Hà Nội:

Dự án Công viên Đống Đa thành bãi rác, bãi kim tiêm

(Dân trí) - Nằm giữa lòng Thủ đô, dự án Công viên văn hoá, thể thao, vui chơi Đống Đa đã "treo" hàng chục năm qua và hiện chưa biết đến bao giờ mới tiếp tục được thực hiện, gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên, bức xúc trong dư luận…

Dự án Công viên Đống Đa thành bãi rác, bãi kim tiêm - 1
Đại diện các hộ dân bị thu hồi đất đang trình bày vụ việc tại Báo Dân trí
Hàng chục năm "đắp chiếu"...

Năm 2001, sau khi có phê duyệt dự án công viên văn hóa, thể thao, vui chơi Đống Đa (công viên Đống Đa) rộng 7,09 ha, UBND Thành phố giao cho Ban quản lý dự án (Ban QLDA) quận Đống Đa làm chủ đầu tư dự án, thực hiện xây mới hoàn toàn. Đây là dự án với mục đích phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí và sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân khu vực và thành phố, góp phần cải thiện cảnh quan môi trường và văn minh xã hội…

Thế nhưng, Ban QLDA quận Đống Đa chỉ di dời được 132 hộ, số diện tích GPMB được khoảng 2,2 ha rồi… bỏ đấy! Ngoài 132 hộ đã thực hiện GPMB từ năm 2001, trong dự án hiện nay còn có tới 800 đến 1.000 hộ dân đang sinh sống thuộc diện giải tỏa vô cùng khó khăn, bởi họ phải sống trong những căn nhà chật chội, cuộc sống luôn thiếu điện, thiếu nước.
Dự án Công viên Đống Đa thành bãi rác, bãi kim tiêm - 2
Dự án công viên "treo" khiến hàng nghìn mét vuông đất bỏ hoang lãng phí giữa lòng thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Anh Thế)

Trao đổi với PV Dân trí, bà Nguyễn Thị Yên, một trong những hộ gia đình đã bị thu hồi đất khu ao Thước Thợ bức xúc nói: “Chúng tôi chấp hành việc GPMB sớm, trong khi đó chủ đầu tư thì không thấy thực hiện, quản lý đất đai sau thu hồi yếu kém để khu vực dự án đã GPMB xuất hiện việc lấn chiếm trở lại.

Tại khu vực GPMB hiện nay có một nhà xưởng to lớn mọc lên, cùng với đó nhiều hộ dân dựng tạm nhà để vừa ở vừa làm nơi chứa phế liệu. Trong 132 hộ đã thu hồi, nhiều hộ vì chưa được nhà tái định cư, không có nhà ở nào khác thấy vậy cũng quay trở về dựng lều để ở tạm nhưng chính quyền địa phương ra cưỡng chế ngay, còn nhà xưởng to lớn kia thì vẫn tồn tại”.

Theo quan sát của chúng tôi, trong khu vực dự án hiện nay xuất hiện nhiều hộ dân đua nhau cơi nới, xây nhà cao tầng mà không thấy chính quyền địa phương ngăn chặn. Phần diện tích đã thu hồi 2,2 ha nhiều chỗ cỏ hoang mọc um tùm, là tụ điểm tiêm chích ma túy, nơi tập kết rác gây ô nhiễm môi trường…

Người dân cho biết, mấy năm trước còn có một nam thanh niên vào tiêm chích ma túy, bị sốc thuốc chết thối rữa mới phát hiện tại khu vực giải tỏa.

Đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất 23 triệu đồng/hộ

Việc dự án kéo dài tới 10 năm mà chưa có giải pháp thực hiện làm cho cuộc sống của gần 1.000 hộ dân nơi đây đang “treo” theo với dự án “treo”, cuộc sống của gần 50/132 hộ đã bàn giao mặt bằng thì luôn bấp bênh…

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, Hội đồng GPMB quận Đống Đa đã tiến hành xác định nguồn gốc đất các hộ dân nằm trong dự án và cho rằng đều là lấn chiếm, vì người dân không xuất trình được giấy tờ hợp pháp. Tuy nhiên, các hộ dân đều cho rằng: họ đã mua bán ăn ở ổn định tại đây từ trước năm 1993, không có tranh chấp với ai. Thậm chí như hộ ông Bùi Doãn Bình đã sinh sống từ những năm 1989, 1990 ở khu vực ao Thước Thợ cho đến khi có quy hoạch dự án.
 
Dự án Công viên Đống Đa thành bãi rác, bãi kim tiêm - 3
Nhiều hộ dân khu Ao Thước Thợ trong diện giải tỏa theo dự án xây dựng công viên năm 2001 bức xúc vì sau 10 năm công viên không thấy đâu mà khu đất ở của họ giờ thành bãi rác, bãi kim tiêm. (Ảnh: Anh Thế)

Ông Nguyễn Văn Nam, hộ dân đã thực hiện bàn giao đất sớm bức xúc nói: Đến thời điểm này không thấy triển khai nữa thì chỉ là “dự án ma”. Chỉ có điều khi chúng tôi phát hiện ra thì đã mất nhà, mất cửa. 10 năm qua nhà tái định cư không được mua nên phải rong ruổi thuê nhà mãi bên quận Long Biên, rất khổ cực.

Ông Nam cho biết thêm: Khi giải tỏa, thì Ban QLDA quận Đống Đa hứa hẹn là các bác cứ bàn giao đất cho dự án và sẽ bố trí cho các bác tái định cư ở khu Xuân Nộn, huyện Đông Anh, nhưng sau chúng tôi mới vỡ lở ra: những căn hộ đó là thuê tạm của Công ty xây dựng số 3 Đông Anh để cho chúng tôi ở. Điều kiện ăn ở bên đó thuộc diện “3 không” (Không điện, không nước, không công trình phụ), lại ghép 2 hộ ở chung 1 căn nhà rộng khoảng 20m2... nên nhiều hộ không chịu được đành bỏ ra ngoài thuê.

Mãi đến năm 2005, UBND TP. Hà Nội mới có quyết định cho 80/132 hộ dân trong diện giải toả đợt I, được mua nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại dự án Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên. Tuy nhiên, thành phố lại “bắt bí” mỗi hộ phải nộp đủ tiền trong vòng 3 tháng với số tiền 400 đến gần 500 triệu đồng trong khi đó tiền đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất gói gọn có 23 triệu đồng/hộ.

Được biết phần lớn các hộ dân sinh sống tại đây là những người có hoàn cảnh khó khăn; là cán bộ, công nhân viên các cơ quan, xí nghiệp nghỉ hưu, thu nhập thấp nên hầu hết sau khi mua nhà họ đều phải “bán lúa non” để lấy ít tiền chênh lệch và trả nợ, vì trong 3 tháng họ không biết lấy đâu ra tiền để nộp…

Chính vì dự án 10 năm qua mới GPMB được 132/1.000 hộ và 3 tổ chức, do vậy dư luận nhân dân hoài nghi về việc thu hồi đất để làm công viên Đống Đa. Dự án hiện nay còn khoảng 1.000 hộ dân nữa thì không biết đến khi nào mới hoàn thành công tác GPMB?

Suốt 10 năm qua, gần 50 hộ dân trong số 132 hộ đã bàn giao mặt bằng, nhận được số tiền đền bù rất ít và không được tái định cư nên gần 10 năm qua họ liên tục “gõ cửa” cơ quan chức năng Trung ương và Hà Nội đề nghị hỗ trợ thêm về chính sách đền bù, tái định cư, ổn định cuộc sống là nguyện vọng chính đáng cần xem xét...

Xây dựng công viên là để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhưng ở dự án công viên Đống Đa này không biết đến bao giờ chủ trương này mới thành hiện thực? Nhân kỷ niệm sự kiện trọng đại 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhiều dự án được TP Hà Nội đầu tư mới rất nhiều để chào mừng. Hàng nghìn tỷ đồng rót vào các công trình, trong đó có công viên Hòa Bình đầu tư mới 100%, nhưng đáng buồn thay cho công viên Đống Đa, dự án có từ 10 năm về trước thì lại bị “lãng quên”? Nên chăng chuyển dự án công viên Đống Đa sang dự án khác!
 
Liên quan đến dự án trên, ngày 22/4/2010, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký văn bản số 2811/UBND-TNMT gửi UBND quận Đống Đa nêu rõ:
UBND Thành phố đã có chỉ đạo tại các công văn số 918/UBND-TNMT ngày 4/2/2010 (về việc giải quyết tồn tại trong việc giải tỏa, chống lấn chiếm tại ao Thước Thợ, phường Trung Liệt, quận Đống Đa), công văn số 1592/UBND-TNMT ngày 11/3/2010 (về việc giải quyết đơn kiến nghị của một số hộ dân ở tổ 1E, phường Trung Liệt, quận Đống Đa), trong đó có chỉ đạo cụ thể về chính sách bồi thường, tái định cư cho các hộ dân và thời hạn phải báo cáo kết quả việc tổ chức thực hiện.
Cho tới nay, UBND quận Đống Đa chưa tổ chức thực hiện, các công dân tiếp tục có đơn thư, tập trung khiếu kiện đông người tại trụ sở UBND Thành phố.
Sau khi xem xét, UBND Thành phố có ý kiến như sau: Yêu cầu UBND quận Đống Đa nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố về nội dung trên; khẩn trương thực hiện những nội dung mà UBND Thành phố đã chỉ đạo tại các văn bản nêu trên, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 10/5/2010.
Hết thời hạn này, nếu không có báo cáo, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo việc thanh tra công vụ và có hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo UBND quận Đống Đa.
Vũ Văn Tiến - Thu Hà