiền mà cứu độ chúng sinh và giữ lòng trong trắng, chúng ta cảm kích vô cùng trước vẻ đẹp của tâm hồn thanh cao vẫn còn đó trong thời buổi đang bộc lộ nhiều mặt trái của cơ chế thị trường, với sự lên ngôi của “tiền và rất nhiều tiền” thì phẩm giá thanh cao của bà “xơ” đó như mũi tên chọc thủng một lỗ sâu trên ngôi vị tiền của kẻ trọc phú và quan tham. Đương nhiên, nó chưa đủ sức đạp đổ “vương miện tiền” của chúng, nhưng ít ra nó cũng thức tỉnh những ai còn chút lương tri mà đang nắm danh, nắm quyền đi với tiền.

 

Hãy biết quý trọng và và nuôi dưỡng lòng thanh cao  

 

Có một đại biểu quốc hội từ nhiều năm trước đã phát biểu: “Rào cản” chủ yếu trong giáo dục không phải là thiếu kinh phí, mà lại là người nắm trong tay quyền sử dụng kinh phí. Vậy, vấn đề chính là con người, là nhân sự chứ không phải ngân quỹ hay tài sản vật chất, mới hy vọng có những bước cải cách đột phá. Tại đó, chúng ta cần một đội ngũ nhân lực (nhất là những người nắm giữ những vị trí then chốt) trước hết phải có lòng thanh cao.

 

Trong sự nghiệp giáo dục và tự giáo dục, với mỗi người, song song với việc trau dồi nâng cao tri thức và kỹ năng chuyên môn, cần luôn trau dồi và phát triển những phẩm chất cao quý như lòng hiếu thảo, lòng yêu nước, … và đương nhiên cần có tấm lòng thanh cao. Theo chúng tôi hiểu, lòng thanh cao gồm những đức tính cao đẹp như tính công minh, tính chính trực, tính liêm sỉ, tính khoan nhượng, tính bao dung, tính bất vụ lợi, tính bất vị thân…

 

Chính sự vụ lợi và thói xấu thường gặp thời nay là sự “bợ đỡ” cho những cái xấu, cái sai của những người cùng bè cánh hay là họ hàng, thân quen… Điều đó đang làm xói mòn, làm tha hóa lòng thanh cao vốn là “bản thiện” của con người, dù ngoài miệng những kẻ xấu đó vẫn hô hào “yêu nước, thương dân” và “học tập gương sáng” của lãnh tụ!

 

Lòng yêu nước cần cho Tổ Quốc. Lòng hiếu thảo cần cho gia đình. Lòng trắc ẩn cần cho xã hội… Còn lòng thanh cao ? Nó cần cho tất cả, cần cho mọi việc, mọi nơi, mọi lúc. Nhất là nơi công sở, chốn công quyền, lúc thi hành các công vụ, lúc làm “người công bộc” của dân… Đó là những lúc thử thách lòng thanh cao của mỗi người ở mức độ cao hay thấp, liêm sỉ hay không liêm sỉ, là chính hay tà, là thật hay ngụy, là người chân chất hay đã mất nhân tính...

 

Các nhà giáo dục chân chính và những nhà tuyên huấn dày dạn đều thấy rằng, để có hiệu quả trong công tác tuyên truyền, giáo dục, đừng sa vào những huấn thị trừu tượng, những lý tưởng xa vời, mà phải đi vào thực tế cuộc sống với những tấm gương sinh động. Tại đó, việc giáo dục và lý luận giáo dục hòa quyện vào hơi thở của cuộc sống, xoáy vào tâm can con người. Giáo dục và tự giáo dục lòng thanh cao chính là nhằm trau dồi nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn trong sạch và tấm lòng vi tha ở mọi nơi mọi lúc, trong suốt cả đời người. Điều đó cần cho mọi người, mọi lứa tuổi, và cũng cần cho mọi phương pháp giáo dục theo tinh thần nhân văn.

 

Trong truyện Kiều, Cụ Nguyễn Du đã tố cáo thói ức hiếp dân của các quan quyền bất lương là “Bắt phong trần, phải phong trần / Cho thanh cao mới được phần thanh cao…”.

 

Cả thời xưa và thời nay, không ít người dân bình thường luôn biết sống thanh cao, coi trọng nghĩa tình và lẽ phải, không chịu cúi đầu trước những kẻ bất lương dù chúng có chức có quyền. Họ không cần ai cho họ lòng thanh cao, mà tự họ rèn đúc sự thanh cao.

 

Những người bình dị đó, họ sống lặng lẽ và tự giác làm việc, tự nguyện cống hiến… với những phẩm chất thanh cao của mình. Những tấm gương âm thầm đó là bài học sinh động cho tất cả những ai muốn tự trau dồi lòng thanh cao.

 

Bởi thế, những người như các “xơ” mà bài báo Tuổi trẻ đã nhắc tới (và các vị sống đời thanh bạch, ẩn mình vô danh, cống hiến lặng thầm) thật đúng như những đóa sen tỏa hương thơm giữa đầm lầy hôi tanh, những tinh khôi giữa muôn ngàn mê muội…

 

Quang Dương

                                                Nhà nghiên cứu tâm lý

 

LTS Dân trí - Lòng nhân ái và sự cao thượng lặng thầm của các bà xơ  tự nguyện cống hiến cả đời mình cho việc cưu mang, nuôi dạy những trẻ mồ côi, là những tấm gương sáng về lòng vị tha cao cả mà mọi người có thể tìm thấy ở đó những bài học đầy sức thuyết phục.

 

Đấy là lòng thanh cao vốn là đức tính cao quý của tất cả những ai biết sống vì  người khác, biết hy sinh vì việc nghĩa, không tính thiệt hơn cho cá nhân. Trau dồi và nuôi dưỡng lòng thanh cao đúng  là một mục tiêu cần quan tâm của sự nghiệp giáo dục ngày nay cũng là mục tiêu tu dưỡng, phấn đấu của mỗi người, nhất là trong bối cảnh xã hội đang có những biểu hiện sa sút về đạo đức, nhân cách và với sự “lên ngôi” của đồng tiền, lối sống thực dụng đang có chiều hướng phát triển.

 

Chúng tôi hoan nghênh tác giả bài viết trên đây đã đề cập chủ đề này trên Diễn đàn Dân trí và mong nhận được những ý kiến tham gia thảo luận.