Hà Nội:

Hàng trăm người tiếp tục “trắng” Tết vì dự án treo 12 năm

(Dân trí ) - Trong lúc dự án công viên Đống Đa bị “treo” vô thời hạn, 50 hộ dân, với hàng trăm nhân khẩu bàn giao mặt bằng khu vực ao Thước Thợ từ năm 2001 vẫn phải vật lộn giữa vô vàn khó khăn mà không nhận sự quan tâm của TP. Hà Nội.

Như thông tin báo Dân trí đã đưa trong nhiều bài viết, thực hiện Quyết định số 6358 ngày 26/10/2001, của TP. Hà Nội về việc thu hồi 70.925m2 đất ở khu bãi rác Thành Công và Ao Thước Thợ phục vụ cho dự án Công viên Đống Đa. 132 hộ dân sinh sống ổn định khu Ao Thước Thợ hàng chục năm đã bàn giao lại nhà đất cho UBND quận Đống Đa đúng thời hạn với mong muốn nhận được hỗ trợ về mặt kinh phí, cùng chế độ tái định cư đúng mức để ổn định cuộc sống.
 
Chị Nguyễn Thị Ánh (phải) phải ở nhờ nhà mẹ đẻ và làm đủ việc để nuôi con gái
Chị Nguyễn Thị Ánh (phải) phải ở nhờ nhà mẹ đẻ và làm đủ việc để nuôi con gái

Tuy nhiên, đã 12 năm trôi qua, ước mơ của các hộ dân nơi đây vẫn mờ mịt. Nhiều gia đình tan đàn xẻ nghé, lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn vì không được đền bù thoả đáng, trong khi dự án công viên Đống Đa bị “treo” vô thời hạn. Có những hộ dân đã liên tục chuyển nhà thuê từ nơi này sang nơi khác đến hàng chục lần do giá nhà tăng, đến nay vẫn không có được một chỗ ở ổn định: như ông Nguyễn Văn Nam đã phải chuyển nhà 20 lần/11 năm … và còn rất nhiều các trường hợp vô cùng khó khăn khác.

Chị Nguyễn Thị Ánh là một trong 132 hộ gia đình bị di dời trong khu vực Ao Thước Thợ. Đã 12 năm qua, chị phải sống nay đây mai đó, làm đủ nghề để kiếm sống. Giờ chị phải sống cùng bố mẹ đẻ và gia đình em trai – tổng cộng là 13 người trong căn hộ vỏn vẹn có 40m2 . Ngày ngày chị phải đi bán đồng nát, làm thuê để kiếm tiền nuôi con gái ăn học.

Bà Nghiêm Thị Hạt vừa phải trông cháu nhỏ, vừa là người
Bà Nghiêm Thị Hạt vừa phải trông cháu nhỏ, vừa là người
 lo kinh tế chính cho gia đình
 

Bà Nghiêm Thị Hạt - 80 tuổi chia sẻ bà phải đi bán hoa, bán hương ngày rằm, mùng một để lo kinh tế chính cho gia đình. Con trai bà bị liệt chỉ nằm một chỗ, con dâu cũng phải đi lau dọn nhà thuê để phụ giúp cho gia đình. Căn phòng đi thuê vỏn vẹn 12m2 của nhà bà không có gì đáng giá, chỉ có tấm đệm được chủ nhà thương tình để lại cho và tấm dát giường để trải chiếu lên nằm mùa đông. Cả gia đình 7 người nhà bà không có lấy nổi cái chăn bông ấm để đắp cho qua những ngày đông giá rét.

Thê thảm hơn cả là trường hợp của bà Đặng Thị Nhã, đã gần 80 tuổi mà vẫn lủi thủi một mình trong căn nhà đi thuê bằng số tiền lương hưu ít ỏi. Bà chia sẻ chồng bà vì uất ức quá sau khi bị thu hồi đất lâm bệnh nặng mà mất, con trai cũng vì thế mà nghiện ngập rồi cũng mất sau đó không lâu. Thậm chí, đám tang của chồng và con trai cũng phải nhờ đến bà con làng xóm đóng góp.
 
Bà Đặng Thị Nhã trong tiết trời giá lạnh với căn phòng tồi tàn đi thuê,
Bà Đặng Thị Nhã trong tiết trời giá lạnh với căn phòng tồi tàn đi thuê,
đến cánh cửa cũng phải lấy bạt cũ để che gió

Bà nói trong nước mắt: “Giờ một mình, tôi nhiều lúc không muốn sống, chỉ muốn theo chồng nhưng nghĩ lại thương chồng con đã mất duy nhất có một đứa cháu nội nên tôi vẫn phải tiếp tục đấu tranh đến cùng để giành lại công bằng”. Sống một mình lủi thủi trong căn phòng thuê tồi tàn chỉ hơn 10m2, cả nhà không có thứ gì đáng giá, đến cánh cửa cũng phải che gió bằng những tấm bạt quảng cáo cũ, đã bỏ đi. Hoàn cảnh của bà khiến ai cũng phải rớt nước mắt.

Bà Nhã bùi ngùi chia sẻ về hoàn cảnh khốn khó của gia đình
Bà Nhã bùi ngùi chia sẻ về hoàn cảnh khốn khó của gia đình

Trong suốt những năm qua, 132 hộ dân khu vực Ao Thước Thợ vẫn liên tục đưa đơn kiến nghị, cầu cứu tới các cơ quan chức năng, tuy nhiên vẫn chưa được giải quyết triệt để, trong khi dự án công viên Đống Đa không biết đến bao giờ mới được thực hiện. Không biết đến bao giờ, các hộ dân khu vực Ao Thước Thợ mới có một mái nhà ổn định, mới có được một cái Tết trọn vẹn như bao người khác…

Duy Linh - Anh Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm